Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Advances vào tháng 8/2020, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu về nguy cơ tuyệt chủng và chế độ ăn của hơn 24.500 loài chim, động vật có vú và bò sát.
Họ phát hiện ra 25% động vật ăn cỏ có nguy cơ bị tuyệt chủng, trong khi con số này ở động vật ăn thịt chỉ là 15%, động vật ăn tạp [loài ăn cả thịt và thực vật] là 17%.
“Kết quả này khiến tôi khá ngạc nhiên. Trước đây, động vật ăn thịt thường được xác định là có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Nguyên nhân là do chúng cần tiêu thụ một lượng lớn thức ăn và hay đi lang thang trên các vùng lãnh thổ rộng lớn đang ngày càng chồng lấn với vùng lãnh thổ của con người, gây ra xung đột”, Trisha Atwood, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học Utah (Mỹ), cho biết.
Trong số động vật ăn cỏ, các loài bò sát dễ bị tổn thương nhất. Mặc dù động vật ăn thịt ít bị de đọa hơn, nhưng một số nhóm nhất định có nguy cơ tuyệt chủng tương đối cao. Chúng bao gồm những loài ăn xác thối, chẳng hạn như kền kền và động vật ăn cá, ví dụ như chim biển.
Quốc Hùng (Theo UPI)