Bên cạnh vinh dự được bầu làm nữ chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Vật lý Mỹ, bà cũng là nhà khoa học nữ đầu tiên nhận bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Princeton và Giải Wolf về Vật lý (1978). Bà được người đời mệnh danh là “Quý bà Vật lý” (First Lady of Physics) và “Marie Curie của Trung Quốc”.
Bà Ngô Kiện Hùng (1912 – 1997).
Năm 1957, bà Ngô xuất bản bài báo trên Physical Review, trình bày kết quả thực nghiệm mang tính quyết định trong việc chứng minh lý thuyết về sự vi phạm tính chẵn-lẻ (conservation of parity violation) trong phân rã Beta do Lý Chính Đạo và Dương Chấn Ninh đề ra trước đó.
Kết quả này đã góp phần giúp hai ông giành giải Nobel Vật lý cùng năm, tuy nhiên Hội đồng trao giải cũng bị chỉ trích khá nhiều vì bà Ngô, người đưa ra thí nghiệm đột phá giúp kiểm chứng lý thuyết, lại không có tên trong danh sách nhận giải.
Trong bài báo “Credit where credit’s due?” (Ai xứng đáng được công nhận?) đăng trên tạp chí Physics World năm 2012, GS Magdolna Hargittai (Khoa Hóa vô cơ và phân tích, Đại học Kinh tế Công nghệ Budapest, Hungary) cho biết, vào năm 1957, có ba nhóm nghiên cứu cùng tuyên bố chứng minh được lý thuyết của Dương Chấn Ninh và Lý Chính Đạo một cách độc lập, trong đó có nhóm ở Cục Tiêu chuẩn Quốc gia (NBS), nay là Viện Tiêu chuẩn và Kỹ thuật Quốc gia (NIST), làm việc theo ý tưởng của bà Ngô. Các nhóm lần lượt công bố kết quả vào ngày 15 và 17/01/1957.
Tác giả trích dẫn lời ông Anders Bárány, nhà vật lý lý thuyết ở Đại học Stockholm, thư ký cho Ủy ban Nobel, khi trả phỏng vấn của bà trong quá trình viết bài báo: “Công trình được giải phải xuất bản trước năm trao giải, trong trường hợp này là phải trước ngày 1/1/1957.”
Một bài viết về bà Ngô trên Scientific American hồi tháng 10/2013 cho biết, con trai của bà Ngô, TS Viên Vĩ Trần, từng bình luận về sự “bỏ sót” của Hội đồng Nobel Vật lý như sau: “Là một nhà khoa học thực nghiệm, tôi cho rằng đó là một quyết định đáng xấu hổ vì nhóm thực hiện thí nghiệm đã không được xét trao giải. Tôi nghĩ, nếu mẹ tôi có tên trong số những người nhận giải thì giải Nobel Vật lý năm đó đã không bị coi là không xác đáng. Tuy nhiên, tôi không hề oán giận gì, vì sau đó mẹ tôi đã giành được rất nhiều giải thưởng khác cho công trình này của mình.”