Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2023, các quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam lần đầu vượt qua các nhà đầu tư ngoại để trở thành nhóm đầu tư tích cực nhất cho startup trên thị trường nội địa.

Ngày 30/3, tại TPHCM, Tạp chí Forbes Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Quỹ Đầu tư mạo hiểm Do Ventures đã phối hợp tổ chức diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 được tổ chức với chủ đề 'Cưỡi trên ngọn sóng số' và công bố Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2023.

Theo Báo cáo, sau sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam giảm mạnh 56% trong năm 2022, do ảnh hưởng của biến động kinh tế toàn cầu. Ảnh hưởng này diễn ra đặc biệt rõ rệt vào nửa cuối năm 2022 với giá trị đầu tư giảm 65%, vì khủng hoảng trong ngành công nghệ ngày càng rõ. Tuy nhiên, số lượng thương vụ tăng lên vào nửa cuối năm, cho thấy hoạt động đầu tư vẫn diễn ra đều đặn dù giá trị đầu tư giảm.

Cụ thể, năm 2022, các startup Việt Nam nhận 634 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm, giảm 56% so với năm 2021, nhưng vẫn tăng 41% so với năm 2020. Tổng số thương vụ giảm 19% so với năm 2021, tuy nhiên tăng 28% so với số liệu năm 2020. Trong đó, tổng giá trị các vòng gọi vốn trên 10 triệu USD giảm mạnh xuống còn gần một phần ba so với số liệu cùng kỳ năm 2021. Giá trị các vòng đầu tư nhỏ hơn giảm 18% so với năm ngoái, chiếm 33% tổng số vốn đầu tư. Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ ba về số thương vụ, nhưng rơi xuống vị trí thứ tư về tổng giá trị đầu tư. Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về tổng giá trị đầu tư, theo sau là Singapore.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures, tại sự kiện công bốBáo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2023. Ảnh: FORBES

Lĩnh vực dịch vụ tài chính nhận được nhiều vốn đầu tư nhất, với mức tăng ấn tượng 249%. Mặc dù giảm 57%, nhưng bán lẻ vẫn là lĩnh vực nhận được nhiều vốn thứ hai. Ngoài hai lĩnh vực nói trên, y tế, giáo dục, và thanh toán vẫn nằm trong số những lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Việt Nam vẫn là nước quan tâm đầu tư cho startup. Nhờ đó, số quỹ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ giảm nhẹ trong năm qua. Và lần đầu tiên các quỹ đầu tư Việt Nam trở thành nhóm nhà đầu tư tích cực nhất; theo sau là các nhà đầu tư từ Singapore, Mỹ, và Hàn Quốc. Các quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ở giai đoạn đầu, khi startup còn gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn từ các quỹ nước ngoài. Giá trị đầu tư và số thương vụ có sự tham gia của các quỹ nội địa có xu hướng tăng dần qua các năm. Đáng chú ý, trong năm 2022, giá trị các thương vụ có sự tham gia của các quỹ nội địa đạt mức cao kỷ lục với 287 triệu USD.

tr
Thảo luận về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Diễn đàn. Ảnh: FORBES

Sự thận trọng cần thiết trong bối cảnh mới

Ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc điều hành Quỹ VinaCaptal Ventures cho rằng, năm 2023 các startup cần chuẩn bị cho tình huống khủng hoảng kéo dài. Trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt hiện nay, product-market-fit (sản phẩm đang ở trong thị trường tốt và có thể thỏa mãn thị trường đó), là yếu tố tối quan trọng. Theo ông Trung, công nghệ chỉ là công cụ và các công ty cần ưu tiên giải quyết các vấn đề của khách hàng. Công ty cũng không nên vội vàng gây quỹ lúc này mà đợi đến khi thị trường thuận lợi hơn. Số tiền cần gọi càng lớn thì việc gọi vốn càng khó khăn. Nếu công ty bắt buộc phải gọi vốn, hãy triển khai một cách chiến lược và lên kế hoạch thật cụ thể. Với cách tiếp cận phù hợp, các startup có thể tận dụng bối cảnh hiện tại để đổi mới chính mình và vươn lên trước các đối thủ.

Bà Trần Hoài Phương, Giám đốc đầu tư Quỹ Wavemaker, thì nhận định, thời kỳ khó khăn sẽ không kéo dài và startup có thể coi giai đoạn này như một thử thách để củng cố lại nền tảng của công ty (công nghệ, nhân sự,…) và quản lý tài chính một cách nghiêm khắc. Theo bà Phương, tại thời điểm này, startup nên thực hiện một số bước quan trọng như xác định lại sứ mệnh của công ty, kiểm tra lại mô hình doanh thu và tìm cách tối đa hóa doanh thu, kiểm tra lại cấu trúc chi phí, lên kế hoạch huy động vốn với sự linh hoạt. Đồng thời, thận trọng, sẵn sàng đưa ra mức định giá khiêm tốn hơn so với kỳ vọng của năm ngoái, khi các nhà đầu tư còn tràn đầy lạc quan.