Việc tổ chức giải Vô địch Bóng đá Thế giới (FIFA World Cup) thường được kỳ vọng sẽ giúp các quốc gia chủ nhà nâng cao vị thế, thúc đẩy du lịch, thương mại, kiến tạo công ăn việc làm và mở ra những cơ hội phát triển mới. Tuy nhiên, đó cũng lại là một “cuộc chơi” cực kỳ tốn kém mà không phải nền kinh tế nào cũng đủ sức kham.

World Cup 2022 sẽ diễn ra tại Qatar từ ngày 20/11 đến 18/12. Theo ước tính, đất nước nhỏ bé nhưng vô cùng giàu tài nguyên này1 đã chi hơn 200 tỷ USD cho sự kiện, biến nó thành kỳ World Cup đắt đỏ nhất trong lịch sử. Để so sánh, tổng kinh phí tổ chức 8 kỳ World Cup từ 1990 đến 2018 mới chỉ là 48,63 tỷ USD.

Bên cạnh rất nhiều kỳ vọng, các quốc gia chủ nhà World Cup cũng có thể đối mặt với trái đắng – nguy cơ nợ nần do bội chi ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng và xây sân vận động mới. Khi sự kiện kết thúc thì chỉ còn lại những công trình chẳng mấy khi được sử dụng, thậm chí bỏ hoang.

Qatar đã chi hơn 200 tỷ USD cho kỳ World Cup đắt đỏ nhất trong lịch sử.

Việc chạy đua giành quyền đăng cai World Cup thường là một nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ. Các ứng viên phải nộp hồ sơ và bảo vệ đề án thuyết phục FIFA về những lợi ích mà kỳ World Cup - nếu được tổ chức ở nước mình - mang lại. FIFA sẽ chấm điểm cho chín tiêu chí thuộc hai hạng mục chính: cơ sở hạ tầng và giá trị kinh tế, trong đó các sân bóng chiếm trọng số hết sức quan trọng, … Nguồn thu chính của FIFA tại World Cup thường đến từ việc bán bản quyền truyền hình, doanh thu bán vé và hợp đồng tài trợ - năm nay dự kiến sẽ đạt 4,7 tỷ USD. Tất nhiên, FIFA sẽ phân bổ một phần kinh phí cho quốc gia chủ nhà – Qatar đã nhận được 1,7 tỷ USD, trong đó tổng tiền thưởng cho 32 đội tham dự chiếm 440 triệu USD.

Những quốc gia đăng cai World Cup thường kỳ vọng sự kiện sẽ trở thành động lực kích thích tăng trưởng kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực du lịch, dịch vụ hàng không, lưu trú khách sạn, nhà hàng,… trong ngắn hạn. Song không phải nước nào cũng đã sẵn có đủ cơ sở hạ tầng, bao gồm những sân bóng đạt tiêu chuẩn, để phục vụ ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới. Vì thế, họ thường phải đổ tiền đầu tư xây dựng mới và gánh các khoản nợ khổng lồ cho những công trình “không biết để làm gì” sau mùa World Cup. Brazil chính là một ví dụ điển hình: nước này đã chi khoảng 11,6 tỷ USD cho World Cup 2014, chủ yếu để xây đường xá, sân vận động và khách sạn mới; nhưng sân Mane Garrincha ở thủ đô Brasilia (tiêu tốn gần 1 tỷ USD) giờ đây đang được tận dụng làm bãi đậu xe bus; điều này khiến rất nhiều người bất mãn, họ biểu tình chống chính phủ và chỉ trích FIFA rằng số tiền đó đáng nhẽ nên được chi cho các dịch vụ công phục vụ dân thường.

Qatar đã chạy đua tổ chức World Cup 2022 từ 12 năm trước và theo ước tính đã chi khoảng 500 triệu USD/tuần. Mặc dù nước này vẫn kiếm bộn tiền nhờ xuất khẩu khí đốt, nhưng viễn cảnh kinh tế thế giới đang ngày càng trở nên bất ổn và khó đoán định. Những năm gần đây, FIFA cũng đối mặt với rất nhiều cáo buộc tham nhũng liên quan đến quy trình lựa chọn và xét duyệt ứng viên. Năm 2015, 41 quan chức FIFA đã bị điều tra và truy tố vì hành vi tham nhũng (nhận hối lộ,…), rửa tiền. Ngoài ra, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) năm 2016 cũng lần đầu lên tiếng về điều kiện làm việc “khắc nghiệt” của gần 1,7 triệu lao động nhập cư (chiếm khoảng 90% lực lượng lao động của Qatar), phần đông trong số đó đang tham gia xây dựng các công trình phục vụ World Cup 2022.

Mặc dù vậy, việc trở thành chủ nhà World Cup bao giờ cũng được xem là niềm vinh dự quốc gia, bởi bóng đá là môn “thể thao vua” với hơn 5 tỷ người theo dõi. Bất chấp những lời cảnh báo, người hâm mộ túc cầu trên khắp hành tinh vẫn sẽ tiếp tục cháy hết mình trong suốt một tháng này.

Thế giới đã có không ít bài học về các quốc gia lâm vào cảnh khốn đốn tài chính (nợ công tăng cao), thậm chí vỡ nợ sau những sự kiện thể thao lớn, tiêu biểu như Hy Lạp (Olympic Athens 2004), Ukraine (Euro 2012), Brazil (World Cup 2014),… Một số nước khác như Nga (Olympic mùa đông Sochi 2014 và World Cup 2018),… tuy chưa đến mức bi đát, song cũng bị đánh giá là không thật sự thu được nhiều lợi ích kinh tế như kỳ vọng từ việc tổ chức các kỳ đại hội tốn kém. Đó cũng là kinh nghiệm mà Việt Nam nên tránh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa bởi đất nước còn rất thiếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ công chất lượng. Chúng ta chỉ nên chạy đua đăng cai những sự kiện thể thao lớn khi kinh tế đã phát triển đủ chín muồi như Nhật Bản (Olympic Tokyo 1964), Hàn Quốc (Olympic Seoul 1988),… Ngay đến Mỹ, Canada (hai cường quốc G7) và Mexico (thành viên OECD) cũng sẽ cùng tổ chức World Cup 2026 chứ không đứng ra đăng cai một mình như trước đây.

Theo CNBC

1. Qatar với diện tích 11.571 km², dân số 2,931 triệu người (số liệu 2021) là quốc gia nhỏ bé nhất thế giới đăng cai World Cup. Nhờ trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ (đứng thứ 3 thế giới) cùng chính sách quản lý kinh tế tốt, Qatar từ một làng chài nghèo khó đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới (61.200 USD năm 2021) sau vài thập kỷ.