Các chủng virus đậu khỉ thường được gọi là chủng Tây Phi và chủng lưu vực Congo.
“Trong bối cảnh
bùng phát đậu khỉ toàn cầu hiện nay, việc tiếp tục gọi tên và đặt danh pháp cho virus này dựa trên các địa danh châu Phi vừa không chính xác mà còn mang tính kỳ thị và phân biệt đối xử,” 29 nhà nghiên cứu từ 11 quốc gia viết trong một bản khuyến nghị trên virological.org. Họ kêu gọi cộng đồng quốc tế “nhanh chóng lựa chọn và sử dụng một cái tên mới".
Nhiều năm trước, các nhà nghiên cứu đã chia virus đậu khỉ thành các “nhánh” Tây Phi và Congo, vì virus đậu khỉ lưu hành ở hai khu vực này có các dấu hiệu bộ gen khác nhau và độc tính khác nhau.
Virus đậu khỉ đang lây lan có nhiều điểm tương đồng với virus đậu khỉ ở khu vực Tây Phi, thường gây bệnh nhẹ hơn. Nhưng một số nhà nghiên cứu lập luận rằng các chủng hiện đang lây lan trên khắp thế giới thực ra là một nhánh thứ ba riêng biệt, bắt nguồn từ châu Âu và có các đặc điểm khác với hai nhánh đã biết. “Rõ ràng là virus này có liên quan, nhưng theo một cách rất khác,” nhà sinh vật học tiến hóa Tulio de Oliveira tại Đại học KwaZulu-Natal, đồng tác giả bản khuyến nghị, cho biết.
Cụ thể, các đợt bùng phát bệnh đậu khỉ xảy ra ở Châu Phi khi virus lây lan trong quần thể động vật (phổ biến nhất là loài gặm nhấm, không phải khỉ), tạo thành những ổ chứa mầm bệnh và sau đó tràn sang người. Nhưng các ca nhiễm trên toàn cầu hiện nay không có mối liên hệ nào với động vật. Ở châu Âu, nơi phát hiện những bệnh nhân đầu tiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy virus đã lây truyền giữa người với người trong nhiều tháng. “Virus này đã thích nghi với việc sử dụng vật chủ là con người. Nguồn thực sự của sự bùng phát này chủ yếu là châu Âu và sau đó lây lan sang khắp mọi nơi trên thế giới,” Oliveira nói.
Ảnh hiển vi điện tử virus đậu khỉ chưa trưởng thành (bên phải) và trưởng thành (trái).
Do đó, Oliveira và các đồng tác giả đề xuất sử dụng tên hMPXV cùng với một chữ số. Trong đó hMPXV viết tắt cho bệnh đậu khỉ ở người, và chữ số thể hiện nơi đầu tiên phát hiện nhánh virus. Số 1 đại diện cho lưu vực Congo, 2 cho Tây Phi và 3 cho châu Âu - nơi phát hiện chủng hiện tại. Nhóm đã thảo luận các ý tưởng của mình với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ủy ban Quốc tế về Phân loại virus (ICTV).
Tình huống này tương tự với một số bệnh và mầm bệnh khác trước đây. Các chủng SARS-CoV-2 vào đầu đại dịch được gọi theo địa danh là chủng Vũ Hán hoặc chủng Nam Phi, nhưng sau đó cộng đồng quốc tế đã chuyển sang gọi tên các chủng SARS-CoV-2 bằng các chữ cái tiếng Hy Lạp (chủng Alpha, Beta, Delta hay Omicron). Tương tự, nhóm Oliveira muốn xây dựng một “hệ thống danh pháp thực tế và trung tính” cho bệnh đậu khỉ.
Việc đặt tên virus theo địa lý đã
gây ra những hậu quả tiêu cực. Biến thể Beta của virus SARS-CoV-2, do Oliveira và các nhà nghiên cứu Nam Phi mô tả đầu tiên, từng được gọi là chủng Nam Phi, dẫn đến lệnh cấm đi lại với Nam Phi, gây thiệt hại kinh tế mà không có tác dụng ngăn chặn dịch bệnh. Nếu tiếp tục lấy tên địa danh làm tên virus, các khu vực sẽ tìm cách che giấu khi họ phát hiện ra một loại virus mới do lo ngại kỳ thị từ cộng đồng quốc tế, Oliveira nhấn mạnh.
Mặc dù WHO từ lâu đã khuyến cáo không đặt virus tên dựa trên địa lý, nhiều loại virus trong Danh sách các loài virus chính của ICTV vẫn mang kiểu tên này. Virus Ebola được đặt theo tên một con sông ở Cộng hòa Dân chủ Congo, và được chia thành các chủng Sudan và Zaire, đều là các địa danh. Oliveira nói rằng đã đến lúc suy nghĩ lại về tất cả tên virus. “Đó là cách làm trong quá khứ, nhưng tôi không nghĩ đó là cách làm đúng," Oliveira nói.
Nguồn: