Năm 2016, một chương trình AI được tạo ra bởi nhà nghiên cứu Hitoshi Matsubara và nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Hakodate, Nhật Bản đã viết một cuốn tiểu thuyết mang tên “The Day A Computer Writes A Novel” (tạm dịch là “Thời đại máy tính viết tiểu thuyết”).
Cuốn tiểu thuyết này đã vượt qua vòng loại khi mang đi dự thi giải thưởng văn học Nikkei Hoshi Shinichi và không ai nhận ra đây là một tác phẩm do AI sáng tác. Thơ ca nhạc họa giờ đây không chỉ còn là lĩnh vực riêng của con người.
Robot Shimon do Mason Bretan - một nghiên cứu sinh tại Học viện Công nghệ Georgia (Hoa Kỳ) tạo ra, có khả năng tự sáng tác và biết chơi marimba (mộc cầm). Về hội họa, những bức tranh AI sáng tác đã được giám khảo đánh giá rất cao trong cuộc thi Robot vẽ tranh nghệ thuật (Robot Art Contest) ở Hà Lan năm 2016. Tại Hội thảo chuyên đề về trí tuệ nhân tạo với sáng tác văn học diễn ra tại Bắc Kinh vào cuối năm 2017, robot ảo Xiaoice do Microsoft phát triển đã sáng tác tập thơ “Ánh sáng khuất sau cánh cửa kính” và được xuất bản – đây là tập thơ đầu tiên do AI sáng tác trong lịch sử loài người.
Robot Shimon chơi marimba ở Moogfest. Nguồn: Quartz
Cuộc tranh cãi bản quyền
Trong một cuộc khảo sát vào năm 2017, khoảng 50% các chuyên gia AI phản hồi rằng họ tin rằng AI sẽ có thể thực hiện tất cả các nhiệm vụ của con người vào năm 2060.
Khi AI có thể tự sáng tạo, nó cũng kéo theo một cuộc thảo luận về vấn đề bản quyền đối với sản phẩm do AI tạo ra. Liệu nó nên thuộc về đối tượng trực tiếp tạo ra sản phẩm - AI, hay thuộc về con người - chủ thể tạo ra AI, nhân tố quyết định tới khả năng của AI, qua đó gián tiếp tạo ra sản phẩm sáng tạo.
Một vụ tranh cãi như vậy đã xảy ra ở Úc đối với những bức ảnh do Google Clips tạo ra. Sản phẩm Google Clips về bản chất là một chiếc camera AI nhỏ chuyên tự ghi lại những khoảnh khắc mà nó nghĩ là “vui”. Như vậy, ai (hay thứ gì) mới sở hữu bản quyền của những bức ảnh do AI tạo ra này? Luật pháp Úc quy định người chụp ảnh sẽ là người sở hữu quyền tác giả. Như vậy cả người sở hữu thiết bị và Google đều không có bản quyền với các bức ảnh này. Ngay cả Google Clips cũng không có quyền, bởi nó không phải là “người”. Có vẻ trong trường hợp này, việc bỏ ra gần 6 triệu VNĐ để sở hữu Google Clips không được “kinh tế” cho lắm, bởi bức ảnh từ thiết bị của bạn lại không thuộc về bạn.
Quan điểm của Úc là luật bản quyền chỉ bảo hộ đối tượng là người, thay vì một chiếc máy. Một số quốc gia khác như Thụy Điển, Tây Ban Nha cũng có quan điểm tương tự. Trong khi đó, tại Anh, Ireland hay Tây Ban Nha, những tác phẩm được tạo ra bởi máy móc sẽ được cấp tác quyền và bản quyền này thuộc về “cá nhân thực hiện những điều chỉnh cần thiết trong hoạt động sáng tạo tác phẩm” (Điều 9.3, Luật Bản quyền, Thiết kế và Sáng chế của Anh năm 1988). Một số quốc gia như Mỹ lại để mở vấn đề này.
Robot vẽ chân dung tự họa, Johan Scherft. Nguồn: TheFamily
AI có cần được khuyến khích như con người?
Các chuyên gia cho rằng câu hỏi quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm do AI tạo ra thuộc về ai, không đơn thuần là câu hỏi học thuật. Về khía cạnh kinh tế, điều này sẽ ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư cho AI - các công ty sẽ chần chừ khi bỏ hàng triệu USD phát triển học máy, tạo ra AI có thể viết nhạc, vẽ tranh - nhưng những tác phẩm này lại là “của chung”.
Về khía cạnh xã hội, luật sở hữu trí tuệ được đặt ra để khuyến khích hoạt động sáng tạo - tác giả nhận được quyền và lợi ích xứng đáng với công sức, tiền bạc đã bỏ ra để tạo ra sản phẩm. Các quy định về quyền sở hữu trí tuệ thỏa mãn nhu cầu về vật chất - được thương mại hóa sản phẩm, và tinh thần – được đứng tên trên tác phẩm, đây đều là những nhu cầu cơ bản của con người.
Tuy nhiên, AI không giống vậy. Nó không có các nhu cầu sinh lý (ăn uống ngủ nghỉ,…) và tâm lý (khẳng định bản thân, được tôn trọng,…) như con người, do vậy những luật dựa trên nhu cầu của con người sẽ không thích hợp cho AI. Kể cả có trao quyền tác giả cho AI hay không thì nó vẫn tiếp tục sáng tạo – bởi nó được lập trình để làm thế, lúc này giá trị khuyến khích của luật không còn nữa – luật sẽ thành vô ích.
Tuy nhiên, đây là trong hiện tại, khi công nghệ học máy (machine learning), học sâu (deep learning) phát triển hơn, AI ngày càng độc lập hơn với con người và có thể tự do đưa ra các quyết định của mình, thì giới hạn giữa AI và con người sẽ bị kéo gần lại. Trong trường hợp đó, những lý luận bây giờ về việc trao hay không trao quyền sở hữu cho AI có thể sẽ phải xem xét lại.
GS. David Gunkel ở ĐH Northern Illinois cho rằng theo tiến trình lịch sử, những gì từng bị gạt bỏ sẽ được công nhận lại- ví dụ như trước đây phụ nữ và trẻ em từng không có quyền công dân ở thời Athens cổ. Mở rộng ra, có lẽ sẽ đến thời máy móc được ghi nhận các quyền giống như con người, trong đó có cả quyền sở hữu. Điều này là hoàn toàn có khả năng, khi ít nhất là Sophia đã có quyền công dân ở UAE.