Nhiều nhà sinh vật học cho rằng, các thành phố nên tiết chế việc phun thuốc khử trùng virus corona ở các không gian công cộng ngoài trời, do chúng có thể khiến động vật hoang dã bị nhiễm độc.
Trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia y tế công cộng tin rằng một trong những cách hiệu quả nhất để chống lại sự lây lan của virus là khử trùng các bề mặt mà con người thường xuyên tiếp xúc.
Đây là nguyên nhân khiến Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Tây Ban Nha và một số quốc gia khác đã phun một lượng lớn chất khử trùng ở các khu đô thị đông dân cư. Những đội xe tải, máy bay không người lái, thậm chí cả robot di chuyển trên khắp các đường phố, công viên, khu vui chơi, và nhiều không gian công cộng ngoài trời khác để phun hóa chất diệt virus.
Ở Indonesia, máy bay không người lái phun thuốc khử trùng lên các ngôi nhà từ trên cao. Còn tại một ngôi làng ở Tây Ban Nha, xe vận tải đã đổ hàng trăm lít chất tẩy xuống một bãi biển công cộng.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, bao gồm cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã lên án hành động phun thuốc trên quy mô lớn ở các không gian ngoài trời. Phương pháp này vừa không hiệu quả vừa có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người, đặc biệt là tình trạng kích ứng đường hô hấp nếu hít phải hóa chất. “Việc kết hợp các chất khử trùng, chẳng hạn như thuốc tẩy và amoniac, sẽ giải phóng khí độc có khả năng gây tử vong”, WHO cho biết.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Environmental Research vào tháng 8/2020, các nhà sinh vật học cảnh báo việc lạm dụng các chất khử trùng trong môi trường đô thị có thể gây nguy hiểm cho động vật hoang dã.
Vào tháng 1/2020, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới phun hóa chất làm sạch các thành phố để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19. Ngay sau đó, các báo cáo về động vật bị nhiễm độc bắt đầu xuất hiện. Đến tháng hai, một cuộc điều tra của Cục Lâm nghiệp Trùng Khánh phát hiện có ít nhất 135 động vật thuộc 17 loài bao gồm lợn rừng, chồn, chim két,…đã chết tại thành phố Trùng Khánh nằm ở phía Tây Nam Trung Quốc giáp với tỉnh Hồ Bắc [vùng tâm dịch Covid-19 của Trung Quốc khi đó].
Sau khi lấy mẫu và tiến hành xét nghiệm, chính quyền Trung Quốc xác định nguyên nhân tử vong của chúng là do nhiễm độc thuốc khử trùng virus SARS-CoV-2, theo Tân Hoa Xã. Các nhà chức trách cũng loại trừ khả năng động vật hoang dã chết vì bệnh tật, bao gồm Covid-19, cúm gia cầm, hoặc bệnh Newcastle. “Các công nhân có thể đã phun quá nhiều chất khử trùng để kiềm chế dịch bệnh, giết chết động vật hoang dã một cách tình cờ”, Cục Lâm nghiệp Trùng Khánh cho biết.
“Thành phần của thuốc khử trùng chủ yếu là natri hypoclorit (NaClO), clo và chất tẩy trắng. Chúng rất độc đối với cả động vật sống trên cạn cũng như dưới nước”, Dongming Li, giáo sư sinh thái học tại Đại học Sư phạm Hà Bắc (Trung Quốc), đồng tác giả của nghiên cứu đăng trên tạp chí Environmental Research, cho biết. “Việc lạm dụng chất khử trùng có thể gây ô nhiễm môi trường sống của động vật hoang dã ở đô thị”
Li và cộng sự kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nên điều tiết hoạt động phun thuốc khử trùng ở các khu vực đô thị. Ở nhiều nơi, hoạt động này đang được thực hiện mà không có sự tư vấn của cộng đồng khoa học.
Hóa chất khử trùng tiêu diệt virus, vi khuẩn và các vi sinh vật khác bằng cách phá hủy màng tế bào và làm hỏng protein của chúng thông qua quá trình oxy hóa. Nếu người hoặc động vật hít vào phổi hoặc vô tình ăn phải, những chất này có thể gây kích ứng hoặc ăn mòn màng nhầy của đường hô hấp và hệ tiêu hóa.
Các cuộc điều tra chính thức như ở Trùng Khánh chưa được thực hiện bên ngoài Trung Quốc. Do đó, chúng ta chưa biết rõ việc sử dụng tràn lan chất khử trùng tại các không gian ngoài trời gây hại cho động vật hoang dã và hệ sinh thái đô thị ở các quốc gia khác như thế nào. “Nhưng không khó để dự đoán. Nếu bạn đưa các chất độc hại vào một hệ thống, chúng sẽ lan truyền thông qua lưới thức ăn. Đó là mối quan hệ giữa các sinh vật và môi trường”, Christopher J. Schell, giáo sư sinh thái đô thị tại Đại học Washington ở Tacoma (Mỹ), cho biết.
Trùng Khánh là ví dụ nổi bật nhất cho thấy chất khử trùng gây hại cho động vật hoang dã, nhưng các tác động tương tự cũng được quan sát ở một số nơi khác, Schell nói.
Tại hòn đảo nhân tạo Brickell Key ở ngoài khơi thành phố Miami, bang Florida (Mỹ), một số cư dân địa phương và những con chó của họ bị ốm sau khi cơ quan quản lý đảo thực hiện chương trình vệ sinh ngoài trời. Các công nhân mặc đồ bảo hộ phun thuốc khử trùng hằng ngày ở khắp các công viên, lối đi và băng ghế trên đảo. “Một tuần sau khi chương trình bắt đầu, một số cư dân cảm thấy đau đầu và ít nhất hai con chó bị nôn”, theo báo cáo của Local 10, một hãng tin tức ở Pembroke Park, Florida.
Mặc dù việc vệ sinh các bề mặt mà chúng ta thường xuyên chạm vào có thể giúp giảm sự lây lan của virus SARS-CoV-2, nhưng hiện nay chúng ta biết rằng hầu hết mọi người mắc bệnh là do hít phải các giọt bắn trong không khí từ một người bị nhiễm bệnh, thay vì tiếp xúc với các bề mặt chứa virus.
Đó là lý do vào tháng năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không nên sử dụng chất khử trùng ở ngoài trời, vì cả đường phố và vỉa hè đều không được coi là con đường lây nhiễm Covid-19. Việc phun những hóa chất như vậy có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người, gây kích ứng hoặc làm tổn thương mắt, đường hô hấp và da. Tuy nhiên, WHO không đề cập đến tác hại với động vật hoang dã.
Mặc dù vậy, một số quốc gia như Brazil vẫn tiếp tục phun thuốc khử trùng ở những khu vực công cộng, theo các hãng tin địa phương.
“Đại dịch Covid-19 khiến người dân ở nhiều nước lo sợ. Các cơ quan y tế trên thế giới có thể đã phun nhiều thuốc khử trùng hơn mức cần thiết để đảm bảo virus bị tiêu diệt hoàn toàn và giảm bớt lo lắng của họ về nguy cơ nhiễm virus”, Li nhận định.
Nhưng có một cách tiếp cận tốt hơn, đó là khuyến khích mọi người ở nhà. “Thay vì phun ồ ạt chất khử trùng trong các khu vực giàu tính đa dạng sinh học như công viên đô thị, đất ngập nước và không gian xanh, tốt hơn hết chúng ta nên dừng các hoạt động của con người ở những nơi như vậy”, Li nói.