Đạt được thành công phi thường nhưng công cuộc chuyển đổi năng lượng ở Đức cũng kéo theo hàng loạt gánh nặng, đặc biệt về tài chính.

Chiến thắng sự thất thường của nắng và gió

Suốt nhiều thế hệ, gia đình Dieter Dürrmeier làm nghề trồng trọt và chăn nuôi ở làng Opfingen thuộc miền nam nước Đức, gần biên giới Pháp và Thụy Sĩ, nhưng giờ đây, nguồn thu chính của họ lại đến từ ánh nắng.

Công cuộc chuyển đổi năng lượng tái tạo hay còn gọi là Energiewende manh nha ở Đức từ những năm 1980 do làn sóng phản đối kế hoạch xây dựng hàng chục nhà máy điện hạt nhân sau khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Bên cạnh đó, nỗi sợ hạt nhân ở Đức ngày càng sâu đậm dưới tác động của thảm họa Chernobyl năm 1986. Ở Mỹ, thảm họa này chỉ là tin tức nhưng tại Đức, phóng xạ rò rỉ từ sự cố đã được phát hiện ở nhiều thành phố và cánh đồng. Năm 2000, trải qua hàng loạt tranh cãi, Chính phủ Đức thông qua đạo luật đóng cửa dần các nhà máy điện hạt nhân và ban hành chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo không thay thế điện hạt nhân bằng điện than.

Trên thực tế, Đức không phải điểm đón nắng. Berlin gần như nằm cùng vĩ độ với Calgary (Canada), còn những nơi được chiếu sáng nhiều nhất ở nước này cũng chỉ nhận lượng nắng ngang với Seattle (Mỹ). Tuy nhiên, nhờ các khoản trợ cấp của chính phủ, hàng triệu người dân Đức đã lắp pin mặt trời trên mái nhà, biến Đức trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới tính đến nay.

Những tấm pin năng lượng mặt trời trên mái một nhà thờ ở Đức.
Ảnh: powerforthepeopleva.com

Từ quan điểm công nghệ thuần túy, nước Đức đã có cuộc chuyển đổi năng lượng thành công ngoạn mục. Năm 2016, tổng năng lượng tái tạo sản xuất tại Đức đáp ứng đủ 32% mức tiêu thụ điện cả nước, một tỷ lệ đáng kinh ngạc theo tiêu chuẩn toàn cầu.

Làm được điều này, nước Đức đã đập tan quan niệm không thể dựa vào gió hay mặt trời bởi chúng quá khôn lường. Một ngày không gió hoặc quá nhiều mây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất song Đức vẫn vận hành một trong những mạng lưới điện đáng tin cậy nhất thế giới.

50Hertz, công ty điều hành lưới điện hàng đầu Đức, là ví dụ điển hình trong việc ứng phó với thách thức từ tính chất biến đổi liên tục của gió và mặt trời. Mua dự báo từ 12 công ty khác, họ biết trước thông tin thời tiết với độ chính xác đạt 96-98% đối với gió và 93-95% đối với mặt trời. Nhờ dự báo, 50Hertz đã lập kỳ tích vào sáng 20/3/2015. Sáng hôm đó, nhật thực xảy ra từ 8 giờ 30 phút, che kín 85% mặt trời. Trong vòng 90 phút, sản lượng điện mặt trời giảm 6 gigawatt rồi tăng lên 13 gigawatt, chẳng khác nào sáu nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động cùng lúc rồi gấp đôi số này được bật lên.

Trước tình huống ấy, tình hình cấp điện vẫn không hề bị ảnh hưởng. Gunter Scheibner, người điều hành trung tâm kiểm soát lưới điện 50Hertz, tiết lộ, cách đó sáu tháng, sau khi nhận được dự báo nhật thực, ông và các đồng nghiệp nhanh chóng lên kế hoạch đối phó nhằm đảm bảo các nguồn năng lượng khác được mua bán đúng thời điểm nhật thực sao cho bù đắp được sự biến đổi của năng lượng mặt trời. Nhật thực đến, 50Hertz triển khai kế hoạch. "Chúng tôi đã cân bằng hệ thống mà không gặp sự cố nào", Scheibner nói.

Tuy nhiên, sự việc đã không dễ dàng đến thế nếu nhật thực đi kèm bất thường về gió. "Chúng tôi đã may mắn", Scheibner thừa nhận.


Cuộc chuyển đổi đắt giá

Energiewende thể hiện tham vọng của Đức nhưng chính tham vọng ấy lại đang khiến Đức chảy máu bởi khoản đầu tư khổng lồ đè nặng lên vai dân chúng. Riêng năm 2016, nước này chi 25 tỷ euro cho năng lượng tái tạo, trong đó 23 tỷ euro do người tiêu dùng trả thông qua hóa đơn hằng tháng. Đây cũng chính là lý do tiền điện trung bình của dân Đức lên tới 1.060 euro vào năm 2016, tăng 50% so với năm 2007.

Ngoài ra, công cuộc chuyển đổi năng lượng ảnh hưởng không nhỏ đến những công ty sản xuất điện từ than đá, hạt nhân và khí ga tự nhiên. Hàng loạt nhà sản xuất đã rơi vào khủng hoảng khi năng lượng tái tạo thổi bay sự ổn định cùng lợi nhuận của mình.

Dù vậy, Rainer Baake, thư ký Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức vẫn tỏ ra lạc quan. "Chúng tôi có thể giảm lượng khí thải xuống 0 và không gây tác hại gì đến khí hậu toàn cầu", ông nói. Hiện Đức chỉ thải ra 2% lượng khí carbon của toàn cầu, nhiều hơn Iran một chút. Trong khi đó, Trung Quốc thải 24% còn Mỹ là 13%.

Quay lại với câu chuyện của gia đình Dürrmeier, những tấm pin năng lượng mặt trời trên mái các chuồng ngựa mang lại cho họ khoản lợi nhuận 40.000 euro mỗi năm, tương đương 40% toàn bộ lợi nhuận của nông trại. Dürrmeier được chính phủ trợ giá cho việc sản xuất điện mặt trời đến tận năm 2024. Người đàn ông 62 tuổi này cho biết vẫn sẵn sàng lắp thêm các tấm pin năng lượng mặt trời nếu có thể, dù theo ông, chính sách trợ giá chỉ có lợi cho những người kinh doanh như ông chứ không có lợi cho người dân.

Nguồn: http://fortune.com/2017/03/14/germany-renewable-clean-energy-solar/