Những cuộc thảo luận trên phương tiện truyền thông về rủi ro đối với trẻ em và thanh thiếu niên từ công nghệ mới thường bị phóng đại. Chúng bắt nguồn từ “sự hoảng loạn đạo đức” (moral panic) xung quanh các thực hành văn hóa mới mà những người trẻ tuổi tham gia, nhưng người lớn không hiểu.
Sự hoảng loạn đạo đứcThời gian trẻ em lên mạng thật đáng ngạc nhiên. Khảo sát của UNICEF năm 2022 cho thấy ở Việt Nam, 82% trẻ em trong độ tuổi 12-13 và 93% trẻ em trong độ tuổi 14-15 sử dụng Internet mỗi ngày.
Một báo cáo khác của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) trong ba tháng đầu năm 2023 chỉ ra rằng, ngoài thời gian dành cho việc học, trung bình trẻ em dành từ 5-7 tiếng mỗi ngày để vào mạng xã hội.
Những con số trên quả thực cao, nhưng không khác biệt nhiều so với các quốc gia trên thế giới. TS.
Gordon Ingram, nhà tâm lý học phát triển đến từ Vương quốc Anh và từng sống ở Colombia gần chín năm trước khi đến Việt Nam để dạy môn tâm lý học tại Trường Khoa học & Công nghệ thuộc Đại học RMIT (Hà Nội) nói rằng những gì đang diễn ra ở những nơi ông từng đi qua cũng rất giống với nơi đây.
Trong cuốn sách mới
Adolescent Use of New Media and Internet Technologies (tạm dịch: Cách thanh thiếu niên sử dụng phương tiện truyền thông mới và công nghệ Internet), TS. Ingram đã tham gia vào các cuộc tranh luận (và thường phân cực) đương đại xung quanh những rủi ro của việc sử dụng mạng xã hội và các công nghệ Internet đối với thanh thiếu niên. Cũng như nhiều nhà nghiên cứu, ông nhận ra rằng, dường như đã có một cái gì đó thay đổi trong cuộc sống của những đứa trẻ, bắt đầu ở đâu đó vào khoảng những năm 2010-2015, khi điện thoại thông minh và các mạng xã hội bắt đầu bùng nổ. Thế hệ trẻ tiếp nối sau đó đã lớn lên, và hiển nhiên, không thể hình dung được một cuộc sống mà không có Internet.
Bằng cách dựa trên một loạt nghiên cứu, TS. Ingram phác họa lại những hiểu biết hiện tại về tác động của việc sử dụng mạng xã hội, chơi game trực tuyến, nội dung khiêu dâm và các hiện tượng như bắt nạt trực tuyến, theo dõi trên mạng, và nghiện Internet. Trong quá trình này, ông phát hiện ra rằng những cuộc thảo luận trên phương tiện truyền thông về rủi ro đối với trẻ em và thanh thiếu niên từ công nghệ mới rất cảm xúc và thường bị phóng đại. Chúng bắt nguồn từ “sự hoảng loạn đạo đức” (moral panic) xung quanh các thực hành văn hóa mới mà những người trẻ tuổi tham gia, nhưng người lớn không hiểu.
“Hoảng loạn đạo đức” là một thuật ngữ dùng để chỉ nỗi sợ hãi lan rộng về một hoạt động mới hoặc chưa được biết đến trong xã hội, có khả năng đe dọa đến các giá trị và lợi ích của xã hội. Những ví dụ lâu đời nhất về sự hoảng loạn về mặt đạo đức là việc đàn áp những kẻ dị giáo hoặc các nhóm tôn giáo thiểu số, chẳng hạn như những người theo đạo Cơ Đốc ở Đế chế La Mã thời kỳ đầu, hoặc những cuộc săn lùng phù thủy ở Mỹ hồi thế kỷ 17. Gần đây hơn, vào những năm 1980, các hoạt động văn hóa của giới trẻ như trò chơi nhập vai Dungeons & Dragons, hát rap và chơi nhạc heavy metal rock đã trở thành mục tiêu của sự hoảng loạn về mặt đạo đức, trước khi sự chú ý chuyển sang Internet trong thập kỷ tiếp theo.
Điểm chung của những hoạt động này là chúng thường xa lạ hoặc bí ẩn đối với những người lớn “thông thường” và mọi người lo lắng chúng có thể “làm hư hỏng” thanh thiếu niên trong xã hội theo một cách nào đó.
Quả thực, kỷ nguyên Internet có không ít ví dụ khiến các phụ huynh lo lắng. Theo TS. Ingram, có một cách đơn giản để phân loại các hành động trên mạng xã hội là xem liệu chúng có liên quan trực tiếp đến một bên thứ ba ác ý, hoặc gây ra những rủi ro nội tại cho nạn nhân hay không.
Ở nhóm thứ nhất, có thể kể đến những hành vi như “chăn dắt tình dục” (sexual grooming), tức kẻ xấu tỏ ra thân thiện, dễ mến để kết bạn và xây dựng mối quan hệ gần gũi với trẻ em trên mạng nhằm chuẩn bị cho giai đoạn chính thức xâm hại tình dục ngoài đời thực; hoặc các hành vi “tấn công lừa đảo” (phishing) khi kẻ xấu giả mạo thành một đơn vị uy tín để lừa đảo người dùng cung cấp thông tin cá nhân rồi hack vào các tài khoản ngân hàng và mạng xã hội, hoặc gửi các email thông báo tặng thưởng, pop-up quảng cáo v.v để kích thích sự tò mò của người dùng ấn vào đường dẫn chứa phần mềm độc hại.
Nhóm thứ hai bao gồm những lo ngại về việc “nghiện” mạng xã hội và “sử dụng màn hình” (screen-time) quá nhiều có thể gây ra những vấn đề sức khỏe và đe dọa kết cấu xã hội. Các nhà phê bình cho rằng những công nghệ mới này giống hệt như ma túy, cờ bạc hoặc rượu bia - chúng làm thay đổi bộ não của thanh thiếu niên và dẫn đến trầm cảm, hành vi tự hủy hoại, rối loạn giấc ngủ, học tập thành tích kém và thay đổi tâm trạng.
Trong nhóm này, có thể kể đến các lo ngại về những rủi ro cụ thể liên quan đến “nội dung cực đoan”, ví dụ như quan niệm cho rằng chơi trò chơi điện tử bạo lực sẽ khuyến khích trẻ em có hành vi bạo lực, hoặc xem phim đen trực tuyến từ khi còn nhỏ có thể dẫn đến tỷ lệ tấn công tình dục cao hơn.
Một số mối lo khác tập trung vào các tác động tiêu cực của việc “bắt nạt trực tuyến” (cyberbullying), đặc biệt khi chúng có khả năng dẫn đến những trường hợp rối loạn ăn uống, hủy hoại bản thân hoặc tự tử. Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, các cơn hoảng loạn đạo đức đã bùng phát khi trẻ em bị lôi kéo tham gia vào các chuỗi nhiệm vụ trực tuyến, chẳng hạn như “Trò chơi Cá voi xanh” hoặc “Thử thách MoMo” dẫn đến hàng loạt vụ tự sát trên khắp thế giới.
Trong những cơn hoảng loạn khi đối phó với những rủi ro như vậy, nhiều phụ huynh và chính quyền đã cấm tiệt thanh thiếu niên truy cập vào Internet và các mạng xã hội. Các phương tiện truyền thông xã hội ngày nay đang chạm vào phản ứng sợ hãi cực độ của thế hệ trước. Dĩ nhiên, trong một số trường hợp, các lo ngại về rủi ro có phần chính đáng, bởi chúng có liên quan đến sự thay đổi văn hóa, điều này có thể gây rắc rối cho một số nhóm, hoạt động và cá nhân nhất định. Nhưng trong một số trường hợp khác, các cơn hoảng loạn đạo đức thực sự chỉ là những “niềm tin” phóng đại rủi ro, thậm chí còn là những niềm tin đã được chứng minh là sai lầm.
Chẳng hạn, trong quá khứ, nhiều người đã nghĩ các game hành động gây ra các vụ xả súng ở trường học tại Mỹ (thực tế không phải), hoặc truyện tranh thập niên 1950 gây ra sự hư hỏng và đồng tính luyến ái (cũng không đúng). Ngày nay, người ta tin rằng các phương tiện truyền thông xã hội làm tăng các vụ tự tử ở tuổi vị thành niên hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần, nhưng các mô hình trên khắp châu Âu, Úc, New Zealand và Canada cho thấy không phải. Thậm chí ở châu Âu, các vụ tự tử ở thanh thiếu niên đã giảm nhẹ trong thời đại truyền thông xã hội (2011-2021).
Danh tính, nội dung và quan hệ
Bằng việc phân tích dưới góc độ tâm lý học, quan điểm tiến hóa và văn hóa, Ingram đã chỉ ra cách các cơn hoảng loạn đạo đức hình thành, nhân tố thúc đẩy nó, lý do tại sao mọi người lại tham gia vào một cơn hoảng loạn khi đứng trước một hành vi trực tuyến “khó hiểu” của thanh thiếu niên, và tại sao những cơn hoảng loạn như vậy có xu hướng nhắm vào giới trẻ.
Khi đề cập đến “hoảng loạn đạo đức”, TS. Gordon Ingram nhấn mạnh rằng ông không muốn dùng nó như một cách để bác bỏ các mối lo của phụ huynh là phi lý trí. Chỉ vì có sự hoảng loạn không có nghĩa là không có vấn đề thực sự. Ông cũng cho rằng, việc đơn giản gán một hiện tượng là “hoảng loạn đạo đức” sẽ phản tác dụng, vì nó khó có thể thuyết phục được các phụ huynh đang lo ngại về những rủi ro của mạng xã hội đối với con em mình, đồng thời cũng không cung cấp nhiều giải pháp cụ thể cho các vấn đề.
Thay vào đó, Ingram đề xuất một cách tiếp cận trung dung để khiến mọi người hiểu hơn về sự thay đổi hành vi của thanh thiếu niên trên mạng xã hội. Ba góc độ tiếp cận này - kết hợp với việc phân tích mỗi “hoảng loạn đạo đức” có trong từng góc độ - sẽ phần nào giúp các thế hệ lớn tuổi hơn hoặc phụ huynh xem xét những rủi ro và cơ hội liên quan đến hoạt động mạng xã hội của con em mình.
Đầu tiên là những
danh tính cá nhân mới mà thanh thiếu niên hình thành trên mạng. Theo TS. Ingram, giới trẻ đang lớn lên trong một thế giới khác với thế giới mà cha mẹ chúng từng lớn lên. Chúng tạo nên ngôn ngữ của riêng mình trên không gian ảo và giao tiếp theo những cách hoàn toàn khác biệt. Điều này bao gồm tất cả những định nghĩa về bản thân và lòng tự trọng, cách thể hiện cá tính tùy theo nhận dạng giới, việc nhìn nhận ngoại hình của bản thân khi so sánh với những bạn bè đồng trang lứa khác trên Instagram, hoặc cách dùng các biểu tượng cảm xúc (emoji), ảnh tự sướng (selfie) và meme để tạo nên những mật mã riêng trong mỗi nhóm bạn bè. Nếu cha mẹ không trang bị cho mình những phương pháp giáo dục phù hợp, nguy cơ xảy ra mâu thuẫn với con cái sẽ cao hơn.
Những bản dạng mới này mang lại không gian cho sự sáng tạo và đổi mới. Lấy ví dụ từ K-Pop, giới trẻ trên toàn cầu đang kết hợp các yếu tố của K-Pop với bản sắc của nước họ để tạo thành những yếu tố văn hóa mới cực kì độc đáo. Vấn đề “thời gian sử dụng thiết bị: bao nhiêu là quá nhiều?” cũng liên quan đến chủ đề nhận dạng, vì cha mẹ thường cảm thấy như Internet đã cướp mất con cái khỏi họ, vì do thay đổi danh tính, những đứa trẻ có thể thích dành thời gian trực tuyến với bạn bè hơn là mặt đối mặt với gia đình.
Thứ hai, có những rủi ro và lợi ích liên quan đến một số loại nội dung trực tuyến nhất định. Nhiều người lo lắng rằng trẻ em có thể “nghiện màn hình” nếu dành quá nhiều thời gian sử dụng Internet. Những lo ngại này không chỉ liên quan đến việc trẻ dành bao nhiêu thời gian trên mạng mà còn liên quan tới những nguy cơ độc hại mà trẻ có thể tiếp xúc như nội dung khiêu dâm hoặc trò chơi điện tử bạo lực. Đã có những “hoảng loạn đạo đức” kinh điển ở đây mà TS. Ingram bác bỏ hoặc khẳng định dựa trên các bằng chứng nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, ông đề cập rằng thanh thiếu niên ngày nay cũng có thể truy cập vào vô số nội dung tích cực, mang tính giáo dục trên không gian mạng (bao gồm các chủ đề về sức khỏe tinh thần và phát triển nhân cách) mà trước kia người lớn không tiếp cận được. Do vậy, có rất nhiều cơ hội để biến khoảng thời gian sử dụng thiết bị của trẻ em thành thời gian có ích.
Thứ ba là những mối quan hệ được hình thành trên mạng. Trước tuổi vị thành niên, trẻ em có xu hướng tự nhiên là hình thành các mối quan hệ xã hội mới, thể hiện qua việc giảm bớt chơi game một mình và chuyển hướng sang các hoạt động kết nối với người khác. Khi bước vào tuổi vị thành niên, các em bắt đầu quan tâm đến người khác giới nhiều hơn (hoặc cùng giới trong trường hợp đồng tính luyến ái). Ngày nay, sự quan tâm như vậy được phản ánh trong việc thay đổi mô hình sử dụng các mạng xã hội, chẳng hạn như Instagram và Snapchat, và cuối cùng là các ứng dụng hẹn hò trực tuyến như Tinder. Chúng đã thay đổi cách trẻ em liên hệ với nhau, cũng như với gia đình và người lạ. Sự phát triển này dĩ nhiên có thể khiến cha mẹ lo lắng.
Mọi người có xu hướng nghĩ nhiều về các tương tác tiêu cực trên mạng, chẳng hạn như bắt nạt hoặc những hành vi rình rập/theo dõi người khác qua mạng. Chúng có những rủi ro đặc biệt bởi tính không thể tránh khỏi: sự bắt nạt có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu vì nạn nhân luôn mang theo thiết bị kết nối Internet và khó thoát khỏi sự tấn công tinh thần, một số người ngại bắt nạt trực tiếp nhưng lại sẵn sàng làm điều đó trên mạng, và môi trường online có thể tạo ra những “cuộc tấn công tập thể” nơi mọi người tham gia bắt nạt nạn nhân mà không cần biết rõ người đó là ai hoặc nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành động.
Tuy nhiên, theo TS. Ingram, sự lo lắng về bắt nạt trực tuyến đôi khi mang tính “hoảng loạn đạo đức”, bởi vì bắt nạt vốn không phải là vấn đề mới, bắt nạt trực tuyến chỉ đơn giản là hình thức thể hiện của nó trong một môi trường mới. Do vậy, những cách thức để đối mặt cũng sẽ tương tự như những gì đã biết.
Hơn nữa, vì Internet có sức mạnh gắn kết những người từ nhiều hoàn cảnh khác nhau và giúp họ hiểu nhau hơn, nên nó cũng có thể đem lại những mối quan hệ tích cực và thúc đẩy sự khoan dung văn hóa.
Chúng ta biết rằng tuổi vị thành niên là thời điểm dễ bị tổn thương và văn hóa thanh thiếu niên đang thay đổi hoàn toàn, có nghĩa là sẽ thật ngu ngốc khi loại bỏ mọi nỗi sợ hãi về những rủi ro trên mạng xã hội. Nhưng thay vì đặt câu hỏi: “Dùng Internet có làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần của trẻ hay không?” để đưa ra những can thiệp giống nhau và chung chung, chúng ta nên chuyển sang xác định ai đang gặp vấn đề gì khi sử dụng công nghệ (ví dụ: bị nghiện xem video ngắn) và tìm ra cách tốt nhất để giúp đỡ, ông nói.
Cân bằng thời gian lên mạng của thanh thiếu niên
Khi nói về việc “Làm thế nào để cha mẹ và con cái tìm thấy tiếng nói chung khi quản lý thời gian sử dụng thiết bị công nghệ?”, TS. Ingram chỉ ra rằng theo truyền thống, người Việt thường áp dụng phong cách nuôi dạy độc đoán (authoritarian parenting). Cách này tập trung vào việc dạy trẻ các quy tắc, chuẩn mực và đảm bảo trẻ hành xử một cách có kỷ luật. Mặc dù có bằng chứng cho thấy cách này có thể tác động tích cực trong một số bối cảnh văn hóa nhất định, nhưng đây có thể không phải là cách tốt nhất khi trẻ đã tiếp xúc trực tuyến với văn hóa hiện đại hoặc văn hóa phương Tây.
Trong văn hóa phương Tây, hình thức nuôi dạy con cái lý tưởng thường là phong cách nuôi dạy có thẩm quyền (authoritative parenting). Cách này vẫn nhấn mạnh vào các quy tắc và ranh giới, nhưng cũng ghi nhận tầm quan trọng của cảm xúc và tình cảm. Theo đó, các quy tắc mà trẻ phải tuân thủ sẽ cần được thảo luận hoặc thương lượng trước trong trường hợp có thay đổi. Phụ huynh sẽ thương lượng với trẻ (ít nhất là về các chi tiết), cho phép có sự linh hoạt và ngoại lệ. Ví dụ, nếu trẻ thường được phép chơi điện tử 30 phút mỗi tối trong tuần đi học thì trẻ có thể được phép chơi nhiều hơn nếu hoàn thành bài tập về nhà và công việc nhà sớm.
Lời khuyên của ông dành cho các bậc cha mẹ là hãy nói chuyện với con cái về các hoạt động trực tuyến của con, cùng nhau xác định đâu là điểm tốt và xấu, đồng thời thương lượng một bộ quy tắc và các ngoại lệ để quản lý hành vi của con trên mạng. Tất nhiên, phụ huynh là người dẫn dắt quá trình đó với tư cách cha mẹ, nhưng con cái cũng nên cảm thấy mình có cơ hội đóng góp ý kiến.
|
Đăng số 1301 (số 29/2024) KH&PT