Những lời thì thầm về mùa đông của đầu tư khởi nghiệp đang được giới chuyên môn rỉ tai nhau khiến nhiều công ty khởi nghiệp không khỏi rùng mình. Trong lúc đó, Y Combinator – một vườn ươm nổi tiếng trên thế giới đã nhắn nhủ tới các công ty khởi nghiệp trên toàn thế giới rằng ‘bước đi an toàn nhất lúc này là lập kế hoạch cho điều tồi tệ nhất.

Mùa đông đang đến

Một startup thương mại điện tử B2B ở Ấn Độ kể lại câu chuyện gọi vốn đau thương hồi tháng một khi có kế hoạch huy động 20 triệu USD để đổi lấy 15% cổ phần. Trong số năm nhà đầu tư họ gặp, có một quỹ đầu tư đưa ra lời đề nghị hấp dẫn, 50 triệu USD cho 17% cổ phần, với định giá công ty 200 triệu USD. Hai ngày sau đó, một bản điều khoản thỏa thuận với đề nghị không ràng buộc được đưa đến. Tất cả đều nghĩ mọi chuyện sẽ thuận lợi như những lần gọi vốn trước. Nhưng không, hai tháng sau, quỹ đầu tư đã thông báo quyết định rút lại thỏa thuận với lý do “tỷ suất kinh doanh của startup này có tỷ lệ lợi nhuận thấp. Hành động “quay xe” bất ngờ đã khiến cho kế hoạch huy động vốn của startup này cho giai đoạn phát triển tiếp theo rơi vào bế tắc. Họ đã từ chối bốn nhà đầu tư khác. Quỹ này thì giải thích rằng, một nhà đầu tư của họ cho biết rất hiểu về những thương vụ tương tự nên tuyên bố rút khỏi quyết định đầu tư.
ThinkZone vừa ra mắt quỹ FundII và tin rằng, mùa đông gọi vốn sẽ không ảnh hưởng tới thị trường khởi nghiệp Việt Nam.

Trong khi đó, một startup khác ở Ấn Độ trong lĩnh vực fintech cũng vừa kết thúc vòng gọi vốn series C với định giá thấp hơn hẳn so với năm ngoái và nói rằng ‘việc gọi vốn không hề dễ dàng, các mức định giá đang giảm dần”.

Những câu chuyện tương tự diễn ra với nhiều startup khác khi huy động vốn từ giai đoạn giữa đến cuối (từ series A đến C) ở đất nước có hoạt động khởi nghiệp sôi động bậc nhất châu Á. Sau khi huy động được lượng vốn kỷ lục nào năm 2021, giờ đây, điều mà các công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ không ngờ tới là họ rất khó khăn khi huy động vốn vòng mới hoặc bị nhà đầu tư hủy kèo vào phút cuối .

Theo số liệu của Inc42, tháng 5/2022, các startup ở Ấn Độ đã huy động được 1,6 tỷ USD với 117 thương vụ, giảm tới 53% so với tháng liền kề trước đó, là 3,4 tỷ USD.

Đáng nói, trong số tiền huy động được thì các công ty khởi nghiệp gọi vốn vòng series A đến C (tức các vòng cỡ trung), chỉ thu được 500 triệu với 24 thương vụ, trong khi hồi tháng tư, con số này là 800 triệu USD. Tức là số tiền đang giảm dần.

Theo báo cáo của Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân Ấn Độ, trong tháng tư, các khoản đầu tư vốn tư nhân và đầu tư mạo hiểm vào các công ty Ấn Độ đã giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo giới chuyên gia, những gì đang diễn ra ở Ấn Độ phản ánh bức tranh chung trên toàn cầu. Báo cáo của CB Insights đã chỉ ra, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu cho các công ty khởi nghiệp cũng dự kiến ​​giảm 19% trong quý hai so với quý trước, trong đó các công ty khởi nghiệp châu Á dự kiến ​​sẽ bị giảm mạnh nhất.

Một số quỹ đầu tư mạo hiểm đã đưa ra cảnh báo về cuộc khủng hoảng nguồn vốn sắp tới. Sequoia Capital thậm chí gửi cho các công ty trong danh mục đầu tư một bản thuyết trình dài tới 52 slide để nhắc nhở các founder rằng phải tiết kiệm tiền, bởi tương lai ‘hỗn loạn, lạm phát và bất ổn”. Y Combinator cũng đưa ra cảnh báo tương tự.

Gaurav Munjal – Founder của startup Edtech kỳ lân Unacademy (Ấn Độ) dự báo, mùa đông gọi vốn có thể kéo dài từ 12-24 tháng, và đề nghị toàn bộ đội nhóm phải tối ưu lợi nhuận, tiết kiệm chi phí.

Để tồn tại hoặc đơn giản là không gọi được nhiều vốn như kế hoạch, nhiều công ty đã quyết định sa thải nhân sự. Điển hình hôm 18/5 vừa qua, startup Edtech Vedantu đã sa thải hơn 400 người – chiếm 7% nhân sự, chỉ sau vài tuần sau khi cho 200 người nghỉ việc. Unacademy cũng sa thải 10% nhân sự, trong khi công ty Edtech Udayy đã phải tuyên bố phá sản khi không thể huy động thêm vốn.

Nói với Trung tâm nghiên cứu Al Jazeera, các công ty khởi nghiệp như Cred, Groww, Slice và Unacademy cho biết, năm ngoái mỗi đợt gọi vốn chỉ mất từ 3-4 tháng, nhưng giờ đây, họ cần tới sáu tháng đến một năm.

Những dấu hiệu trên cho thấy một mùa đông gọi vốn đang dần bắt đầu và cũng khiến các nhà đầu tư đặt ra những câu hỏi về tính bền vững của startup trước khi ra quyết định xuống tiền.

Thị trường Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Theo chia sẻ của bà Đỗ Thị Thu Hà – Phó Tổng Giám đốc của KPMG, tại sự kiện Invest up diễn ra ngày 5/7, một trong những lý do khiến cho nhà đầu tư dè dặt hơn với việc xuống tiền là những bất ổn về chính trị. “Với các hoạt động đầu tư, sự bất ổn là điều nhà đầu tư lo ngại nhất” – bà Hà nói. Cùng với đó là việc Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách ‘zero Covid’ gây ra những đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vào năm ngoái, các chính phủ cũng triển khai nhiều gói cứu trợ bằng cách lấy tiền dự trữ, bán trái phiếu và vay nợ, gây ra hiện tượng ‘đình phát’.

Trước tình hình này, phải chăng tất cả startup đều bị ảnh hưởng bởi mùa đông lạnh giá? Theo nhận định của ông Bùi Thành Đô – Giám đốc điều hành Think Zone Ventures, mùa đông gọi vốn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các startup gọi vốn ở giai đoạn sau, nhất là các kỳ lân, cần rất nhiều tiền để phục vụ cho tăng trưởng ở quy mô lớn. Trong khi đó, các startup ở giai đoạn đầu, như hạt giống, ươm mầm hay pre-series A… sẽ không bị ảnh hưởng.

Nhận định này tương đồng với quan điểm của IndiaTimes, khi cho rằng, nguồn vốn cho các công ty ở giai đoạn đầu vẫn dồi dào và chỉ khan hiếm tiền cho những giai đoạn sau, từ series A trở đi.

Cụ thể, theo dữ liệu của Venture Intelligence, các khoản đầu tư Seed và Series A lần lượt tăng 88% và 22% vào tháng một đến tháng ba so với cùng kỳ năm 2021. Con số này được cho là một cảnh báo rõ ràng hơn về “mùa đông gọi vốn” đang làm chậm lại các giao dịch ở giai đoạn cuối, với yêu cầu về lượng vốn rất lớn.

Nếu so sánh với số liệu này ở thị trường đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam sẽ thấy tín hiệu đáng mừng. Cụ thể, với 1,4 tỷ USD cho 165 thương vụ vào năm 2021, thì có 73 thương vụ đầu tư vào vòng Seed với giá trị từ 0,5-3 triệu USD. Như vậy, chiếm tới hơn 44% là các vòng rất sớm, nên mùa đông gọi vốn có thể sẽ không mấy ảnh hưởng đến thị trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của Phạm Trung – Giám đốc Tài chính và Vận hành của Dat Bike – Startup vừa gọi được 5,3 triệu USD hồi tháng tư cho biết, startup này đã nhận được cảnh báo từ nhà đầu tư về một mùa đông đang tới và yêu cầu việc tối ưu chi phí, chứng minh được hiệu quả bằng cách tối đa lợi nhuận.

“Sẽ không có nhiều tiền cho những câu chuyện FOMO (hiệu ứng tâm lý sợ bị bỏ lỡ, dẫn đến đầu tư tràn lan gây lãng phí). Mỗi startup muốn gọi được vốn phải chứng minh được hiệu quả” – Phạm Trung nói.

Điều này theo Phạm Trung vừa có lợi vừa có hại. Bởi nhà đầu tư sẽ có khuynh hướng chọn lọc kỹ hơn các thương vụ đầu tư và không rải tiền cho nhiều đội mà tìm kiếm đội ngũ có nền tảng vững chắc. Cái hại tất nhiên nằm ở việc, startup khó khăn hơn khi gọi vốn. Tuy nhiên ‘sẽ không đến nỗi quá bi đát’ – anh Trung nói, bởi ít nhất, với các quỹ đã gọi được tiền từ năm ngoái, năm nay vẫn còn dư dả cho các thương vụ tiềm năng trong năm nay. Chỉ có các quỹ có kế hoạch huy động tiền vào năm nay sẽ khó khăn.

Đưa ra một cái nhìn lạc quan hơn, bà Đỗ Thị Thu Hà cho biết, trong bối cảnh đầy biến động, Việt Nam đã trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế, bất chấp khó khăn. Bởi vậy theo dự báo của World Bank, Việt Nam vẫn là nước có có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á với 5,8% vào năm 2022 và 6,5% vào năm 2023.

“Từ phía nhà đầu tư, rõ ràng Việt Nam là một điểm sáng với thị trường đang phát triển và đầy hứa hẹn” – đại diện của KPMG nhấn mạnh.

Bà Đỗ Thị Thu Hà cũng cho biết, với thị trường 100 triệu dân và dân số trẻ như Việt Nam thì 60% nguồn vốn sẽ tập trung vào sản xuất, 30% vào bất động sản vì tâm lý thích sở hữu nhà của người Việt, tiếp đến là F&B, y tế, giáo dục và công nghệ.

Ông Bùi Thành Đô lạc quan cho rằng, thị trường Việt Nam đang ở giai đoạn bắt đầu chứng minh được tiềm năng, các startup đều ở giai đoạn sớm dẫn đến việc thu hút đầu tư sẽ “ngày càng tăng chứ không giảm”.

“Mọi chuyện ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu. Hệ sinh thái Việt Nam đang là cái nôi tiềm năng của châu Á. Minh chứng là nhiều quỹ đầu tư đến từ châu Âu, Mỹ thời gian gần đây nói rất nhiều về thị trường Việt Nam. Nhiều quỹ đầu tư khởi nghiệp lớn đã tìm kiếm người đại diện, đặt trụ sở chính ở đây, điển hình như Golden Ventures, một trong số nhà sáng lập của quỹ đã đưa cả gia đình tới Việt Nam sống” – ông Bùi Thành Đô hào hứng nói với niềm tin vững chắc vào sự đi lên của thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bất chấp mùa đông lạnh giá.

Nguồn: aljazeera.com; inc42.com; business-standard.com; economictimes.indiatimes.com