Giản Tư Trung viết cuốn sách với nỗ lực tái định nghĩa những điều vốn được coi là hiển nhiên, nhìn nhận lại những đối tượng đã quá thân quen, đặt ra những câu hỏi để mở ra những hướng tranh luận mới.

Làm người

Có hình hài của một con người không đồng nghĩa với việc ai đó được “làm người”, ít nhất theo quan điểm của Giản Tư Trung - ông đồng nhất việc “làm người” với việc “trở thành người tự do, tự trị, nội trị” (self reliance).

Theo tác giả, con người tự trị và tự do là người sở hữu hai điều: tự trọng và tôn trọng. Tự trọng là niềm tôn trọng hướng đến bản thân, nghĩa là coi trọng phẩm giá và đạo đức của chính mình. Người tự trọng có một thang đo giá trị, nguyên tắc sống vững chắc mà họ tin cậy hơn tất thảy mọi thứ trên đời; và điều đáng sợ với họ là đánh mất chính mình, phản bội lại lương tri và lẽ sống của bản thân. Họ sợ đối diện với tòa án lương tâm hơn bất cứ tòa án hữu hình nào, hơn cả “miệng lưỡi thế gian”. Thước đo của xã hội không thể sánh với thước đo nội tâm chi phối con người họ. Phần thưởng lớn nhất, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người tự trị chính là được sống đúng với con người mình trên nấc thang giá trị cao nhất.

Ngược lại với con người tự trị/nội trị (chi phối chủ yếu bởi lương tri, lương tâm, đạo đức, phẩm giá) là con người bị trị/ngoại trị (bị chi phối bởi những thứ ngoại lai, dù đó là người khác hay tiền bạc, quyền lực, danh vọng, xã hội,…). Họ giống như những con rối bị các đối tượng bên ngoài giật dây, họ chú mục vào những thứ bên ngoài thay vì bồi đắp cho mình một suối nguồn từ bên trong.

Yếu tố thứ hai là tôn trọng. Đối tượng của niềm tôn trọng này là người khác, là tha nhân. Tự trọng và tôn trọng cần được hài hòa với nhau trong chừng mực “một người được tự do hoàn toàn đối với mọi thứ liên quan đến anh ta, nhưng anh ta sẽ phải giao nộp một phần tự do của cá nhân mình nếu như sự tự do đó làm phương hại đến người khác.”

Giản Tư Trung luôn tìm đến những lối diễn đạt rất hình ảnh cho những điều khó minh định, ông ví von cuộc đời như cỗ xe rong ruổi trên đường đời trong đó lẽ sống, lẽ phải, giá trị sống, nguyên tắc sống, lương tri, lương tâm, phẩm giá sẽ vừa là “chân ga”, vừa là “chân thắng”. “Chân ga” sẽ thúc cỗ xe vượt qua những đèo cao, đạt được những mục đích cao vời nhưng “chân thắng” sẽ ngăn cỗ xe không trượt xuống vực thẳm, giúp ta giữ được mình.

Giản Tư Trung cũng đề cập đến hai năng lực “làm người” đó là “năng lực khai minh” (mind) và “năng lực khai tâm” (heart). Đó là khả năng đào luyện, mở mang bộ óc và trái tim, thay đổi quan niệm/tâm niệm về những vấn đề trọng yếu, tránh xa những giáo điều, ấu trĩ, vô minh, vô tâm để gần hơn cả với chân lý và tự do.


Làm dân

Giản Tư Trung khẳng định, để có được “năng lực làm dân”, để thành một công dân có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội và tạo ra một nhà nước có thể bảo vệ các quyền tự do của mình và của người khác, người ta cần hình thành “dân trí” cho bản thân. Việc vun đắp “năng lực làm dân” gắn với việc nhìn ra thế giới để tìm hiểu những cơ chế quản trị của những đất nước văn minh và quán sát việc “làm dân” của người dân ở những đất nước đó để có những đối sánh cần thiết, lựa lọc những điều hay, phù hợp để học hỏi.

Trở thành một “công dân” khác với việc là một “nô dân” và “thần dân” - những người chỉ thụ động tham gia việc xây dựng cộng đồng và bộ máy quản trị, ít hiểu biết về hiện trạng xã hội. “Công dân” luôn có hiểu biết sâu sắc về thế nào là con người tự do/tự trị, về những vấn nạn xã hội đang tồn tại, biết rằng cơ chế quản trị nào là tối ưu và tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng bộ máy quản trị đó từ vai trò cá nhân và trong cuộc sống hằng ngày của mình.
Giản Tư Trung nhấn mạnh, ở bất cứ xã hội nào, nếu không có “dân trí” thì “dân chủ” hay “dân quyền” là điều xa vời. “Tất cả phải bắt đầu từ dân trí; mà dân trí của mỗi người thì bắt đầu từ sự học khai phóng của chính bản thân mình”. Nếu mỗi chúng ta thiếu đi “dân trí” thì buộc phải đối mặt với nguy cơ bị thao túng, lợi dụng bởi những thế lực đầu cơ về chính trị.

Làm việc

Công việc là một mảnh ghép quan trọng trong cuộc đời của con người. Giản Tư Trung viết: “đạo nghề” phải tương thích và hòa quyện với “đạo sống”, công việc không được đi ngược lại với lẽ sống với lý tưởng thì cuộc đời đó mới trọn vẹn.

Tác giả đã có một nhìn nhận hết sức độc đáo: ông cho rằng hành trình “biết ta đích thực là ai” thực chất chính là hành trình tìm kiếm con người văn hóa và con người chuyên môn của mỗi người. Công việc là địa hạt nơi mỗi chúng ta hiện thực con người mình, theo đuổi lý tưởng cuộc đời mình.

Làm giáo dục

Với tư cách là nhà giáo dục, Giản Tư Trung đã hoàn thành phần này của cuốn sách với tri kiến sâu rộng và kinh nghiệm dày dặn. Trước hết, ông đi thẳng vào câu hỏi rốt ráo nhất: một nhà trường đúng nghĩa sẽ là gì? Câu trả lời cho câu hỏi này cũng phần nào trả lời cho câu hỏi: “Giáo dục đích thực là gì?”. Giản Tư Trung gán cho nhà trường vai trò quan trọng nhất, thiêng liêng nhất: đó là nơi đại diện cho trí tuệ và tư tưởng của xã hội, cho chân lý, công lý và lương tri mà xã hội đó hướng đến.

Vậy thì, việc dạy và học không thể gắn liền với những mục đích “thực dụng”, phải “dạy làm sao, học làm sao để trở thành những người lương thiện, biết hướng đến và sống với chân - thiện - mỹ, biết yêu chuộng lẽ phải, công lý và sự thật”.

Nhà trường không “đúng việc”, tức “nhà-trường-mà-không-phải-nhà-trường” chính là những cơ sở giáo dục xa rời những mục tiêu trên. Trong lịch sử phương Tây, đó là những nhà trường vận hành bởi giáo hội, về cơ bản là nơi truyền giáo và không bao giờ truyền dạy những điều đi ngược lại với những tín điều tôn giáo. Ngày nay, nhiều thế kỷ sau thời trung cổ, đa phần các nhà trường đã bước ra khỏi cái bóng ôm trùm của nhà thờ, nhưng Giản Tư Trung cảnh báo, “nếu không cẩn thận thì có khi nhà trường lại bước vào nhà nước hay chui vào “nhà thương” (thương gia, doanh nhân, doanh nghiệp)”.

Tác giả chỉ ra vị thế độc lập của nhà trường bao gồm sự độc lập với quyền lực, chính trị, sự độc lập với tiền bạc (nhà nước hay nhà tài trợ) và sự độc lập với tôn giáo, tức là cần phi chính phủ, phi lợi nhuận và phi tôn giáo. Triết lý của nhà trường ở thế hệ này sẽ là nền móng cho xã hội ở thế hệ kế tiếp.

Cần hơn cả là những người thầy có khả năng truyền động lực học và lòng hiếu tri cho học trò. Trái ngược với những người thầy này là những thợ dạy, không hơn nhiều cái máy chỉ biết lặp lại những giáo án và những gì họ nghe được từ những cái máy khác, thụ động, một chiều và thiếu vắng nhiệt tâm và nỗ lực. Người thầy này đã không làm “đúng việc” của người thầy.
Coi xét giáo dục thực sự là gì là điều cần thiết với chính quyền và cả những bậc làm cha làm mẹ - chính quyền không được coi giáo dục là phương tiện để nhào nặn người dân thành một thứ “dân” mà họ cần; tương tự như vậy, gia đình cũng không nên cung cấp thứ giáo dục làm công cụ để tạo ra thế hệ sau mà họ mong muốn, bất kể là nhân danh tình yêu, sự quan tâm và lo lắng. Tình yêu của cha mẹ cần gắn với nỗ lực giúp con họ “khai minh”, “khai tâm”, chứ không phải việc coi những đứa trẻ như là bộ phận nối dài của bản thân, để hiện thực hóa những giấc mơ dang dở của mình.

Đây là một cuốn sách phảng phất tinh thần của Thu Giang Nguyễn Duy Cần hay Nguyễn Hiến Lê. Điểm khác biệt của Giản Tư Trung là ông luôn biết đan cài những vấn đề đương thời, những tin tức nóng hổi, thời sự để những trang viết có phong vị của bài xã luận. “Đúng việc” xoay quanh những chủ đề hệ trọng nhưng tránh được việc “lạm bàn”, là cuốn sách dường như biết cách thực hiện đúng việc của riêng nó.