Những thăng trầm sau cả một quá trình dài lèo lái công ty trong lĩnh vực nông nghiệp đã khiến ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nafoods Group khẳng định: “Đầu tư cho nghiên cứu và công nghệ là quyết định vô cùng sáng suốt”.

Là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam chủ động được giống chanh leo sạch bệnh và có năng suất cao, đến nay Nafoods đang là đơn vị hàng đầu châu Á về doanh thu xuất khẩu chanh leo cô đặc và chiếm đến 10% thị phần nước ép chanh leo cô đặc trên toàn cầu. Nafoods còn có nhiều dòng sản phẩm khác như nước ép rau, củ, quả nguyên chất, đông lạnh, puree, nước ép trái cây cô đặc của trên 30 loại trái cây tươi như gấc, bưởi, ổi, dưa hấu, mãng cầu,... Điều đáng chú ý là những sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn và xuất khẩu được sang hơn 70 nước, trong đó có Mỹ và châu Âu - những thị trường vốn nổi tiếng đầy khó tính.

Thành công này không đến từ một yếu tố đơn lẻ, song nếu nghe chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nafoods Group thì sẽ thấy có hai điều quan trọng nổi lên trong chiến lược phát triển của công ty ông, đó là: R&D và chuỗi giá trị. “Nếu coi mô hình hoạt động của Nafoods là mô hình con cá thì trong đó công ty sẽ làm “đầu cá” và “xương sống”, để kết nối các “xương sườn” là các đối tác, người nông dân,... Trong mô hình ấy, có một chuỗi giá trị bao gồm bốn mắt xích là giống, vùng trồng, chế biến và tiêu thụ. Muốn làm “xương sống”, làm bệ đỡ của chuỗi giá trị ấy thì việc nghiên cứu phát triển và sáng tạo là rất quan trọng”, ông Hùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: NVCC
Ông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: NVCC

Từ giống chanh leo đầu tiên đến hình thành chuỗi giá trị

Mô hình “con cá” với chuỗi giá trị ấy nghe thì đơn giản nhưng không phải ai cũng ý thức được. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã từng chia sẻ trênVOV“chừng nào doanh nghiệp thấy rằng việc xây dựng chuỗi ngành hàng là một chiến lược để nâng cao thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp thì lúc đó chúng ta mới thoát ra khỏi tư duy mùa vụ và thương vụ. Lúc đó mới dẫn dắt người nông dân thay đổi qua từng mùa vụ được”.

Nafoods là một trong số ít những doanh nghiệp đã sớm cởi bỏ tư duy như vậy. Đến nay, công ty của ông Hùng đã xây dựng được một chuỗi giá trị nông nghiệp có khả năng cạnh tranh toàn cầu, phát triển bền vững, khép kín, chủ động từ cây giống, vùng trồng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho nông dân đến việc chế biến, xuất khẩu và phân phối đến tận tay người tiêu dùng. Ông Hùng quan niệm, bây giờ “không phải là làm nông nghiệp nữa mà phải là làm công nghiệp trong nông nghiệp, ví dụ như làm sao để một cây giống và mười triệu cây giống vẫn ổn định và giống nhau. Bây giờ, mỗi trang trại hoa quả phải làm sao để như một nhà máy sản xuất hoa quả”.

Sau vài năm nhập khẩu giống chanh leo Đài Loan về để trồng thử ở Tây Nguyên (vì các viện, trường tại Việt Nam khi ấy chưa chọn tạo được giống chanh leo), bước ngoặt kỷ lục về doanh thu xuất khẩu nước chanh leo cô đặc vào năm 2010 đã khiến Nafoods nhận ra một bài toán mới phải giải quyết: “Không thể cứ nhập khẩu mãi giống cây được. Muốn có chuỗi giá trị công nghiệp bền vững thì cái đầu tiên là phải chủ động được giống”, ông Hùng nhớ lại.

Thực tiễn này đã dẫn Nafoods đến quyết định thành lập một trung tâm R&D đầu tiên của mình là Viện Nghiên cứu chuyên về giống cây chanh leo ở Quế Phong, Nghệ An vào năm 2013, và sau này đã trở thành Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp chuyên nghiên cứu các giống cây trồng cho công ty. Nafoods đã mạnh tay đầu tư cho cơ sở nghiên cứu này với phòng kiểm nghiệm, thuê chuyên gia và hợp tác với các giáo sư ở Đại học Chung Hsing (Đài Loan) để nghiên cứu và nhận chuyển giao công nghệ nhân giống chanh leo Đài Nông 1 - “một việc không hề dễ dàng và mất rất nhiều thời gian”, ông Hùng nhớ lại.

Song đến nay, công sức đã đền đáp khi Viện không chỉ chủ động được nguồn cây giống năng suất cao mà còn là một trong những nơi hiếm hoi của Việt Nam kiểm soát được bệnh, virus của giống chanh leo, “đảm bảo chất lượng một cây giống và cả triệu cây giống như nhau”. Công suất sản xuất của Nafoods hiện đạt khoảng 4 triệu cây giống mỗi năm, không chỉ đủ cho vùng nguyên liệu chanh leo của Nafoods, mà còn cho cả các vùng sản xuất khác ở Việt Nam, Lào, Campuchia.

Không chỉ dừng lại ở đó, Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp của Nafoods còn tiến một bước xa hơn, đó là làm chủ công nghệ chọn tạo giống chanh leo và tạo ra 3 giống chanh leo mới mang bản quyền Việt Nam: Nafoods 1, Quế Phong 1 và Bách Hương 1, hiện đang được thử nghiệm, phát triển trong sản xuất. Cái hay của việc nghiên cứu và lai tạo thành công tại Việt Nam là những giống chanh leo này không chỉ có các yếu tố, đặc tính sinh trưởng phù hợp với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của nhiều địa phương trong nước (cả hai giống đều có thể trồng tại Tây Bắc và Bắc Trung bộ từ đầu mùa xuân và trồng quanh năm tại Tây nguyên), mà còn “có ưu điểm là quả to hơn (6-8 quả/kg) so với giống Đài Nông 1 trồng đại trà hiện nay (12-14 quả/kg), vỏ cứng hơn nên ít bị tổn hại khi vận chuyển và ngọt hơn (độ Brix>17%), rất phù hợp cho ăn tươi”, PGS.TS Nguyễn Văn Viết - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp của Nafoods cho biết. “Thêm nữa là do có bản quyền nên Nafoods chủ động hoàn toàn về cây giống, không bị phụ thuộc nước ngoài và sản phẩm thu hoạch có thể xuất khẩu tiếp cận nhiều thị trường khó tính”.

Sản phẩm Nafoods đã chủ động được nguồn chanh leo thay thế hoàn toàn việc nhập khẩu. Ảnh: NVCC
Sản phẩm Nafoods đã chủ động được nguồn giống chanh leo, thay thế hoàn toàn việc nhập khẩu. Ảnh: NVCC

Sau thành công của giống chanh leo, công ty cũng đang tiếp tục tìm kiếm và nhập khẩu các giống cây ăn quả khác như xoài, bơ, chanh, đu đủ để nghiên cứu. Nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị, Nafoods đã ký thỏa thuận hợp tác với rất nhiều viện, trường trong nước như Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Nông Lâm Huế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Bách Khoa TP.HCM, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM… để tận dụng các trang thiết bị, nguồn lực sẵn có, cũng như triển khai không ít hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ khác thông qua các đề tài/dự án KH&CN do công ty này chủ trì hoặc phối hợp thực hiện.

Một trong số các dự án nổi bật là “Nghiên cứu công nghệ bảo quản một số loại trái cây phục vụ xuất khẩu quả tươi”. Với dự án này, Nafoods đã nghiên cứu thành công phương thức bảo quản quả chanh leo, thanh long và chanh chua, “bước đầu đã tạo ra được một số công nghệ kéo dài thời gian bảo quản từ một tuần lên trên 40 ngày đối với quả chanh leo, trên 60 ngày đối với quả chanh chua và trên 30 ngày đối với quả thanh long, giúp đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu quả tươi, từ đó mở ra khả năng xuất khẩu đường biển với khối lượng lớn, giá thành hạ thay cho xuất khẩu đường hàng không chi phí vận chuyển cao. Đồng thời, nó cũng mở ra tiềm năng lớn giúp các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân, tránh tình trạng “được mùa mất giá” như hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Văn Viết cho biết.

“Vẫn còn chưa đủ”

Hiện nay, các phòng ban nghiên cứu của Nafoods gồm có Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông nghệp Nafoods, phòng R&D công nghệ (nghiên cứu công nghệ chế biến thực phẩm), và phòng công nghệ thông tin (nghiên cứu công nghệ số hóa), mỗi phòng ban có khoảng 10-15 kỹ sư làm việc chính thức và kiêm nhiệm. Kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được Nafoods trích từ 4% doanh thu của công ty. “Nafoods Group có chủ trương thành lập quỹ R&D, cũng như xây dựng các đề tài/dự án cấp địa phương, Bộ NN&PTNT và cấp nhà nước, đồng thời có cơ chế thưởng cho các phát minh, sáng kiến”, PGS.TS Viết cho biết.

Nhà máy sản xuất của Nafoods. Ảnh: NVCC

Đối với người đứng đầu Nafoods, rủi ro trong nghiên cứu dường như không phải vấn đề quá nặng nề. “Chúng tôi lấy ngắn nuôi dài”, ông Hùng nói và đùa, “đã nghiên cứu mà cái nào cũng thành công cả thì tiền để đâu cho hết. Nhiều khi nghiên cứu sáu tháng, một năm, hai năm cũng được. Mình cứ bỏ vốn ra nghiên cứu đã, còn thu lại thì có thể nhanh có thể chậm”. Nhưng tất nhiên, “nghiên cứu phải có mục tiêu, căn cứ vào nhu cầu của thị trường, chứ không phải nghiên cứu tào lao”, ông nói.

Bởi vậy, dù phải bỏ ra chi phí cả trăm tỷ, “chọn lọc rồi làm ra không đạt yêu cầu thì phải hủy bỏ, mọi chi phí, vật tư đầu vào đều mất hết”, mất đến 7-8 năm để nghiên cứu ra được 3 cây giống, nhưng nhìn lại những gì đã trải qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, “việc thành lập viện nghiên cứu và đầu tư nghiên cứu là một chủ trương rất đúng”. Nếu không có sự đầu tư cho nghiên cứu và phát triển trước đây, riêng chi phí bỏ ra để kiểm định hằng năm của Nafoods đã lên đến tỷ đồng, “trong khi đó bây giờ mình đã chủ động làm luôn được việc này cũng như việc kiểm soát chất lượng cho các nhà máy của mình”, ông Hùng cho biết. Thêm vào đó, chính các nghiên cứu này đã nâng cao giá trị sản phẩm cho chính Nafoods. Bỏ ra cả trăm tỷ để nghiên cứu nhưng đổi lại, “chúng tôi đã có doanh thu về giống liên tục trong nhiều năm, mỗi năm khoảng 70-80 tỷ, từ đó có lợi nhuận để bù đắp lại khoản đầu tư này”. Và có những khi, lợi ích đem lại không đong đếm rõ ràng được bằng tiền nhưng lại có ý nghĩa rất lớn với doanh nghiệp.

“Hai điểm yếu lớn nhất của nông nghiệp nói chung và những doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nói riêng: thứ nhất là khâu trồng - từ vấn đề phân bón, thuốc, chăm sóc, tưới tiêu, và thứ hai là khâu chế biến. Sản phẩm đang được xuất khẩu dưới dạng thô nhiều chứ chưa phải xuất khẩu dưới dạng tinh, giá trị gia tăng không có”, ông Hùng nói. Thực tiễn này cùng với quan điểm chú trọng KH&CN trong chiến lược, những người lãnh đạo Nafoods nhận ra rằng: một viện nghiên cứu về giống là chưa đủ.

Đó là lý do để Nafoods nghĩ đến việc đầu tư xây dựng một trung tâm R&D lớn. Với một doanh nghiệp tư nhân, quyết tâm này đã dần thành hình với việc đặt nó ở Khu công nghệ cao tại Thủ Đức, TP.HCM với kinh phí 25 triệu USD. Mục tiêu của họ là tập trung các phòng lab, phòng thực nghiệm, đưa nó trở thành một địa điểm cho các giáo sư đầu ngành ở khắp nơi trên thế giới đến cùng nghiên cứu với đội ngũ của Nafoods. “Trung tâm này có một mục tiêu quan trọng là khai thác những thế mạnh, kết quả nghiên cứu tiên tiến từ các viện, trường; ứng dụng các công nghệ hiện nay ở trên thế giới như công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ lên men, công nghệ 4.0, và kết hợp với nguồn nhân lực là đội ngũ các giáo sư ở nước ngoài, đặc biệt là giáo sư Việt kiều, cũng như các trung tâm, viện nghiên cứu trong nước”, ông Hùng cho biết.

Dự định đầu tư mạnh tay này của Nafoods không phải không có căn cứ. Để đảm bảo hiệu quả của trung tâm R&D mới, Nafoods đã thuê một công ty nước ngoài làm báo cáo đánh giá khả thi để có hướng phát triển phù hợp và chính xác nhất. “Nghiên cứu về giống mới là một phần thôi, cần phải có một trung tâm nghiên cứu để giải quyết những bài toán mà các phòng ban khác chưa làm được. Ví dụ như làm sao đó tác động vào vấn đề phân bón, vấn đề cải tạo đất, cũng như tác động vào những sản phẩm cuối cùng, thậm chí là những phụ phẩm mà bây giờ đang vứt đi, để từ đó biến nó trở thành sản phẩm có giá trị hoặc là cung cấp nguyên liệu cho các sản phẩm khác”, ông Hùng chia sẻ.