So với thế giới, Việt Nam đã có thể làm chủ được tới 70,5% công nghệ sản xuất giống. Trong đó lúa thuần được xem là lợi thế - đạt 90%, còn lúa lai đã làm chủ công nghệ tới 66%.

Đó là số liệu được đưa ra trong đề tài "Đánh giá hiện trạng, năng lực công nghệ và nhu cầu đổi mới công nghệ trong tạo giống và sản xuất lúa lai tại miền Bắc và duyên hải miền Trung" do thạc sỹ Phạm Ngọc Lý - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) - làm chủ nhiệm. Đề tài thuộc chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 - một trong các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đang được triển khai tại Bộ Khoa học và Công nghệ.

Các giống lúa đặc sản được bảo tồn tại Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Hằng
Các giống lúa đặc sản được bảo tồn tại Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Hằng

"Việt Nam hoàn toàn làm chủ được công nghệ sản xuất giống lúa. Tuy nhiên, lượng giống lúa thuần đủ cung cấp cho sản xuất trong nước, trong khi đó lúa lai chỉ đảm bảo cung ứng đủ 33% nhu cầu giống, lượng còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài (Trung Quốc, Ấn Độ…)" - Phó Tổng Giám đốc Vinaseed cho biết.

Ông Phạm Ngọc Lý nêu một thực trạng, qua khảo sát 17 công ty (thuộc 2 khu vực miền Bắc và duyên hải miền Trung) thì chỉ Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương và Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình là có hệ thống máy, chế biến và đóng gói công nghệ hiện đại. Công ty cổ phần giống cây trồng trung ương có công suất sấy và chế biến hơn 30.000 tấn giống lúa/năm và Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình có công suất 15.000 tấn giống lúa/năm. Hệ thống máy sấy, chế biến và đóng gói chủ yếu nhập khẩu từ các nước châu Âu (Đức, Đan Mạnh). Vì vậy, chất lượng hạt giống lúa của 2 công ty trên rất có uy tín trên thị trường.

Đa số các công ty giống còn lại có hệ thống máy sấy, chế biến và đóng gói tương đối đơn giản, hằng năm chủ yếu sản xuất, kinh doanh từ vài trăm tấn đến 5.000-7.000 tấn giống lúa các loại.

"Vì vậy, các công ty trong thời gian tới muốn tồn tại và phát triển được bắt buộc phải đầu tư hơn nữa về công nghệ cũng như công cụ máy móc để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường giống lúa ở nước ta" - ông Lý đề xuất.