Cuốn sách tập trung vào các kỹ thuật giảng dạy có hiệu quả rộng rãi dựa trên việc hội tụ bằng chứng khoa học từ cả khoa học nhận thức và khoa học não bộ, cũng như trải nghiệm lớp học của chính các tác giả.

Trong nhiều năm qua, khi làm việc cùng hàng ngàn giáo viên và hàng chục nhà trường để hướng tới mục tiêu cải tổ, chuyển biến các thực hành sư phạm, thật không khó để nhận ra rằng nhiều đồng nghiệp, bao gồm cả giáo viên và các nhà quản lý, luôn ý thức về sự khác biệt giữa “lớp học truyền thống” và “lớp học hiện đại”. Thế nhưng, chúng ta lại gặp phải khó khăn khi cần phác họa chân dung của các khái niệm “truyền thống” và “hiện đại”. Một mặt, có chút gì đó ẩn ức, tiếc nuối khi ta mô tả những phương pháp “truyền thống”, khiến ta không gọi rõ ra được những điểm cần cải tổ, và bỏ quên cả những điểm ưu việt của nó. Mặt khác, có chút gì đó vội vàng, nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO) khi đề cập đến những cách tiếp cận “hiện đại”, khiến việc áp dụng nhiều khi chỉ dừng lại ở trào lưu. Kết quả là chúng ta có những lớp học rất vui, nhưng không thực sự hiệu quả.
gdgfg
Cuốn sách của ba tác giả - Barbara Oakley, Terry Sejnowski, và Beth Rogowsky - vừa được xuất bản ở Việt Nam. Khóa học Dạy học không theo lối mòn phiên bản Việt cũng sắp được giới thiệu trên Cùng học - nền tảng học tập trực tuyến miễn phí dành cho giáo viên phổ thông.

Trong khoảng hai chục năm qua, chúng ta đã nghe thấy rất nhiều người nói về não trái và não phải, về các bài kiểm tra phân loại trí thông minh, hay gần đây là các biện pháp phân loại và dự đoán năng lực phát triển qua vân tay. Tất cả những niềm tin tưởng chừng có lý ở trên, hóa ra chỉ là những ngộ nhận. Ví dụ, một nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Trường ĐH Utah, đăng trên tạp chí PLOS One năm 2013, chỉ ra rằng không có sự phân chia não bộ theo kiểu “trái-phải” [1]. Nhóm nghiên cứu đã quét bộ não của 1.000 người trong độ tuổi từ 7 đến 29. Họ xem xét hơn 7.000 khu vực não bộ xem có sự khác biệt nào về việc một bên não hoạt động tốt hơn hoặc được kết nối tốt hơn nửa bên kia không, và họ không tìm được bằng chứng nào cho sự phân biệt hai bán cầu não. Trong suốt hàng chục năm, giáo sư Horward Gardner, cha đẻ của học thuyết Trí khôn nhiều thành phần (Multiple Intelligences) vẫn phải liên tục cảnh báo về những bài kiểm tra và đo nghiệm được phóng tác dựa trên học thuyết của ông. Trong lời dẫn cho ấn bản kỷ niệm 10 năm lần đầu xuất bản cuốn Frames of Mind: The Theory of Multiple Intelligences (Cơ cấu Trí khôn: Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn), ông có nói: “Dĩ nhiên, những việc làm như thế khiến tôi không thoải mái – nhưng tôi không thể chịu trách nhiệm về những sự sử dụng hoặc lạm dụng mà theo đó, các quan niệm của tôi bị bất kỳ ai đó đem ra dùng khi tình cờ bắt gặp chúng trên thị trường.” [2] Tương tự, chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm được nhiều chỉ trích về tính ngụy khoa học của phương pháp sinh trắc vân tay. Điều đáng buồn là, chính những khát khao cải tổ và sự thiếu chuẩn bị những nền tảng cơ bản của chính chúng ta, đã tạo ra cơ hội thuận lợi cho những nhầm lẫn có chủ đích như trên.

Khoảng cuối năm 2013, chúng tôi lần đầu biết đến khóa Learning How to Learn (Học cách học) do Giáo sư Barbara Oakley và Giáo sư Terrence Sejnowski thiết kế và giảng dạy trên Coursera. Đến nay, đây là khóa học trực tuyến đại trà mở (MOOC) nhiều người học nhất trên thế giới, với hơn ba triệu người học. Qua khóa học, chúng ta hiểu thêm về những nguyên lý hoạt động học tập của não bộ, nguyên nhân suy giảm động lực, gây trì hoãn, và cách khắc phục chúng. Sau đó, rất mừng là hai cuốn sách của Giáo sư Barbara, Learning How to Learn (Học cách học), và A Mind For Numbers: How to Excel at Math and Science (Cách chinh phục toán và khoa học) đã có bản dịch tiếng Việt. Thông điệp của Barbara xuyên suốt những công trình này rất rõ ràng: “Bộ não con người có những khả năng tuyệt vời, nhưng nó lại không đi kèm hướng dẫn sử dụng.”

Trong các cuốn sách trước, Barbara và cộng sự đã trình bày, giới thiệu các kỹ thuật cơ bản để sử dụng bộ não hiệu quả hơn vào nhiều khía cạnh của việc học cũng như trong cuộc sống. Trong cuốn sách tiếp theo - Dạy học không theo lối mòn, chúng ta có cơ hội hiểu sâu hơn về cơ chế hoạt động của não bộ dưới lăng kính của người giảng dạy.

Cụ thể, cuốn sách giúp chúng ta, với vai trò những nhà sư phạm, trong việc: (i) tạo và duy trì động lực để học sinh tham gia vào việc học, kể cả với việc học trực tuyến; (ii) giúp học sinh tối ưu hóa và cải thiện năng lực tiếp thu, lưu trữ các thông tin kiến thức lâu dài, thay vì quên ngay tắp lự sau bài kiểm tra; và (iii) thiết kế các trải nghiệm sư phạm hòa nhập cho một lớp học đa dạng, nơi mỗi học sinh đều có những khả năng khác nhau.

Có lẽ, đó là nền tảng cơ bản cho những cải tổ thực sự, bền vững mà chúng ta mong muốn, nhất là trong bối cảnh xã hội ngày càng thay đổi nhanh chóng và phải thích ứng với những biến cố ngoài tầm kiểm soát như COVID-19.

Cuốn sách này cũng thực sự hữu ích cho những nhà quản lý giáo dục và hoạch định chính sách, bởi nó sẽ dẫn lối cho những quyết sách hướng-về-việc-học, thay vì hướng-theo-trào-lưu hay cơ sở vật chất.

Nếu bạn không phải là một nhà giáo, thì cuốn sách này cũng có thể giúp bạn hiểu và giúp đỡ con mình trên con đường học tập, và thậm chí, giúp đỡ cho nhân viên, đồng nghiệp của bạn trong các hoạt động mỗi ngày.

“Hãy cùng nhìn lại một chút. Đã từ rất lâu, dạy học được gọi là một nghệ thuật, nhưng nghệ thuật dạy học vẫn rất khó nắm bắt… Hầu hết giáo viên đều muốn trở thành người thầy tốt nhất trong khả năng của họ. Nhưng một cách tự nhiên, họ bị cuốn vào việc dạy theo cách mà họ đã được dạy. Thật không may, cách mà họ được dạy, cũng chính là cách mà những người thầy của họ được dạy, lại không hẳn là phù hợp với những gì học sinh cần học ngày nay.

“Khoa học thần kinh rất quan trọng, bởi nó có thể cho chúng ta cái nhìn trực diện sâu sắc về nền tảng của học tập và giáo dục hơn bất kỳ ngành nào khác.”

(Trích Dạy học không theo lối mòn)


[1] Nielsen, J. A., Zielinski, B. A., Ferguson, M. A., Lainhart, J. E., & Anderson, J. S. (2013). Đánh giá giả thuyết não trái so với não phải qua hình ảnh cộng hưởng từ chụp trạng thái não khi nghỉ ngơi và khi tiến hành các chức năng kết nối. PLOS One, 8(8), e71275.

[2] Gardner, H. E. (2011). Cơ cấu Trí khôn – Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn (Phạm Toàn dịch). NXB Tri thức. Trang 35.