Chúng tôi đồng ý với đa phần những luận điểm của nhà nghiên cứu này về việc người phụ nữ đã gánh trên vai nền kinh tế làng xã trong giai đoạn chế độ phong kiến, khi đàn ông Nho sĩ chỉ tập trung học hành, thi cử rồi đỗ đạt ra làm quan. Quá trình học hành thi cử kéo dài rất tốn kém và họ cần người phụ nữ làm cột trụ kinh tế. Nếu không may thi hỏng, rồi thi hỏng mãi, họ sẽ làm những ông tú, ông đồ dạy học, chủ yếu cho thỏa chí đam mê chữ nghĩa, còn kinh tế vẫn nhờ cậy đến vợ. Trong trật tự xã hội, người buôn bán cũng bị xếp hàng cuối: sĩ, nông, công, thương. Chính vì vậy, mua bán mọi thứ ở chợ luôn được mặc định dành cho đàn bà. Không chỉ Nho sĩ, cả những người đàn ông làm nông nghiệp cũng chỉ tham gia cày cấy rồi chơi bời ở các hội hè như đua ghe, đá gà, hoặc lên đô thị làm thuê, chứ không tham gia vào thương nghiệp.
Chính vì quan niệm văn hóa này, chợ trở thành không gian của những người đàn bà. Điều tra xã hội học của Nguyễn Mạnh Tiến với các chợ làng truyền thống còn tồn tại đến ngày nay cho thấy sự có mặt của nam giới cũng vô cùng hạn chế. Chẳng hạn, ở chợ Phủ Quốc Oai (Hà Nội) cuối năm 2013, nữ giới bán hàng chiếm 182 trong tổng số 189 người (tương đương 96,29%). Cả một chợ truyền thống vài trăm gian hàng buôn bán số lượng đàn ông tham gia chợ chỉ chiếm trên đầu ngón tay, gói gọn vào trong một số mặt hàng buôn bán sang trọng, chiếu trên (buôn vải) hoặc cần đến sức mạnh cơ bắp (thợ rèn).
Người Việt thường họp chợ ở khoảng đất rộng bên cạnh hoặc trước cửa đình, cửa chùa. Trong ảnh: Chợ Giá, Hoài Đức, Yên Sở, ngày 27 Tết Mậu Tuất. Ảnh: Lê Thiết Cương
Từ những dữ kiện trên, chúng ta mới hiểu sâu sắc hơn tại sao người đàn ông phong kiến lại nhấn mạnh “Trai khôn tìm vợ chợ đông”. Kinh nghiệm này vừa hạ thấp đàn bà, tức những người chỉ gắn với môi trường buôn bán kẻ chợ, nhưng cũng bao hàm sự thừa nhận vị trí tối quan trọng của người đàn bà – những kẻ “tay hòm chìa khóa” đóng vai trò nội tướng trong gia đình.
Trong không gian chợ, người phụ nữ là chủ thể tuyệt đối, do đó, nền văn hóa chợ cũng là nền văn hóa được kiến tạo từ căn cước bản sắc đàn bà. Trong Sống đời của chợ, Nguyễn Mạnh Tiến đã đưa ra lập luận khá vững chắc và hợp lý chứng minh cho “nhân vị đàn bà” của chợ. Các tổ hợp chợ - chùa (không gian đặc hữu của phụ nữ) luôn chiếm ưu thế hơn so với tổ hợp chợ - đình (không gian đặc hữu của đàn ông). Sự kết hợp mang tính văn hóa giữa chợ với chùa tưởng chừng như đối lập, khó xảy ra bởi một bên buôn bán xô bồ tấp nập với một bên trang nghiêm, thờ cúng tâm linh lại hiện hữu một cách độc đáo trong lịch sử Việt Nam. Nguyễn Mạnh Tiến nhận định: “Nhìn từ góc độ giới, chợ là của đàn bà, chùa cũng là của đàn bà còn đình là của đàn ông, vì thế, các nguyên tắc nữ dễ kết hợp với nhau hơn vì “đồng chất”, chợ - chùa do đấy là tổ hợp phổ biến”.
Trên một phương diện khác, những hành vi giải vía hoặc gây sức ép lên người mua của những người đàn bà bán buôn ở chợ cũng đáng chú ý và nghiên cứu. Chúng ta hẳn ai cũng từng đi chợ và chứng kiến, nếu không phải là nạn nhân trực tiếp, của những hành vi có tính “nghi lễ” tâm linh này. Nếu ta trả giá mà không mua, trả giá quá thấp, chê hàng của những người đàn bà ở chợ, họ sẽ ngay tập tức đốt vía hoặc chửi độc. Trong Sống đời của chợ, tác giả cung cấp cho chúng ta nhiều dữ kiện thú vị về việc đốt vía như rút cọng rơm cắt thành nhiều mảnh (bảy với nam và chín với nữ) rồi tiến hành đốt vía kèm theo một bài thơ giải xui “đốt vía, đốt van, - đốt thằng rắn gan – đốt con rắn ruột, - lành vía thì ở – dữ vía thì đi”…
Văn hóa chợ còn thấm đẫm tinh thần nữ giới ở chỗ nơi đây là chốn cư ngụ của những người ăn xin, kẻ tật nguyền, người già, người vô gia cư hoặc có vấn đề về tâm thần. Nếu như đình làng hay những cơ quan công quyền như phủ quan cấm các đối tượng bên lề nói trên, bởi các địa điểm ấy đại diện cho sức mạnh, sự tôn nghiêm của nam giới, thì chợ, với văn hóa mẫu quyền, sẵn sàng chấp nhận và dung chứa, cưu mang họ bằng việc lập quỹ riêng, hoặc những người đi chợ (đa phần là phụ nữ) cũng thường xuyên bố thí giúp đỡ nuôi sống họ. Phụ nữ luôn dễ đồng/duy cảm hơn trong tư duy và hành động so với nam giới.
“Cửa chợ, vì thế, là rộng mở, mở toang, cho tất cả những người khốn khó, tội tình của làng mạc… Đình – biểu tượng về nam quyền, Nho giáo ở làng, đã/đang là biểu tượng cho làng mạc về quyền lực… nhưng khó có thể là đại diện cho nền dân chủ và nhân bản làng mạc. Đứng đại diện cho nền dân chủ và nhân bản làng mạc, vinh dự đó, hẳn phải thuộc về chợ - biểu tượng của đàn bà”, như tác giả viết.