Khoảng cách Đông Tây
Trường Đại học Humbolt Berlin - Đức và Đại học Warszawa – Ba Lan có rất nhiều điểm tương đồng. Cả hai trường đại học cùng được thành lập trong thập niên 1810. Cả hai cùng đào tạo ra những nhà trí thức xuất sắc của nhân loại từ lĩnh vực chính trị, nghệ thuật và khoa học: Karl Marx và Otto von Bismarck tốt nghiệp trường Humboldt, trong khi Warszawa có 5 người được giải Nobel bao gồm nhà văn Henryk Sienkiewicz – tác giả của Quo Vadis – hay nhà thơ Czesław Miłosz – người với những vần thơ chiến đấu chống chủ nghĩa độc tài.
Hai trường Warszawa và Humboldt thậm chí có vẻ hơi giống nhau: cùng được đặt ở trung tâm lịch sử hai thành phố đặc trưng với các tòa nhà Tân cổ điển màu kem điểm xuyết bởi các bức tượng kiểu La Mã. Số phận của hai ngôi trường tiếp tục song hành dưới các thể chế cộng sản trước khi bước vào thế giới hậu cộng sản vào đầu những năm 90.
Nhưng cũng kể từ đó, con đường phát triển của họ ngày càng khác biệt. Theo danh sách xếp hạng các trường Đại học của Times Higher Education (THE), đại học Warszawa thuộc về nhóm hạng 501-600, trong khi Đại học Humboldt đứng thứ 62 thế giới. Từ khi Hội đồng Nghiên cứu Khoa học châu Âu thành lập năm 2007, Warszawa giành được 13 tài trợ nhưng chỉ có một là tài trợ nghiên cứu cao cấp dành cho nhà nghiên cứu xuất sắc – trong khi đó với 14 tài trợ của Humboldt thì đã có 6 là tài trợ cao cấp.
Khoảng cách này là hiện tượng chung ở các nước XHCN Đông Âu cũ bất chấp các nỗ lực trong gần 30 năm qua – đặc biệt từ khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của các nước này nhằm bắt kịp về trình độ khoa học với phần còn lại của châu Âu.
Tòa nhà Cung Văn hóa và Khoa học ở Warszawa được xây dựng năm 1955 là trụ sở của Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan. Nguồn: Collegium Civitas
Điều này là rất ngạc nhiên vì trên thực tế cả 13 nước Đông Âu trong EU (EU13) đã tiến những bước dài trong phát triển kinh tế từ khi gia nhập Liên minh năm 2004. Số liệu về sức mua tương đương bình quân cho thấy: Người dân Séc và Slovenia giờ có mức sống sát mức trung bình EU và cao hơn của Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Số liệu của World Bank cũng cho thấy GDP Ba Lan đang vượt lên trên Hy Lạp với tỷ lệ tăng trưởng đáng kinh ngạc 4,6% năm 2017. Ở Warszawa, những tòa nhà cao tầng liên tục mọc lên trên đường chân trời khiến Berlin giờ trông chỉ như thành phố tỉnh lẻ.
Chỉ số trích dẫn có trọng số trong từng lĩnh vực của Ba Lan, Rumani và Séc đều đạt điểm thấp hơn nhiều các nước Áo, Đức và Italia; con số này cao hơn ở Hungari và Slovenia nhưng vẫn ở sau Đức.
Hai con đường khác biệt
Vậy thì vì sao Đại học Humboldt – và hệ thống đào tạo nghiên cứu ở Đông Đức nói chung – thành công trong quá trình “hội nhập” trong khi Đại học Warszawa và hệ thống Ba Lan vẫn bị kẹt ở “quá khứ”? Lý giải điều này giúp ta có thể khẳng định các nước Đông Âu cần làm gì để có thể bắt kịp với phía tây.
Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, “Đông Đức đã thực hiện những cải cách triệt để hơn hẳn các nước Đông Âu khác”, theo Peer Pasternack, chuyên gia về lịch sử giáo dục hậu cộng sản và giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thuộc Đại học Martin Luther tại Halle-Wittenberg – Đức giải thích.
Phiên họp của Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan. Nguồn: Science in Poland.
Trước hết, các ủy ban được thành lập để xem xét sự trung lập chính trị của các giáo sư, như tiền sử dính líu của họ với hoạt động do thám của Cơ quan Mật vụ Đông Đức cũ (Stasi). Theo nghiên cứu của Pasternack, 1 trong 10 giáo sư ở Humboldt đã bị sa thải vì lý do chính trị, như trường hợp tân hiệu trưởng Heinrich Fink bị bãi nhiệm sau khi bị cáo buộc từng hợp tác với Stasi. Các giáo sư Đông Đức – với một vài ngoại lệ, đều phải nộp đơn để ứng tuyển vào vị trí cũ của mình, do đó phải cạnh tranh với các ứng viên từ Tây Đức – nơi mà tình trạng “dư thừa” khiến các nhà nghiên cứu trẻ không thể xin được vào các vị trí cao cấp. Điều này khiến rất nhiều các giáo sư Đông Đức bị mất việc làm vào tay người phía Tây.
Số liệu cho thấy, cho đến năm 1997, các giáo chức cũ chỉ còn giữ được 16% các vị trí ở trường Humboldt. Hệ thống đào tạo nghiên cứu ở Đông Đức cũ bị sáp nhập hoàn toàn vào hệ thống và mô hình Tây Đức. Các viện nghiên cứu Tây Đức cũng di chuyển về phía Đông: Hệ thống Viện Max Planck – mạng lưới các viện nghiên cứu cơ bản hàng đầu của Tây Đức thành lập sau Thế chiến II thành lập thêm 18 viện nghiên cứu mới ở Đông Đức cũ, thậm chí còn chuyển trụ sở chính thức sang Berlin (dù hoạt động điều hành vẫn duy trì ở Munich).
Maciej Duszczyk, phó hiệu trưởng nghiên cứu và đối ngoại Đại học Warszawa - từng làm việc ở Leipzig sáu tháng trong năm 1992 - vẫn nhớ đến ngày các giáo sư Đông Đức mất việc làm và bị thay thế bởi các nhà nghiên cứu từ phía Tây. Nhưng ở Ba Lan, con đường tương tự là “hoàn toàn không thể” vì hiển nhiên không có Tây Ba Lan nào để làm nhân tố thúc đẩy chuyển đổi.
Cũng không có Tây Ba Lan nào để cung cấp nguồn tài chính cần thiết để duy trì hoạt động nghiên cứu, như cách Tây Đức đã tài trợ ước tính 2 nghìn tỷ Euro từ năm 1990 đến 2014 cho các cơ quan khoa học ở Đông Đức. Ngược lại, các bất ổn kinh tế chung ở Đông Âu trong những năm 90 không cho phép các trường đại học Ba Lan có điều kiện đổi mới nhân lực cần thiết.
Giáo sư Renata Siemieńska tại Viện nghiên cứu xã hội Robert Zajonc thuộc Đại học Warszawa vẫn còn nhớ việc cơ quan bà đã đưa về “nhiều người trẻ tuổi, sáng dạ” nhưng sau cùng họ buộc phải tìm việc phụ để kiếm sống như ở các cơ sở giáo dục tư nhân nổi lên dưới chính sách tự do hóa. Các nhà nghiên cứu không có thời gian để phát triển đúng kỹ năng nghiên cứu, như bà mô tả: Một người phải nhận đến 17 công việc khác nhau; vài người khác thì di cư. “Đó là một thời cùng cực”.
Những người từ “thế hệ mất mát” đó không thể phát triển được nguồn lực khoa học của bản thân và giờ đây, khi đã đến tuổi trung niên và không giành được các vị trí cố định ở các cơ quan nghiên cứu, đã phải từ bỏ chuyên môn của mình.
Thực tế Ba Lan sau khi chuyển đổi đã bỏ rơi định hướng nghiên cứu để chú trọng vào cải cách sư phạm. Như lời GS. Duszczyk: “Không có đủ nhân lực được đào tạo tốt” thì sẽ “không thể nào” chuyển đổi sang mô hình mới. Ba Lan khi đó rất cần đào tạo một lực lượng nhân lực có khả năng vận động trong thể chế dân chủ và kinh tế thị trường. Đồng ý với ý kiến này, Jerzy Duszyński, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan (PAN) cũng chỉ ra rằng Ba Lan đã đạt được những thành tựu lớn trong việc gia tăng tỷ lệ người tham gia giáo dục đại học từ 8% năm 1989 đến 43% hiện nay.