Cách đây một tháng, một ứng dụng có tên Eden Hub đã ra đời - trở thành một phần trong hệ sinh thái các ứng dụng công nghệ nông nghiệp (agritech) Việt Nam. Eden Hub có điểm khác biệt gì để định vị bản thân giữa vô vàn ứng dụng hiện đại khác?

Ông Nguyễn Văn Đức đang kiểm tra quả dưa lưới. Trước khi phát triển Eden Hub, ông đã dựng nên Eden Farm, đơn vị tạo ra được sản phẩm dưa lưới xuất khẩu thành công đi Nhật Bản, Hong Kong, Singapore. Ảnh: VOV
Ông Nguyễn Văn Đức đang kiểm tra quả dưa lưới. Trước khi phát triển Eden Hub, ông đã dựng nên Eden Farm, đơn vị tạo ra được sản phẩm dưa lưới xuất khẩu thành công đi Nhật Bản, Hong Kong, Singapore. Ảnh: VOV

Mong muốn đảm bảo vùng trồng


Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố kế hoạch xây dựng nông thôn mới thông minh đến năm 2025, đặc biệt tập trung vào nâng cao hiệu quả sản xuất và giới thiệu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chuyên biệt cho nông dân.

“Nếu không chuyển đổi số, quá trình chuyển đổi hoạt động canh tác nông nghiệp và việc hợp tác giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị sẽ là một vòng luẩn quẩn đi xuống đối với nông nghiệp Việt Nam, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người nông dân mà còn tất cả những người khác”, ông Nguyễn Trần Thi, người sáng lập Koina, một công ty công nghệ nông nghiệp, cho biết1.

Quả thật, nếu không chuyển đổi số, nền nông nghiệp sẽ rơi vào “một vòng luẩn quẩn đi xuống”, đó là lý do mà rất nhiều các startup đã ra đời để tháo gỡ những điểm nghẽn trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Một số startup sẽ kết nối trực tiếp nông dân và nhà sản xuất thực phẩm vừa và nhỏ với khách hàng, cả theo hình thức doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và doanh nghiệp với doanh nghiệp; hoặc kết nối người nông dân với các chuyên gia để xin tư vấn khi cây bị bệnh. Cũng tiếp cận theo hướng kết nối người nông dân với các bên, nhưng mục tiêu chính của Eden Hub là minh bạch hóa thông tin vùng trồng, quy trình sản xuất nông sản; đảm bảo thị trường tiêu dùng, sản lượng, chất lượng; từ đó xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Mong muốn này xuất phát từ chính những khó khăn mà đội ngũ phát triển Eden Hub đã từng gặp phải trong suốt nhiều năm. Trước khi phát triển Eden Hub, đội ngũ startup này đã xây dựng nên Eden Farm, đơn vị tạo ra được sản phẩm dưa lưới đạt chứng nhận GlobalGAP và xuất khẩu thành công đi Nhật Bản, Hong Kong, Singapore.

“Nhiều thương lái, nhà buôn quốc tế đã liên hệ với chúng tôi để đặt hàng nông sản. Tuy nhiên khi họ qua đây để bàn bạc thì chúng tôi không quy tụ đủ được vùng trồng để cung cấp sản lượng lớn và đều đặn cho họ, cuối cùng không thể đáp ứng được nhu cầu của những nhà buôn này”, ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc startup Eden Hub, kể lại tại hội thảo “Nền tảng Eden Hub quản trị hệ sinh thái nông nghiệp” do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (Sở KH&CN TP.HCM) tổ chức vào cuối tháng chín.

Đây là điều khá dễ hiểu khi hầu hết diện tích đất nông nghiệp được giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Với quy mô bình quân đất đai nhỏ và manh mún như hiện nay (bình quân khoảng 4.280 m2/hộ) thì doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng với hàng chục, thậm chí hàng trăm hộ gia đình nông dân mới có đủ đất để triển khai thực hiện dự án nông nghiệp2.

Bên cạnh đó, phần lớn người dân chưa áp dụng các công nghệ hiện đại vào quá trình canh tác, sản xuất nên sản phẩm chưa được chuẩn hóa từ vùng trồng, tới truy xuất nguồn gốc để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.

Những kinh nghiệm từ thực tế “là lý do tại sao dù mới ra mắt từ đầu tháng chín, nhưng Eden Hub là nền tảng mà chúng tôi đã ấp ủ trong suốt bốn năm ròng làm nông nghiệp và tiếp xúc với khách hàng”, ông Đức giải thích.

Ông cho rằng điểm nhấn của ứng dụng sẽ là mã QRCode với đầy đủ thông tin từ giai đoạn quản lý quy trình sản xuất, quản lý thu hoạch, dự báo mùa vụ cho đến kết nối nhà cung cấp vật tư nông nghiệp, thậm chí là các tổ chức tín dụng cấp vốn. “Trước đây, chúng tôi đã từng phải bỏ ra 3 triệu đồng để đăng ký một tài khoản QRCode, và cứ mỗi một tem truy xuất nguồn gốc thì chúng tôi phải trả thêm 300 đồng nữa. Như vậy, cứ một nhà kính 1000 m2, chúng tôi đã phải sử dụng khoảng 3000 con tem, và nếu 1 hecta thì phải 30.000. Cứ nhân lên vài ngàn hecta thì số lượng tem sẽ rất lớn, kéo theo chi phí khổng lồ”, ông Nguyễn Văn Đức phân tích, vì vậy ông mong muốn tự tạo ra tài khoản QRCode cho người dân để giảm thiểu chi phí.

Kiểm soát quy trình


Như vậy, thông qua Eden Hub, chủ trang trại có khả năng thống kê được vùng trồng, dự báo sản lượng và thời gian thu hoạch, chuẩn bị sẵn sản lượng nông sản lớn và lượng thu hoạch đều để cung cấp cho khách hàng. Thậm chí, chủ trang trại có thể bán nông sản ngay khi xuống giống cho mùa vụ mới nhờ các tính năng ghi chép nhật ký điện tử và xuất file truy xuất nguồn gốc rõ ràng cho từng mùa vụ, giúp minh bạch thông tin vùng trồng, quy trình sản xuất nông sản. Trong nhật ký điện tử, chủ trang trại sẽ ghi chép lại cả nguồn giống, ngày xuống giống và các loại phân bón sử dụng.

Eden Hub sẽ giúp chủ trang trại ngồi tại nhà, sử dụng điện thoại thông minh để nắm được tình hình sản xuất của trang trại dựa vào khai báo mùa vụ và nhật ký sản xuất, cấp quyền cho nhân sự phụ trách, theo dõi hoạt động của trang trại liên tục 24/7. Mọi thông tin về trang trại, mùa vụ sản xuất, dự kiến sản lượng thu hoạch… sẽ được cập nhật lên hệ thống theo thời gian thực. Đây cũng là nguồn dữ liệu để người tiêu dùng có thể an tâm về nguồn gốc và chất lượng nông sản.
Cùng với đó, hệ thống tiến cử thông minh có thể tiến cử các quy trình canh tác phù hợp với từng vùng miền, từng loại cây trồng, dự báo sản lượng mùa vụ, dự báo thị trường và đề xuất các phương án khắc phục sự cố liên quan tới môi trường, dịch bệnh, thay đổi khí hậu…

Eden Hub còn đóng vai trò hỗ trợ phân phối nông sản trong nước hoặc thúc đẩy xuất khẩu nông sản, hỗ trợ cả người mua và người bán ở nước ngoài có thể giao dịch nông sản thông qua các công ty xuất khẩu thành viên; đồng thời, quản lý công nợ, kho vận và các quy trình xuất khẩu.

Điều này sẽ giúp người nông dân, chủ trang trại nắm được nhu cầu của khách hàng. Từ trước đến nay, vì không dự báo được nhu cầu của thị trường và quy hoạch loại cây trồng, sản lượng phù hợp - trồng theo trào lưu, số đông khi thấy nông sản đang lên giá - người nông dân thường xuyên lâm vào tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Đáng chú ý, Eden Hub còn kết nối nhà cung cấp vật tư nông nghiệp để người nông dân có thể mua vật tư với giá tốt hơn; giúp kết nối nông dân với các tổ chức tín dụng cấp vốn. Thông qua theo dõi lịch sử sản xuất nông sản của người nông dân, điểm tín dụng của nông dân sẽ tăng đối với các tổ chức tín dụng tham gia liên kết với nền tảng.

Hiện tại, người dùng có thể sử dụng các tính năng của Eden Hub miễn phí. Startup này chỉ thu phí theo nhu cầu mở rộng tính năng của người dùng. Tính đến nay, Eden Hub đã triển khai và vận hành ở hơn 100 trang trại.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn đối với các startup agritech đó là kiểm soát giá cả nông sản, bởi chúng biến động không ngừng dựa theo nhu cầu của thị trường và điều kiện khí hậu. Đội ngũ phát triển Eden Hub sẽ yêu cầu người nông dân bán với mức giá cố định hay là giá tùy vào mức thương lượng giữa người nông dân và người thu mua. “Nếu người nông dân đồng ý bán cho người mua rồi sau đó giá trị của thị trường cao thì họ có được quyền từ chối bán hay là yêu cầu tăng giá hay không?”, một chuyên gia nông nghiệp đặt ra câu hỏi.

“Đây là vấn đề xảy ra phổ biến tại Việt Nam”, ông Đức chia sẻ. Từ kinh nghiệm trước đây của mình, ông dẫn chứng trường hợp một số công ty Nhật đến đầu tư, hướng dẫn quy trình và thu mua nông sản tại Lâm Đồng - “nơi hoạt động sản xuất nông nghiệp khá chuyên nghiệp và lớn của Việt Nam”. Nhưng chỉ sau một đến hai vụ, giá nông sản lại rất cao so với giá của đơn vị thu mua, nông dân liền chấp nhận đền hợp đồng để bán ra ngoài”. Đây là điều mà theo ông, Eden Hub không thể kiểm soát được, bởi nền tảng chỉ cung cấp công cụ giúp chứng minh quá trình sản xuất.

Ông Đức cho rằng giải pháp tốt nhất cho vấn đề này đó là nên thống nhất và minh bạch hóa ngay từ đầu trong hợp đồng, có thể thương lượng với nhau để đặt ra những kịch bản khi giá nông sản biến động. Chẳng hạn, nếu giá gừng tăng gấp đôi thì người thu mua sẽ tăng giá cho nông dân thêm 20%. Bên cạnh đó, trong trường hợp bên bán nông sản phá vỡ hợp đồng, thì những thông tin này sẽ được lưu lại trong ứng dụng, trở thành căn cứ để các tổ chức tín dụng cân nhắc khi cấp vốn sản xuất.
----
Chú thích
[1] Vietnam’s digitalization efforts fuel startup scene, CNBC
[2] Tháo gỡ rào cản sử dụng đất nông nghiệp manh mún, giúp nông sản tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, Cổng thông tin điện tử Quốc hội.