Việc các nhà khoa học thường sử dụng những chú chuột lừ đừ, mập phì, sống trong cảnh tù túng và lo âu, có thể giúp giải thích tỷ lệ thành công thấp hiện nay của các nghiên cứu y sinh học.
Theo thống kê, mỗi năm, các phòng thí nghiệm sử dụng hơn 120 triệu con chuột đồng (rats) và chuột nhà (mice). Các nhà khoa học dùng chúng trong các nghiên cứu về ung thư, viêm khớp, đau mãn tính v.v. và gần như tất cả những con chuột thí nghiệm đều sống giam hãm trong những chiếc lồng nhỏ như chiếc hộp đựng giày và trống không.
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Guelph (Canada) cho thấy những chiếc lồng chật hẹp và trống không này khiến chuột thí nghiệm bị căng thẳng kinh niên, nhịp sinh học của chúng bị thay đổi. Điều này đặt ra những câu hỏi đáng lo ngại về sức khoẻ của chuột - và về hiệu quả thực sự của thí nghiệm.
Giáo sư Sinh học Georgia Mason, phụ trách nghiên cứu, đã xác định những ảnh hưởng của loại lồng nhốt bằng cách trích xuất dữ liệu từ hơn 200 nghiên cứu điều tra tác động củathiết kế lồng đối với sức khoẻ của chuột.
200 nghiên cứu này đều tập trung so sánh những chiếc lồng điển hình trong phòng thí nghiệm - nhỏ và trống không - với những chiếc lồng chứa bánh xe chạy bộ, hộp làm tổ, không gian bổ sung hoặc các vật dụng khác cho phép chuột thực hiện các hành vi tự nhiên như đào bới, leo trèo, khám phá và ẩn náu. Nhìn chung, những con vật nuôi trong lồng thông thường trở nên ốm yếu hơn những con được nuôi trong lồng với đầy đủ tiện nghi. Ví dụ, nếu bị ung thư, cơ thể chúng phát triển các khối u lớn hơn.
Động vật được nuôi trong lồng trống cũng có tuổi thọ trung bình thấp hơn khoảng 9%. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học nhận thức được rằng chuột thí nghiệm muốn được thoải mái, vận động nhiều hơn so với tiêu chuẩn phổ biến trong phòng thí nghiệm, vì vậy lồng nhốt thông thường khiến chúng rối loạn lo âu, gây ra hành vi bất thường.
Điều này đã đủ để GS. Mason khẳng định giả thuyết được giới khoa học đưa ra trước đây rằng chuột nhà và chuột đồng sống trong lồng thiếu tiện nghi có thể không mang lại hiệu quả tối ưu cho nghiên cứu. Chiếc lồng đã gây ra các chứng bệnh mãn tính đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến sức khoẻ của động vật.
Bên cạnh đó, GS Mason cũng nhìn nhận những mặt hạn chế của 200 nghiên cứu này. “Nghiên cứu của chúng tôi tìm thấy cả bằng chứng về các lỗi phương pháp luận và các báo cáo kém cỏi thuật lại chi tiết thí nghiệm”, nhóm nghiên cứu cho hay. Ví dụ, mặc dù 200 nghiên cứu tập trung điều tra tác động của thiết kế lồng, nhưng ⅔ trong số đó không mô tả đầy đủ điều kiện sống của động vật.
Đó là chưa kể những nghiên cứu này chưa tính đến việc các nhà khoa học có thói quen sử dụng động vật thí nghiệm là con đực, có rất ít nghiên cứu sử dụng con cái. Chúng thường thừa cân, đôi khi bị lừ đừ và suy giảm nhận thức.
Nhóm nghiên cứu nghi ngờ rằng việc các nhà khoa học thường sử dụng những chú chuột lừ đừ, mập phì, bất thường, thiên về con đực, sống trong cảnh tù túng và lo âu - là lý do dẫn đến tỷ lệ thành công thấp hiện nay của các nghiên cứu y sinh học. Đã có nhiều nhận định cho rằng cách nuôi nhốt động vật sẽ ảnh hưởng đến kết quả thí nghiệm, và giờ đây ngày càng nhiều bằng chứng khoa học giúp khẳng định điều đó.
Cải thiện mức độ thành công của thí nghiệm
Các bài báo thường không mô tả điều kiện sống của chuột thí nghiệm, điều này giúp giải thích vì sao các nhà khoa học khác không thể tái lập kết quả của ít nhất 50% các nghiên cứu tiền lâm sàng.
Nếu lồng nuôi thực sự thay đổi kết quả của một nghiên cứu, những chiếc “hộp đựng giày" nhốt chuột sẽ không còn bị bỏ qua như một yếu tố phụ nữa. Trên thực tế “các nhà quản lý Canada lâu nay vẫn yêu cầu các thí nghiệm phải cung cấp một chiếc lồng nuôi có thể giữ ấm cho chuột, nhưng tôi nghĩ nhiêu đó thôi là chưa đủ”, GS. Mason nhận định.
“Mỗi năm Canada chi khoảng 4 tỷ CAD cho nghiên cứu sức khoẻ", GS. Mason đưa ra con số. Nếu Canada cũng giống Mỹ - chi khoảng một nửa số tiền này vào việc hỗ trợ nghiên cứu và thử nghiệm trên động vật, trong đó chỉ 50% thí nghiệm có thể lặp lại được kết quả - thì điều đó có nghĩa là mỗi năm Canada chi 1 tỷ CAD cho các nghiên cứu động vật không thể tái lập.
Ngay cả đối với 50% số nghiên cứu còn lại gồm các nghiên cứu có thể tái thực hiện, thì chỉ dưới 5% trong số đó mang lại những lợi ích y tế có thể áp dụng cho con người. Con số này quá thấp so với kỳ vọng của dân chúng Canada. Theo một khảo sát, người Canada cho biết họ mong rằng khoảng 60% các thí nghiệm trên động vật có thể dẫn đến các loại thuốc mới trên người.
Nguồn: