Theo các chuyên gia, để phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam, vấn đề mấu chốt là cần có chính sách giá điện tốt để nhà đầu tư chịu bỏ tiền, góp phần nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong lưới điện quốc gia.

Cú hích từ chính sách giá

Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định giá mua điện mặt trời là 9,35 UScent/kWh đã làm nóng thị trường điện mặt trời nói riêng và NLTT nói chung.

Việt Nam có tiềm năng để phát triển NLTT và nhu cầu sử dụng năng lượng sẽ tăng cao trong những năm tới. Vì thế, mức giá này tuy chưa cao nhưng được cho là cú hích quan trọng để các doanh nghiệp mạnh dạn đặt chân vào lĩnh vực này.

Giáo sư - tiến sỹ khoa học (GS-TSKH) Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - nhấn mạnh: “Chính sách giá điện (gọi tắt là FIT) được thế giới công nhận là hiệu quả để thúc đẩy phát triển NLTT. Nhiều nước đã gắn FIT với mục tiêu quốc gia về phát triển NLTT. Ví dụ, dưới thời của Thủ tướng Gerhard Schröder, Đức đã trở thành nước dẫn đầu thế giới với mục tiêu xanh hóa ngành năng lượng nhờ gió; hay Trung Quốc cũng có bước tiến nhảy vọt nhờ các chính sách khích lệ hiệu quả. Quốc gia này đang dẫn đầu thế giới về phát triển NLTT với mục tiêu sản xuất 2.000GW vào năm 2030, gấp hàng trăm lần so với các quốc gia khác như Ấn Độ 52GW, Malaysia 6,5GW”.

Cánh đồng điện gió ở Quảng Trị. Ảnh: H. Thanh
Cánh đồng điện gió ở Quảng Trị. Ảnh: H. Thanh

Theo đó, để FIT được hình thành, cần xây dựng cơ sở pháp lý để các nguồn NLTT được kết nối với lưới điện, kèm theo đó là hợp đồng mua bán điện dài hạn để nhà đầu tư thu hồi được vốn đã bỏ ra. Ví dụ, có thể cho phép các công trình phát triển điện tái tạo hưởng hợp đồng 15-20 năm kèm theo mức giá bán điện có lãi hợp lý.

Đồng tình với ý kiến của GS Trần Đình Long, TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện Năng lượng, Bộ Công Thương - cũng cho rằng, vốn đầu tư ban đầu rất lớn và chi phí sản xuất cao hơn so với các dạng năng lượng truyền thống khiến điện tái tạo gặp trở ngại để phát triển tại Việt Nam. Có thể so sánh, giá bán lẻ điện bình quân đang là 1.622VND/kWh (7,2 UScent/kWh), thấp hơn 1,3 lần so với mức giá 9,35UScent mới được Chính phủ phê duyệt.

GS Trần Đình Long cũng cho rằng, để xây dựng FIT hoàn chỉnh cho NLTT, cần có nhiều cơ chế chính sách đi kèm như hỗ trợ đầu tư, kéo dài thời gian trợ giá, sửa đổi mức trợ giá, giảm thuế hằng năm, trợ giá bằng pháp luật (feed in law) và trợ giá bằng thuế (feed in tax).


Cần xây dựng trung tâm chế tạo thiết bị

Theo giới chuyên gia, lâu nay trong ngành NLTT nói chung và ngành điện nói riêng, các thiết bị của nhà máy điện hầu như được nhập khẩu 100%, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. Để giảm thiểu chi phí đầu tư và giá thành sản xuất điện tái tạo, nội địa hóa là vấn đề Chính phủ cần quan tâm.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi nêu dẫn chứng về sự phát triển nhanh của Trung Quốc trong ngành NLTT. Quốc gia này tự sản xuất ra mọi vật liệu phục vụ phát triển NLTT nên sản phẩm có giá thành rẻ. Điện mặt trời của Trung Quốc hiện có giá khoảng 5 UScent/kWh.

Một trong những cái khó mà ngành năng lượng đang gặp phải khi sản xuất điện gió và điện mặt trời là dao động tần số. Để nối lưới giữa các nhà máy NLTT và hệ thống điện quốc gia, cần có sự ổn định tần số điện. Tuy nhiên, khi hết nắng hoặc gió thì tần số của điện NLTT dao động mạnh. Do đó, cần có công nghệ lưu trữ điện bằng pin lithium.

Hiện Việt Nam chưa đủ khả năng sản xuất loại pin này; trong khu vực cũng chỉ có một số nhà sản xuất lớn như Samsung làm được. Đây là điều cần được tính đến.

Ông Ngãi đề xuất: “Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Công Thương cần tham mưu cho Chính phủ xây dựng một trung tâm chế tạo mới. Đây cần là nơi cho ra đời các thiết bị của ngành NLTT như pin mặt trời, đui quạt gió, cánh quạt... phục vụ phát triển điện sạch ở Việt Nam”.

Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm trong sử dụng NLTT là quản lý vòng đời của các sản phẩm phục vụ việc sản xuất NLTT. PGS-TS Phạm Hoàng Lương cho biết, trên thế giới hiện đã có nhiều nghiên cứu đánh giá vòng đời và hiệu quả của những sản phẩm này từ khi sản xuất đến sử dụng, khai thác và thu hồi sau khi hết hạn. Xử lý tấm pin đã hết thời gian sử dụng thế nào cũng là một vấn đề mà Chính phủ cần quan tâm và có cơ chế chính sách phù hợp.

Các chính sách phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Năm 2007, chiến lược Năng lượng quốc gia đến năm 2020 - tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Năm 2011, Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam cũng được ban hành, trong đó quy định giá điện FIT cho điện gió và quy định bên mua điện phải bao tiêu toàn bộ sản lượng điện gió phát lên hệ thống.

Năm 2015, chiến lược Phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030 - tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành, đề ra mục tiêu đạt sản lượng điện từ NLTT đạt 101 tỷ kWh vào năm 2020, 186 tỷ kWh vào năm 2030 và đạt 452 tỷ kWh vào năm 2050.

Trong quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, điện gió được đặt mục tiêu đạt công suất 800MW vào năm 2020, 2.000MW vào năm 2025 và 6.000MW vào năm 2030. Tỷ trọng điện năng từ NLTT được điều chỉnh tăng 1,8 lần so với quy hoạch năm 2011.

Tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, quy định giá điện mặt trời là 9,35 UScents/kWh.

Ngọc Vũ