Kỷ niệm 70 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (17/4/1948 - 29/8/1988), nhà xuất bản Trẻ ấn hành sách Di cảo Lưu Quang Vũ, do PGS.TS. Lưu Khánh Thơ, người em gái của Lưu Quang Vũ, tuyển soạn.

Đây là lần thứ 2 di cảo này đến với đông đảo bạn đọc. Lần trước, nhân kỷ niệm 60 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất, di cảo đã được ấn hành bởi nhà xuất bản Lao động. Tuy vậy, có thể nói, với mỗi lần xuất hiện hay xuất hiện trở lại, sáng tác của Lưu Quang Vũ đều tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc.


Di cảo Lưu Quang Vũ gồm ba phần. Phần thứ nhất là Nhật ký, dưới tên “Mùa hoa phượng và nhật ký lên đường”, trích in nhật ký của Lưu Quang Vũ trong ba năm học cấp ba cho tới những ngày đầu tiên nhập ngũ (21/2/1963 - 8/10/1965). Phần thứ hai là Thơ, dưới tên “Những bông hoa không chết”, gồm các bài thơ được sáng tác và chỉ chép trong sổ tay thời gian 5 năm đầu Lưu Quang Vũ xuất ngũ (1971-1975). Một số bài thơ được công bố thêm ở phần này. Phần thứ ba là Phụ lục, tuyển một số bài viết của bạn bè về con người và sự nghiệp Lưu Quang Vũ (họa sĩ, NSƯT Bùi Vũ Minh; nhà thơ Anh Chi; nhà phê bình, nhà văn Ngô Thảo; nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên).

Nhật ký của Lưu Quang Vũ, trong những năm hoa niên mười lăm mười bảy, khẳng định một tài năng trẻ. Ở đấy, tài năng đã hiển lộ, trong các sáng tác hoàn thiện, chủ yếu là thơ, và trong cả các phiến đoạn, phác thảo về cuộc sống và con người. Song quan trọng hơn, nhật ký cho người đọc thấy cội rễ tài năng Lưu Quang Vũ. Ông chịu ảnh hưởng rất lớn từ người cha - nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Người cha nghệ sĩ ấy rất tôn trọng cá tính của con trai, rèn giũa, khích lệ, để hình thành ở con một nghệ sĩ chân chính, một công dân mẫu mực. Nhật ký ghi lại lời cha dặn: “Con muốn làm nghệ sĩ, nhà văn, họa sĩ, hay nhà thơ, thì trước nhất, con hãy làm người đi đã”.

Ở một chỗ khác, qua thư, ông động viên con trai, lúc này đã trưởng thành và đang gặp những trục trặc cuối đời quân ngũ: “Con là con trai lớn của bố mẹ. Con ra đời gặp sóng gió, bố mẹ rất đau lòng. Nhưng bố mẹ luôn mong mỏi và tin rằng con sẽ vượt qua. Một lần vấp ngã là một lần rút ra bài học cho mình. Cốt nhất là con không được buông xuôi, không được chán nản. Việc in ấn con đừng ngại, đừng sốt ruột. Vẫn phải tin, vẫn phải làm việc, vẫn phải hi vọng, ngay cả trong những lúc mà chỉ sống thôi cũng đã là một việc khó khăn …”1

Bản thân Lưu Quang Vũ cũng có cái nhìn chính xác đến khắt khe, thẳng thắn và nhân hậu về cuộc sống như thế. 15 tuổi giành giải Nhất thi văn toàn thành phố Hà Nội; 18 tuổi lọt vào mắt xanh nhà phê bình Hoài Thanh; 20 tuổi in tập thơ đầu tay (Hương cây - Bếp lửa, chung với Bằng Việt), được nhà phê bình Lê Đình Kỵ ngợi khen;… tất cả những kết quả tốt đẹp ấy, đọc trong nhật ký, thấy Lưu Quang Vũ đã ươm ủ từ những trang ghi chép thường ngày của mình.

Nhưng chỉ sau vài năm nhập ngũ, xuất ngũ, va đập với chiến tranh và cuộc đời, hiện lên một Lưu Quang Vũ khác hẳn. Lưu Quang Vũ nhanh chóng tách ra khỏi dàn đồng ca những nhà thơ trẻ thời chống Mỹ, lạc quan, trong trẻo, tươi vui, để vùi sâu trong những vần thơ dữ dội, đau đớn, u buồn, xót xa. Phần thứ hai của cuốn sách, những bài thơ đặt dưới tên chung: Những bông hoa không chết, cùng với Cuốn sách xếp lầm trang, một tập thơ di cảo khác được biết đến sớm hơn, là một tiếng thơ khác hẳn, khi nhìn nhận về chiến tranh và cuộc đời, mà rất nhiều trong số đó, có thể định danh rõ ràng là “thơ phản chiến”. Tính chất phản chiến, sự buông bỏ ngợi ca, ý thức khắc sâu vào nỗi đau và đổ vỡ, tôn trọng tâm sự và cảnh ngộ cá nhân,… có lẽ tất cả những lý do đó đã khiến cho những dòng thơ này được Lưu Quang Vũ viết ra chỉ để dành cho mình, chịu số phận câm lặng trong hộc bàn, sổ tay, không thể và không được công bố rộng rãi.

Chỉ đến khi ông rời khỏi cõi trần ai này, trong không khí của cuộc Đổi mới, Vũ Quần Phương - một tiếng thơ chống Mỹ cùng thời với Lưu Quang Vũ, được tiếp xúc với Cuốn sách xếp lầm trang, đã “sửng sốt” mà nhận ra rằng “đây là một Lưu Quang Vũ khác, một Lưu Quang Vũ mà bạn bè còn ít biết tới. Ở đây anh cô đơn hơn, cay đắng hơn và nhiều ý nghĩ của anh bế tắc quá. Nhưng cũng chính ở đây anh viết thực chân thành, trái tim trần trụi nhoi nhóp đập sau nét chữ mảnh mai như chữ con gái - chưa bao giờ tôi thấy thơ Lưu Quang Vũ chân thành đến tàn nhẫn với chính mình như ở tập này. Anh ghi lên giấy tất cả những gì đã có ở lòng anh, không cần biết những ý tình ấy có phù hợp hay không với thời cuộc. Lưu Quang Vũ không gửi đăng ở đâu. Anh viết cho anh thôi, cho nhu cầu của riêng anh, trước hết. Nhưng chắc chắn anh tin rằng tập thơ sẽ có lúc được xuất bản vì một lý do đơn giản: nó hay, hay vì nó đã diễn đạt tinh vi được một tâm trạng mà tâm trạng đang cảm xúc cao độ những gì nó đang sống.”2

Ngày nay, thời gian lùi xa hơn, người đọc ít “sửng sốt” hơn, nhưng thấm thía sâu hơn, nhiều hơn, tình yêu và nỗi đau làm người lính, làm người trong nỗi bi ai của dân tộc mà Lưu Quang Vũ nhận thấy và lên tiếng.

Kỷ niệm 70 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ trong tháng 8 sẽ có 2 sự kiện: tại Nhà hát Lớn Hà Nội, là một Chương trình nghệ thuật tưởng niệm Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh do gia đình nhà thơ và báo Nông thôn ngày nay tổ chức; và tại Đà Nẵng quê hương Lưu Quang Vũ, là Hội thảo Cuộc đời và sự nghiệp văn học Lưu Quang Vũ, do Viện Văn học và Đại học Duy Tân phối hợp tổ chức.

1- Lưu Khánh Thơ: “Cha tôi - những dấu ấn không thể phai mờ”, trong Nhiều tác giả: Cha và Con - Tình cha con của những người nổi tiếng. (PGS.TS. Lưu Khánh Thơ chủ biên). Nxb. Trẻ, Tp.HCM., 2017, tr160.

2- Vũ Quần Phương: “Đọc thơ Lưu Quang Vũ”. Tạp chí Văn học, số 4, (7+8/1989), tr.39-40.