“Vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT) trong các doanh nghiệp công nghệ cao (CNC) thường liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, thông tin về chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa nhiều doanh nghiệp CNC quan tâm đúng mức đến vấn đề này”. Đó là nhận định của ông Nguyễn Đức Long - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp CNC, Khu CNC Hòa Lạc - tại buổi tọa đàm.
Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Châu Long
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ - nhấn mạnh: “SHTT là tài sản của doanh nghiệp. Bảo hộ SHTT không chỉ là một hình thức đầu tư mà còn nâng cao giá trị thị trường của doanh nghiệp. Dù cung cấp sản phẩm hay dịch vụ gì, doanh nghiệp cũng đang tạo ra và sử dụng rất nhiều quyền SHTT. Do đó, nên xem xét một cách có hệ thống các biện pháp bảo hộ, quản lý và khai thác quyền SHTT nhằm đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhất”.
Theo ông Phí, nếu sử dụng quyền SHTT của người khác, phải xem xét việc mua chúng hoặc nhận được quyền sử dụng các quyền đó thông qua việc ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng để tránh tranh chấp hoặc kiện tụng sau này.
Nói về tình trạng doanh nghiệp CNC ở Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến SHTT, ông Nguyễn Đức Long nêu dẫn chứng: Các doanh nghiệp này chưa có bộ phận chuyên về lĩnh vực SHTT. “Nếu chúng ta cứ bỏ công sức nghiên cứu những thứ đã công bố trên thế giới thì thật lãng phí. Hiện các doanh nghiệp CNC trên thế giới đều có một cá nhân hoặc bộ phận chuyên trách về SHTT, luôn cập nhật thông tin sản phẩm trí tuệ của họ như công nghệ đang phát triển đến đâu, họ có thể hợp tác để tiếp tục phát triển công nghệ đó hay không. Như vậy, họ tiết kiệm được cả thời gian và tiền bạc” - ông Long nói.
Trước thực tế, này ông Đinh Hữu Phí đưa ra lời khuyên, nếu có nhu cầu thành lập mới, mở rộng hoặc phát triển một số sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp cần biết cách khai thác các thông tin SHTT đã có sẵn để tăng hiệu quả và giảm chi phí.
“Hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp, ươm tạo hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tên thương mại hoặc sở hữu một hay nhiều nhãn hiệu. Một số doanh nghiệp sở hữu các đối tượng của quyền SHTT khác như: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh... Chúng ta nên cân nhắc việc bảo hộ những đối tượng này” - ông Phí chia sẻ.