Vẫn còn hàng trăm loài động vật có vú đang sinh sống rất gần con người nhưng chưa từng được phát hiện, theo một nghiên cứu mới dự đoán.
Voi châu Phi, vượn cáo và hai loài ếch trong suốt mới được phát hiện ở Ecuador, sống cách nhau chỉ 13 dặm, là một vài trong số các loài động thực vật mới được phát hiện trong những năm gần đây nhờ kỹ thuật mã vạch DNA. Bề ngoài các loài này giống với các loài đã biết, nhưng kỹ thuật mới cho thấy chúng thuộc các nhóm khác và riêng biệt.
Hình minh họa. Nguồn: Minden Pictures/Alamy
Mã vạch DNA có thể xác định và phân biệt các loài động thực vật dựa trên sự khác biệt về gen của chúng. Nhờ kỹ thuật này, các nhà khoa học cho biết hành tinh của chúng ta có thể đa dạng về mặt sinh học hơn so với ước tính 8,7 triệu loài từ trước đến nay.
Mới đây một nhóm nghiên cứu đã tiến một bước xa hơn: đề xuất một phương pháp có thể dự đoán nơi tồn tại các loài động vật mới chưa biết đến. Kết quả này sẽ đặc biệt hữu ích trong bối cảnh nhiều loài đang tuyệt chủng trước khi được phát hiện.
Bằng cách phân tích hàng triệu chuỗi gen của động vật có vú và các thông tin khác về môi trường và nơi sinh sống của chúng, nhóm nghiên cứu cho biết có hàng trăm loài dơi, loài gặm nhấm, chuột chù và chuột chũi chưa được xác định, và hiện đang bị phân loại nhầm do có kích thước và ngoại hình giống với các loài đã biết.
Bryan Carstens, giáo sư tiến hóa, sinh thái học và sinh vật học tại Đại học bang Ohio, cho biết: “Dựa trên phân tích của chúng tôi, một ước tính thận trọng sẽ là còn hàng trăm loài động vật có vú trên toàn thế giới vẫn chưa được xác định". Nghiên cứu mới của nhóm Carstens được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.
“Chúng tôi đã dự đoán nơi những loài mới này có nhiều khả năng được tìm thấy nhất,” Carstens nói và cho biết thêm rằng mô hình ước tính rằng đến nay chúng ta mới phát hiện được khoảng 80% các loài động vật có vú.
Mặc dù động vật có vú là nhóm được nghiên cứu rất kỹ càng so với bọ cánh cứng hay kiến hoặc các loại động vật khác, nhưng vẫn còn rất nhiều loài chưa được biết đến. Kiến thức về các loài mới rất quan trọng đối với những người đang làm công việc bảo tồn, vì không thể bảo vệ một loài nếu chúng ta không biết rằng chúng tồn tại. Ngoài ra, khi đặt tên cho một loài nào đó, điều này có ý nghĩa về mặt pháp lý.
Nghiên cứu mới cũng dự đoán rằng một số loài động vật có vú đã biết hiện nay có phạm vi sinh sống rộng, ở các khu vực có nhiệt độ và lượng mưa khác nhau, thực chất có thể là nhiều loài khác nhau. Ví dụ như loài dơi nâu nhỏ, được tìm thấy trên khắp Bắc Mỹ, thực ra là 5 loài riêng biệt.
Các phương pháp xác định dựa trên DNA mới đã mở ra một cuộc cách mạng trong phân loại học hiện đại. Kết hợp với các kỹ thuật truyền thống do nhà thực vật học Thụy Điển Carl Linnaeus phát triển, kỹ thuật DNA đang giúp các nhà khoa học tổ chức lại thư viện sự sống trên Trái đất.
Các nhà nghiên cứu cho biết các nhà phân loại học không cần phải đến những nơi xa xôi để tìm ra các loài. Nhiều loài mới có thể nằm trong số mẫu vật có thể đã sẵn có trong các bộ sưu tập lịch sử tự nhiên tại các bảo tàng. Chẳng hạn như loài voọc Popa ở Myanmar, vốn đã có mẫu lưu trong bảo tàng nhưng trước đây bị nhầm lẫn với một loài khác.
Nguồn: https://www.theguardian.com/environment/2022/mar/28/hundreds-mammals-unidentified-researchers-aoe