Vào năm 2021, con người đã thải ra 36 tỷ tấn khí khiến Trái đất nóng lên vào bầu khí quyển, nhiều hơn so với bất kỳ thời điểm nào trước đó. Tình trạng này là do đốt dầu mỏ, khí đốt và than đá.
Vào tháng 5/2022, các nhà khoa học cho biết lượng khí carbon dioxide (loại khí khiến Trái đất nóng lên) trong bầu khí quyển đã phá kỷ lục, nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong ít nhất 4 triệu năm. Hiện, lượng khí này đã cao hơn 50% so với mức trung bình ở thời kỳ tiền công nghiệp, trước khi con người bắt đầu đốt dầu mỏ, khí đốt và than đá trên diện rộng vào cuối thế kỷ 19.
Nồng độ loại khí này lên tới gần 421 phần triệu vào tháng năm, mức cao nhất trong năm, khi các nhà máy điện, phương tiện đi lại, trang trại và các nguồn khác trên thế giới tiếp tục bơm một lượng lớn khí carbon dioxide vào bầu khí quyển. Năm 2021,tổng lượng phát thải đạt 36,3 tỷ tấn, đây là mức cao nhất trong lịch sử.
Khi lượng carbon dioxide tăng lên, Trái đất sẽ tiếp tục ấm lên, đi kèm những tác động như lũ lụt xảy ra nhiều hơn, nắng nóng khắc nghiệt hơn, hạn hán và cháy rừng ngày càng trầm trọng, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người trên toàn thế giới. Nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện cao hơn khoảng 1,10C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Mức carbon dioxide ngày càng tăng là bằng chứng cho thấy các quốc gia hầu như không đạt được nhiều tiến bộ đối với mục tiêu đặt ra ở Paris vào năm 2015 là hạn chế tình trạng nóng lên ở mức 1,50C. Các nhà khoa học cho rằng nếu vượt quá ngưỡng này thì biến đổi khí hậu sẽ càng gây ra thêm nhiều ảnh hưởng thảm khốc.
Pieter Tans, nhà khoa học cấp cao tại Phòng thí nghiệm Giám sát Toàn cầu của NOAA, cho biết: “Tuy mức độ carbon dioxide có hạ đôi chút vào năm 2020 trong thời kỳ kinh tế chững lại do đại dịch coronavirus, nhưng điều này không tạo được ảnh hưởng gì đến xu hướng lâu dài. Nồng độ carbon dioxide vẫn tiếp tục tăng lên, với tốc độ y hệt thập niên trước”.
Mức độ carbon dioxide thay đổi trong suốt cả năm, tăng lên khi thực vật chết và phân hủy vào mùa thu và mùa đông, giảm xuống vào mùa xuân và mùa hè khi cây cối phát triển hấp thụ khí này qua quá trình quang hợp. Mức khí này lên đến đỉnh điểm vào tháng năm hàng năm, ngay trước khi thực vật tăng tốc phát triển ở Bắc bán cầu. (Phía Bắc có ảnh hưởng lớn hơn Nam bán cầu vì nơi đây có nhiều diện tích đất và thảm thực vật hơn).
Tiến sĩ Tans cùng cộng sự tại phòng thí nghiệm đã tính toán nồng độ đỉnh điểm trong năm nay là 420,99 phần triệu, dựa trên dữ liệu từ một trạm thời tiết NOAA trên đỉnh núi lửa Mauna Loa tại Hawaii. Từ cuối những năm 1950, nhà khoa học Charles David Keeling của Viện Hải dương học Scripps đã bắt đầu các quan sát ở nơi đây, và phép đo dài hạn này được gọi là Đường cong Keeling.
Các nhà khoa học của Viện Scripps vẫn thực hiện các quan sát tại Mauna Loa theo một chương trình do con trai của tiến sĩ Keeling, Ralph Keeling điều hành. Nhờ sử dụng dữ liệu độc lập này, họ đã tính toán ra nồng độ ở mức 420,78, tương tự như số liệu của NOAA.
Cả hai con số này đều cao hơn khoảng 2 phần triệu so với kỷ lục của năm ngoái. Mức đỉnh này cao hơn 140 phần triệu so với nồng độ trung bình trong thời kì tiền công nghiệp, tức là khoảng 280 phần triệu. Kể từ thời điểm đó, con người đã thải ra khoảng 1,6 nghìn tỷ tấn khí carbon dioxide vào khí quyển.
Để đạt được mục tiêu 1,50C của Thỏa thuận Paris, lượng khí thải phải đạt mức “bằng không” vào năm 2050, tức là các quốc gia phải cắt giảm mạnh, lượng khí thải còn lại phải ngang bằng với mức độ hấp thụ khí carbon dioxide của đại dương và thảm thực vật. Nếu thế giới tiệm cận mục tiêu đó, tốc độ gia tăng mức carbon dioxide sẽ chậm lại và Đường cong Keeling sẽ phẳng.
Tiến sĩ Tans cho biết, nếu loại bỏ được hoàn toàn lượng khí thải, thì Đường cong Keeling sẽ bắt đầu giảm xuống, vì các đại dương và thảm thực vật tiếp tục hấp thụ khí carbon dioxide hiện có trong không khí. Dù diễn tiến chậm hơn, nhưng nồng độ khí này trong không khí sẽ tiếp tục suy giảm trong hàng trăm năm. Tới một thời điểm nào đó, không khí sẽ đạt được trạng thái cân bằng. Thế nhưng, nồng độ carbon dioxide trong cả khí quyển và đại dương sẽ cao hơn mức thời tiền công nghiệp, tình trạng như vậy sẽ duy trì trong hàng nghìn năm.
Qua một chu kỳ dài như vậy, mực nước biển sẽ tăng lên đáng kể do băng ở hai cực tan chảy, đồng thời những thay đổi khác có thể xảy ra, chẳng hạn như lãnh nguyên Bắc Cực biến thành rừng.
Nguồn: nytimes