Các nhà khoa học đã tiến hành những chuyến thực địa để thu thập mẫu vật tại các dãy núi cao ở miền Bắc Việt Nam và mang về trồng ở Scotland.
Điều này thoạt nghe có vẻ kỳ lạ, khi Vườn Bách thảo Logan (thuộc Vườn Bách thảo Hoàng gia Edinburgh, Scotland) cách Tây Bắc Việt Nam hơn 6.000 dặm. Tuy nhiên, nơi đây thực sự có thể góp phần bảo vệ các loài khỏi “điểm nóng về đa dạng sinh học” ở dãy núi Hoàng Liên.
Giám tuyển Richard Baines của vườn bách thảo này hiện đang thu thập dữ liệu và hạt giống từ các loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng. Với nhiều loài đang đứng trên bờ vực biến mất, ông có thể mang chúng về Scotland và nuôi chúng trong môi trường an toàn.
Hoạt động này là một phần trong dự án thám hiểm kéo dài ba tuần để khám phá hệ thực vật của khu vực đầy rắn và địa hình núi nguy hiểm còn có sự tham gia của các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew (Anh) và Vườn Blarney (Ireland).
“Chúng tôi sẽ thực sự bước ra ngoài để kiểm tra các loài thực vật khác nhau được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp vào loài sắp nguy cấp”, ông Baines cho biết. "Có thể kể đến các loài đỗ quyên, mộc lan, hoa trà. Chúng đang bị đe dọa trong chính môi trường sống tự nhiên của chúng do nạn khai thác gỗ, mở rộng nông nghiệp, biến đổi khí hậu và hoạt động du lịch."
Các cuộc thám hiểm trước đây đã xác định được bốn nhóm sinh vật mới hoàn toàn mới, cùng với sáu loài tiềm năng khác đang trong giai đoạn xác nhận.
“Mọi người thường hình dung về miền Bắc Việt Nam như một khu vực nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Tuy nhiên, ở phía bắc, những ngọn núi có độ cao lên tới hơn 13.000ft (4.000m) và Fansipan là ngọn núi cao nhất ở Đông Dương”, ông phân tích. "Chuyến thám hiểm này sẽ đến Pu Ta Leng, Pu Si Lung và Mù Cang Chải, ba ngọn núi mới nơi chúng tôi sẽ khám phá hệ thực vật học. Hy vọng chúng tôi sẽ tìm thấy một số loài mới chưa từng được ghi nhận trong hồ sơ khoa học trước đây. Điều này quả thực rất thú vị".
Ông cho biết mình sẽ mang hạt giống có thể được mang về Vườn Bách thảo Logan ở Port Logan (khu vực Dumfries và Galloway), nơi chúng có thể phát triển tốt. “Nghe có vẻ lạ, nhưng khí hậu của Vườn Bách thảo Logan và khí hậu vùng núi Tây Bắc Việt Nam rất giống nhau”, ông giải thích. Ở độ cao 4.000m, nhiệt độ dao động khoảng -4 độ C, đó cũng là nhiệt độ tương tự ở Logan.
Ông Baines cho biết sứ mệnh thu thập hạt giống rất quan trọng, bởi khu vực này của Việt Nam được coi là điểm nóng về đa dạng sinh học, nơi có rất nhiều loài thực vật được xếp vào loại có nguy cơ tuyệt chủng. Khi các nhà khoa học có ý định bảo tồn bất kỳ loài cụ thể nào, điều đầu tiên họ cần làm là xác định các đặc điểm của chúng. Sau đó, họ thu thập mẫu vật, nuôi cấy chúng và có thể nhân giống chúng.
Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ có thể mang về vườn bách thảo của mình những loài này để giúp cải thiện tình trạng bảo tồn của chúng. "Một trong những chức năng của vườn thực vật là bảo tồn các loài thực vật và xác định khu vực nào là nơi chúng đang bị đe doạ để có phương án gieo trồng, đó là mục đích thực sự”, ông Baines nói.
Được biết trước đó, vào năm 2014, ông Baines đã có một chuyến đi rất thành công tới Việt Nam khi thu thập được khoảng khoảng 500 giống cây về trồng tại Vườn Bách thảo Logan, bao gồm cả loài Aesculus wangii (một loài thực vật có hoa trong họ Bồ hòn) cực kỳ nguy cấp vốn chỉ tồn tại dưới dạng một quần thể duy nhất. Ngoài ra, có thể kể đến Ngũ gia bì (Schefflera macrophylla) với những chiếc lá khổng lồ, ba loài mộc lan (Magnolias) mới và nhiều loài đỗ quyên (Rhododendron).
Trong chuyến đi đến Bản Khoang (Sapa, Lào Cai) vào năm 2016, Baines đã ghi nhận được 10 loài đỗ quyên khác nhau. Ba năm sau, ông chỉ ghi nhận được 3 loài trong số đó.
“Người dân địa phương đã sử dụng loài cây này vào việc phát triển kinh tế. Chúng ta sống trong một thế giới phức tạp và không có câu trả lời đơn giản cho mọi thứ. Tuy nhiên, chúng tôi đang nỗ lực làm việc với các cộng đồng ở vùng sâu vùng xa, hợp tác với các cơ quan địa phương để cung cấp nguồn tài liệu và các hỗ trợ phù hợp cho việc trồng trọt bền vững”, ông trả lời tờ The Sunday Post vào năm 2020. Tờ này đã gọi ông là “thợ săn kho báu với niềm đam mê sưu tầm và bảo tồn các loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới”.
Nguồn: