Từ những trăn trở và suy tư của người làm toán và yêu toán không chỉ ở vẻ đẹp thuần túy của nó mà còn cả ý nghĩa của việc đào tạo ra những thế hệ người thầy tương lai, GS.TSKH Đỗ Đức Thái (Trưởng khoa Toán – Tin trường ĐHSPHN) đã tạo dựng một hệ sinh thái học tập nhằm liên kết chặt chẽ giữa trường chuyên, khoa Toán và hệ đào tạo sau đại học.
GIÚP NGƯỜI HỌC CẢM NHẬN ĐƯỢC VẺ ĐẸP CỦA TOÁN HỌC
Khoa học và phát triển: Ý tưởng xây dựng xây dựng một hệ sinh thái học tập đến với ông như thế nào?
GS.TSKH Đỗ Đức Thái: Trong quá trình giảng dạy, tôi thấy nảy sinh một số vấn đề khá trầm trọng mà vấn đề đầu tiên là chất lượng đầu vào của khoa Toán-Tin ĐHSPHN. Chất lượng tuyển sinh đầu vào của chúng tôi vốn rất ổn, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2012. Tuy nhiên, trong vài ba năm trở lại đây, do tác động tiêu cực của việc thi tuyển sinh bằng trắc nghiệm nên chất lượng sinh viên đầu vào sụt giảm trên cả hai góc độ: phẩm chất của một người học toán và làm toán, tức là năng lực tư duy, năng lực suy luận, khả năng tự học.
Thứ hai là vấn đề của trường chuyên và đào tạo học sinh giỏi. Có một nghịch lý dễ nhìn thấy, chúng ta tốn rất nhiều công sức, tiền của để đào tạo một đội ngũ học sinh chuyên tốt, đặc biệt là những học sinh giỏi, nhưng những học sinh ấy về sau có quay trở lại đất nước để làm việc đâu. Tôi thì không cực đoan đến mức cho rằng nhất thiết phải ở trong nước thì mới là đóng góp cho đất nước, nhưng cũng không thể cứ đào tạo được em nào là em ấy ra đi. Chúng ta cần xem lại chính sách thu hút, sử dụng học sinh giỏi của mình.
Còn với cách thức đào tạo học sinh giỏi, bản thân tôi cũng là người từng thi Toán quốc tế khi còn học phổ thông, nên tôi ủng hộ việc khuyến khích các em xuất sắc đi thi, nhưng dường như việc thi cử không còn mang ý nghĩa như trước nữa. Chúng ta đã để bệnh thành tích chi phối nặng nề đến cuộc thi này, thậm chí chi phối đến mức làm biến dạng việc dạy toán ở các lớp phổ thông chuyên toán hiện nay.
Vấn đề thứ ba, tôi phải nói với tất cả trách nhiệm của một trưởng khoa là chất lượng đầu vào của hệ thống thạc sĩ (và một phần các nghiên cứu sinh) của khoa Toán ĐHSPHN ngày càng kém, ngày càng đi xuống, mặc dù số lượng tuyển sinh vẫn ổn định. Mà đầu vào đã kém thì đầu ra làm sao mà tốt được.
Ông đánh giá chất lượng đầu vào của sinh viên khoa Toán - Tin theo tiêu chí nào?
Không phải tự dưng mà tôi dám khẳng định với bạn rằng chất lượng sinh viên đầu vào của khoa Toán-Tin chúng tôi trong vài năm qua đang sụt giảm. Chúng tôi đánh giá sinh viên theo chuẩn đầu ra của chương trình và việc đánh giá đó được duy trì ổn định trong nhiều năm qua. Điều này cho phép chúng tôi đánh giá tương đối sát chất lượng đào tạo và chất lượng sinh viên. Từ K64 đến K69, dữ liệu đủ lớn để chúng tôi đi đến kết luận rằng năng lực suy luận và tư duy của sinh viên vào khoa Toán-Tin ĐHSPHN sụt giảm rõ rệt so với trước đây.
Điều này khá dễ hiểu, cách giảng dạy ở phổ thông đang làm tổn lại đến chất lượng học sinh đầu ra. Kiểu hình thi chi phối kiểu hình đào tạo, giáo viên phổ thông bây giờ chủ yếu toàn dạy học sinh các mẹo để làm trắc nghiệm thôi. Việc dạy lý thuyết toán cũng không còn chuẩn chỉ, căn cơ theo đúng quy định nữa. Các em học sinh giữ cách học đấy cho đến khi vào đại học, để rồi không biết ghi chép bài giảng thế nào, khả năng tự học cũng sụt giảm rõ rệt.
Các em cứ thế ra trường, học lên cao học rồi một số em trở thành giáo viên trường chuyên, các em lại dạy học sinh của mình cách học y như vậy. Điều đó sẽ dẫn chúng ta đến một cuộc khủng hoảng sâu sắc về mặt chất lượng giáo viên chuyên toán trên toàn quốc. Tôi luôn tin rằng để dạy một học sinh phổ thông bình thường thì chỉ cần một giáo viên kinh nghiệm, nhưng để dạy ra được một học sinh giỏi theo đúng nghĩa thì bắt buộc người giáo viên cũng phải có phẩm chất thực sự xuất sắc.
Như thế, chúng ta nhìn thấy ngay là cả ba đỉnh của một tam giác đều đang có rất nhiều vấn đề. Và nếu chúng ta không có giải pháp căn cơ để giải quyết thì nó sẽ chả đến đâu cả, cuộc sống cứ thế trôi đi theo kiểu đầu năm thì nhận học sinh vào, cuối năm lại tổ chức tốt nghiệp. Cho nên, tôi bắt đầu nghĩ đến một giải pháp để giải quyết tình trạng đấy, ít nhất là trong đơn vị của mình. Chúng tôi cố gắng tạo ra hệ sinh thái học tập nhằm liên kết chặt chẽ giữa ba đỉnh của tam giác: trường chuyên, khoa toán, hệ đào tạo sau đại học. Tôi hi vọng điều này sẽ giải quyết được những cái khó của chúng tôi, và xa hơn là tốt cho cả tương lai của giáo dục nước nhà.
Vậy hệ sinh thái mà ông đang tạo dựng hoạt động ra sao?
Trước hết phải làm rõ khái niệm, thế nào là một hệ sinh thái học tập? Như ta đã biết về Hệ sinh thái trong Sinh học, tôi hiểu hệ sinh thái học tập là một tập hợp gồm các thành phần quan hệ với nhau mật thiết, phụ thuộc lẫn nhau, chi phối lẫn nhau, tạo thành các chuỗi học tập, mà trong đó yếu tố đằng trước trở thành nguồn cung ứng đầu vào cho yếu tố đằng sau. Như vậy, hệ sinh thái học tập của ĐHSPHN bao gồm: học sinh phổ thông (thuộc trường THPT chuyên ĐHSPHN, Trường THPT Nguyễn Tất Thành), sinh viên đại học và sau đại học. Một thành phần thứ tư, mặc dầu là nhân tố đứng bên ngoài hệ sinh thái, nhưng chi phối và tác động nhiều đến các thành phần nói trên của hệ sinh thái, đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đại học nước ngoài, các tổ chức sử dụng lao động,…
Tôi cho rằng hệ sinh thái gắn chặt tất cả đầu mối lại với nhau là giải pháp hữu hiệu, thay vì giải quyết riêng rẽ từng vấn đề bởi bản thân các thành tố này ngay từ đầu đã gắn liền với nhau như một vòng tròn khép kín. Khi chất lượng đầu ra của khoa Toán-Tin không đảm bảo thì chất lượng đầu vào của cao học cũng kém đi. Học viên cao học chính là nguồn nhân lực đầu ra, cung ứng trở lại các giáo viên cho trường chuyên. Nếu đội ngũ nhà giáo thiếu năng lực thì bản thân họ cũng không đào tạo ra được học sinh giỏi, và rồi chất lượng đầu vào của khoa Toán-Tin cũng sụt giảm theo. Chu trình ấy cứ thế lặp lại! Về nguyên tắc, nền giáo dục của đất nước chỉ đi xuống chứ không thể đi lên được, và do đó nó không thể làm được nhiệm vụ tối quan trọng đó là cung ứng một nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
"Đối với khoa Toán, tôi có một mong muốn lớn nhất là sẽ động viên được nhiều em của trường chuyên vào khoa Toán. Hoặc nếu không vào khoa Toán thì các em vẫn có thể tham gia học những tín chỉ có ích của khoa Toán. Rồi tôi mong muốn những sinh viên giỏi của khoa Toán sẽ tham gia học và tích lũy được một nửa số tín chỉ của cao học Toán học trong thời gian học đại học, để một năm sau khi tốt nghiệp đại học là các em hoàn chỉnh được bằng thạc sĩ."
Ông xác lập quan hệ giữa các thành tố như thế nào?
Ở ĐHSPHN, chúng tôi có sự phối hợp giữa khoa Toán với tổ Toán của trường chuyên để các em học sinh sớm được nghe các bài giảng của các thầy giỏi, các nhà toán học giỏi của khoa Toán và có thể học một vài tín chỉ ở khoa Toán; những em sinh viên giỏi ở khoa Toán có thể học tín chỉ ở hệ Sau đại học và cho phép mang tín chỉ ấy về thay thế cho một số tín chỉ trên lớp.
Điều này sẽ giúp gắn chặt được học sinh chuyên Toán với khoa Toán, sẽ là nguồn cung ứng cho chúng tôi giúp chúng tôi đảm bảo được chất lượng đầu vào. Ngược lại, các em học sinh chuyên Toán sẽ được hưởng thụ sự dạy dỗ từ một số giảng viên nhiều kinh nghiệm - những nhà toán học giỏi của khoa Toán. Thứ hai, các em sẽ sớm có được một phong cách học theo kiểu nghiên cứu của đại học, chứ không thuần như ở phổ thông nữa. Và thứ ba, nếu học sinh tích cực tham gia vào quá trình đó, các em có thể kết thúc đại học từ rất sớm, bởi vì bản thân đã tích lũy được những tín chỉ của đại học ngay từ khi còn học phổ thông.
Việc triển khai hệ sinh thái học tập đã làm thay đổi khoa Toán-Tin như thế nào?
Thực ra chúng tôi mới chỉ khởi đầu những bước đầu tiên trong hai tháng qua. Vừa rồi chúng tôi tham gia xây dựng lại toàn bộ chương trình Toán cho lớp 10 trường chuyên. Học kỳ 2 này chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng chương trình cho lớp 11. Thứ hai, chúng tôi đã cử giảng viên về dạy một số chuyên đề cho trường chuyên. Bản thân tôi sắp tới cũng tham gia dạy cho các em trong vòng một học kỳ. Thứ ba, chúng tôi bắt đầu tìm những đề tài hấp dẫn để làm sao tổ chức các seminar khoa học chung với giáo viên Toán của trường chuyên. Và thứ tư, chúng tôi đang thay đổi chương trình đào tạo của chính khoa Toán. Chương trình mới đã được áp dụng từ K69, tuy nhiên Covid-19 cũng gây nhiều trở ngại, K70 vừa vào thì chúng tôi thực hiện khá hoàn chỉnh theo kế hoạch chung. Những thay đổi như thế thì không thể nhìn thấy ngay hiệu quả trong ngày một ngày hai, thường là phải sau 5 năm thì mọi người mới có thể nhìn thấy chuyển biến rõ ràng. Nhưng ở góc độ của người trong cuộc, tôi tin là mình đang đi đúng lộ trình.
Như vậy là tôi mong muốn trở lại mô hình của châu Âu hiện nay: ba năm đại học cộng hai năm thạc sĩ. Điều cuối cùng, khi chúng tôi động viên được các em thực hiện mục tiêu đó, chúng tôi sẽ siết chặt thi tuyển đầu vào của thạc sĩ. Chẳng hạn, trong tổng số 200 em thi vào cao học khoa Toán hiện nay, chúng tôi chỉ lấy 20 em, tôi đảm bảo với bạn rằng chúng tôi sẽ tuyển được những em thực sự xứng đáng.
MỘT HỆ SINH THÁI LỚN HƠN
Theo ông, một hệ sinh thái trong khoa Toán có đủ để khẳng định vị thế của toán học?
Tôi nghĩ hệ sinh thái của khoa Toán chỉ là một hệ sinh thái nhỏ trong một hệ sinh thái lớn hơn, đó là hệ sinh thái học tập của cả một đại học. Có một sự thật đáng báo động là nhiều trường đại học Việt Nam hiện nay đã cắt bỏ bớt số tín chỉ toán trong chương trình đào tạo. Tôi nghĩ đó là một sai lầm. Sai lầm này đến từ hai nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là chúng ta đã dạy kiến thức Toán cho sinh viên ngoài khoa Toán như thể đang dạy cho chính sinh viên khoa Toán. Nói cách khác, kiến thức mà chúng ta dạy không thiết thực với sinh viên, các em không hiểu nó có ích gì với ngành mình theo học. Trong giáo dục có một nguyên lý cơ bản, đó là phải tạo dựng cho người học niềm tin vào giá trị mà học vấn mang lại. Nếu sinh viên thấy những kiến thức này không có giá trị thì các em sẽ không học, không hiểu, rồi các em trượt môn. Điều này dẫn đến nguyên nhân thứ hai, khi sinh viên trượt môn nhiều thì các em sẽ gây sức ép lên nhà trường, và do đó nhà trường gây sức ép lên hệ thống đào tạo để cắt giảm môn học đó đi.
Hai nguyên nhân ấy khiến tiếng nói của ngành toán trong các trường đại học, đặc biệt là ngành kinh tế, trở nên yếu thế. Riêng ở ĐHSPHN, chúng tôi quyết định thay đổi điều đó bằng cách bắt tay với tất cả các khoa (như khoa Lý, khoa Hóa, khoa Công nghệ thông tin,…) để cùng xây dựng lại chương trình dạy các tín chỉ toán cho các khoa đó.
Vậy là Khoa Toán ĐHSPHN bắt đầu “hành động” để tránh trường hợp “môn Toán sẽ chết trong trường đại học của nó” như cách ví von của giáo sư Vũ Hà Văn tại buổi tọa đàm do Viện Toán học và Tia Sáng tổ chức nhân dịp 50 năm thành lập Viện Toán học?
Đúng vậy, chúng tôi kết nối với các khoa khác để cho họ thấy Toán học hữu ích như thế nào. Khi làm lại chương trình, các khoa thường sẽ phải nói rõ cho chúng tôi những kiến thức mà họ cần chúng tôi dạy. Chúng tôi sẽ xem xét những kiến thức ấy thuộc về lĩnh vực gì của toán, rồi lập một chương trình dạy đơn giản, bắt đầu từ số 0, đi qua tất cả những kiến thức mà họ cần. Chúng tôi trình bày cho các khoa bạn về cả nội dung và thời gian tối thiểu để dạy chương trình đó. Phản hồi của các khoa bạn đúng như chúng tôi dự đoán, họ nói chương trình này đúng quá, hữu ích quá rồi sẵn sàng cung cấp cho chúng tôi thêm tín chỉ để đủ lượng thời gian học toán.
Về giáo trình thì tốt nhất là hai bên sẽ cùng viết. Cũng là đạo hàm, khi viết giáo trình cho khoa Toán thì chúng tôi sẽ giải thích về đạo hàm thông qua những nghiên cứu về hàm số, nhưng với khoa Hóa thì chúng tôi lấy ví dụ cụ thể về một kiến thức hóa học cần đến đạo hàm (chẳng hạn, yêu cầu sinh viên tính nhiệt độ tức thời tại một thời điểm nào đó). Thế là một quy luật hóa học mà lâu nay sinh viên chỉ biết áp dụng công thức, thì nay các em đã hiểu nó bắt nguồn từ đạo hàm. Và như thế, sinh viên khoa Hóa sẽ thấy đạo hàm trở nên quen thuộc và hữu ích hơn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng mở rộng hệ sinh thái của mình bằng cách quốc tế hóa quá trình đào tạo của khoa Toán-Tin. Nhiều năm nay, khoa Toán-Tin có mối quan hệ hợp tác quốc tế rất tốt, chúng tôi luôn mở rộng cánh cửa hợp tác trong và ngoài nước để có thể gửi học viên, giảng viên... ra nước ngoài nghiên cứu, học hỏi.
Dường như sự chủ động thay đổi và kết nối của khoa Toán-Tin sẽ làm thay đổi khung chương trình đào tạo và có khả năng nảy sinh thêm nhiều việc cho bộ phận quản lý…
Khi “xáo” lại toàn bộ Chương trình đào tạo, tất yếu nảy ra nhiều công việc mới phải làm nên một bộ phận giảng viên, viên chức trong Khoa và Trường cũng có ngại, cứ nói là cái này khó lắm, không làm được. Nói chung mình phải từ từ thuyết phục anh em. Cho nên nếu bạn hỏi là sau một học kỳ đã làm được gì chưa, thì thật ra là chưa nhiều, cho đến bây giờ cái được lớn nhất đối với ĐHSPHN là thay đổi nhận thức cho mọi người. Anh em bắt đầu hiểu ra cần phải làm gì.
Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng ĐHSPHN và ban lãnh đạo của trường đều rất ủng hộ chúng tôi.