Hơn 1.000 người ở gần 30 quốc gia hiện đã được xác nhận nhiễm virus đậu khỉ, một bệnh trước đây rất ít khi lây lan bên ngoài châu Phi.

Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng tình hình khó có thể phát triển thành đại dịch toàn cầu, nhưng một số quốc gia - gồm Canada, Vương quốc Anh và Mỹ - đã bắt đầu thực hiện chiến lược "tiêm chủng khoanh vùng" nhằm ngăn chặn virus đậu khỉ lây lan. Cụ thể, họ tiêm vaccine đậu mùa - được cho là có hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ vì hai loại virus có liên quan đến nhau - cho những người đã phơi nhiễm với ca bệnh.

Bệnh đậu mùa là một bệnh nguy hiểm, giết chết khoảng 30% số người mắc bệnh, nhưng đã bị loại trừ cách đây hơn 40 năm. Một số quốc gia vẫn duy trì kho dự trữ vaccine đậu mùa đề phòng virus bị phát tán từ các phòng thí nghiệm lưu giữ mẫu bệnh phẩm, hoặc bị vũ khí hóa học. Ngày nay có hai loại vaccine đậu mùa chính, vaccine đậu mùa thế hệ thứ hai và thế hệ thứ ba - vaccine thế hệ đầu không còn được sử dụng. Mỗi loại đều chứa một loại poxvirus sống, có tên là virus vaccinia, liên quan chặt chẽ với virus đậu mùa. Vaccine thế hệ thứ hai có thể gây ra các tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng do virus vaccinia có khả năng tái tạo trong tế bào người. Vaccine này không được tiêm cho trẻ em, người mang thai, người bị suy giảm miễn dịch hoặc người mắc bệnh chàm; nhưng nó lại chiếm phần lớn trong các kho dự trữ của các nước. Vaccine thế hệ thứ ba thì ít gây tác dụng phụ hơn vì nó chứa một phiên bản virus suy yếu, không thể tự nhân lên.

Một người đàn ông tiêm vaccine đậu mùa tại một phòng khám ở Montreal, Canada, vào ngày 6/6.

Theo CDC và WHO, các vaccine đậu mùa này có hiệu quả chống lại bệnh đậu khỉ khoảng 85%. Cả hai cơ quan đều dựa trên “dữ liệu quá khứ từ châu Phi”, nơi thường xảy ra các đợt bùng phát đậu khỉ trong nhiều thập kỷ qua, để đưa ra ước tính mức độ hiệu quả. Nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo ước tính này không hề chắc chắn.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng hiện nay rủi ro do bệnh khỉ gây ra không đủ lớn để phải cân nhắc tiêm chủng hàng loạt. Nếu virus bắt đầu lây lan ở những nhóm dân cư dễ bị tổn thương như người mang thai hoặc trẻ em, hoặc nếu tỷ lệ tử vong cao hơn dự kiến, thì cân bằng rủi ro - lợi ích đó có thể thay đổi. Bavarian Nordic (Đan Mạch), công ty công nghệ sinh học đã tạo ra vaccine đậu mùa thế hệ thứ ba MVA-BN, cho biết đang nhận được nhiều đơn hàng trên toàn cầu.

Đến nay chưa có trường hợp tử vong nào do bệnh đậu khỉ đã ngoài châu Phi. Tuy nhiên, 4,7% số người mắc bệnh đậu khỉ ở 7 quốc gia ở Tây và Trung Phi vào năm 2022 đã tử vong. Thông thường, bệnh đậu mùa khỉ gây sốt, sưng hạch bạch huyết và đôi khi gây các vết loét chứa đầy dịch lỏng trên da. Nếu không được điều trị, bệnh vẫn có thể khỏi sau vài tuần - đặc biệt là ở nhóm có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Mỹ đã đưa ra phác đồ tiêm vaccine đậu mùa thế hệ thứ hai hoặc thế hệ thứ ba cho những người có nguy cơ phơi nhiễm “cao” hoặc “trung bình”, được định nghĩa là người có “tiếp xúc không được bảo vệ” với da hoặc dịch cơ thể của người bị bệnh đậu khỉ, hoặc đứng trong phạm vi 1,8 mét với người bệnh. CDC cho rằng vaccine đậu mùa có thể bảo vệ chống lại bệnh đậu khỉ nếu tiêm trong vòng bốn ngày kể từ ngày tiếp xúc. Nhưng có rất ít dữ liệu thực tế làm nền tảng cho hướng dẫn này.

Về lý thuyết, tiêm khoanh vùng có thể ngăn ngừa bệnh đậu khỉ, vì nó lây lan chậm so với hầu hết các loại virus khác ở người và có thời gian ủ bệnh dài. Nhưng trên thực tế, tiêm chủng khoanh vùng có thành công hay không còn tùy thuộc vào cơ sở hạ tầng xét nghiệm và truy vết của mỗi quốc gia, cũng như khả năng tiêm chủng nhanh chóng cho những ai tiếp xúc với ca bệnh.

Và việc tìm được người chịu tiêm vaccine cũng không dễ. Tính đến ngày 24/5, chỉ có 15 trong số 107 người tiếp xúc cộng đồng và 169 trong số 245 nhân viên y tế ở Vương quốc Anh chọn tiêm vaccine MVA-BN sau khi có khả năng đã tiếp xúc với bệnh đậu khỉ trong các đợt bùng phát mới đây, theo một báo cáo trên Eurosurveillance.


Nguồn: