Nếu tình trạng nóng lên toàn cầu tiếp tục ở mức 2,7 độ C, 68% sông băng sẽ biến mất, kéo theo nhiều thiệt hại nghiêm trọng.
Một nửa số sông băng trên hành tinh sẽ tan chảy vào năm 2100 ngay cả khi nhân loại kiên trì với các mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Science, quy mô và tác động khi sông băng biến mất dữ dội hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. Ít nhất một nửa mất mát này sẽ xảy ra trong vòng 30 năm tới.
Theo kịch bản lạc quan nhất là trái đất ấm lên 1,5 độ C, các nhà nghiên cứu phát hiện 49% sông băng sẽ biến mất (tức 26% tổng khối lượng băng vào cuối thế kỷ này, tương đương với 38,7 nghìn tỷ tấn). Tuy nhiên, nếu tình trạng nóng lên toàn cầu tiếp tục theo kịch bản hiện tại là 2,7 độ C, thì thiệt hại sẽ nghiêm trọng hơn nhiều, với 68% sông băng biến mất, đồng nghĩa với việc gần như không còn sông băng ở Trung Âu, Tây Canada và Mỹ vào cuối thế kỷ tới.
Điều này sẽ góp phần làm tăng đáng kể mực nước biển, đe dọa nguồn cung cấp nước tới 2 tỷ người, và tăng nguy cơ xảy ra các thảm họa tự nhiên như lũ lụt. Nghiên cứu đã xem xét tất cả vùng đất băng giá - trừ các dải băng ở Greenland và Nam Cực.
Nếu nhiệt độ tăng lên giới hạn ở 1,5 độ C, mực nước biển trung bình sẽ dâng lên 90mm từ năm 2015 tới 2100. Nhưng nếu nóng lên 2,7 độ C, sông băng tan chảy sẽ làm mực nước dâng lên khoảng 115mm. Các kịch bản này cao hơn tới 23% so với ước tính từ các mô hình trước đây.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu vệ tinh trong hai thập niên để vẽ bản đồ sông băng trên hành tinh với độ chính xác cao chưa từng có. Các mô hình trước đây phụ thuộc vào số đo của từng sông băng cụ thể, và thông tin đó cũng là ngoại suy mà ra, nhưng giờ đây các nhà nghiên cứu có thể lấy những điểm dữ liệu ở từng nơi một trong số 200.000 sông băng trên hành tinh. Lần đầu tiên, điều này cho phép các nhà nghiên cứu hiểu rõ bao nhiêu sông băng sẽ biến mất theo các kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau.
Theo tác giả chính của nghiên cứu, TS. David Rounce, Đại học Carnegie Mellon và Đại học Alaska Fairbanks, “Đây là lần đầu tiên chúng tôi tách riêng được số sông băng sẽ mất đi”. Hầu hết các sông băng biến mất có diện tích nhỏ, chưa đầy 1 km2. Đây chính là lý do vì sao theo kịch bản 2,7 độ C, 68% sông băng biến mất nhưng tổng khối lượng băng mất đi ước tính chỉ vào khoảng 32% (tương đương với 48,5 nghìn tỷ tấn băng).
Các sông băng nhỏ - chẳng hạn, những sông băng ở Trung Âu hay trên những ngọn núi cao ở châu Á - là nguồn nước và sinh kế quan trọng cho hàng triệu người. Chúng cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới tiêu, thủy điện và các dịch vụ khác hỗ trợ cho cuộc sống của người dân.
Các khu vực thấp hơn, chẳng hạn như dãy núi Alps và Pyrenees, thuộc nhóm những nơi chịu ảnh hưởng xấu nhất. Ví dụ, ở dãy núi Alps, các sông băng dự kiến sẽ thu nhỏ trung bình hơn 70% vào năm 2050, nhiều sông băng nhỏ hơn sẽ biến mất, ở nhiều nơi tuyết phủ trên đỉnh sẽ tan chảy để lộ lớp đá trơ trụi, dẫn tới đa dạng sinh học giảm mạnh. Các loài hoa trên núi Alps sẽ tuyệt chủng sau khi các sông băng biến mất, nhiều loài cạnh tranh khác xâm chiếm ngọn núi. Các môi trường rìa sông băng nhạy cảm cao độ với tình trạng nóng lên toàn cầu, các loài trên núi phải chịu “tình trạng tuyệt chủng leo thang”.
Đây không phải nghiên cứu đầu tiên dự đoán mực nước biển dâng do sông băng tan, nhưng các dự đoán này chính xác hơn những mô hình trước đó. Đây là nghiên cứu tiếp nối nghiên cứu từ năm 2021 phát hiện ra tốc độ tan chảy sông băng tăng gấp đôi trong hai thập niên qua, góp phần khiến mực nước biển dâng cao hơn so với các dải băng ở Greenland hoặc Nam Cực.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của sông băng, Giáo sư Antonio Ruiz de Elvira, Đại học Alcalá, người không tham gia vào bài báo này, nói: “Ở California, lượng nước cần thiết để duy trì nông nghiệp trực tiếp tới từ sông băng vào cuối tháng Bảy. Ở Tây Ban Nha, các sông băng Sierra Nevada biến mất kéo theo toàn bộ lượng nước khả dụng nơi đây gần như giảm hẳn từ đó trở đi, điều tương tự cũng xảy ra với các sông băng ở dãy Pyrenees. Ở Ấn Độ và Trung Quốc, nguồn nước phụ thuộc chủ yếu vào các sông băng trên dãy Himalaya”.
Nguồn: