Không có gì ngạc nhiên khi nhiều quốc gia, bao gồm toàn bộ khu vực Mỹ Latin, cấm tư nhân sở hữu những nguồn tài nguyên khoáng sản bên dưới tầng đất nền (sub-soil). Chúng thuộc về nhà nước, do nhà nước trực tiếp hoặc ủy quyền cho các nhà tư bản khai thác.

Đó là thực tiễn đã được áp dụng từ hàng trăm năm nay, nhằm đảm bảo tài nguyên thiên nhiên sẽ mang lại lợi ích cho đất nước chứ không phải những thế lực bên ngoài.

Nhưng để làm lợi cho quốc gia, nhà nước trước hết cần phải là người chủ đất có trách nhiệm. Dẫu vậy, hiện đang tồn tại quá nhiều trở lực ngăn cản tài nguyên được khai thác hiệu quả Điều này không chỉ gây thiệt hại cho các quốc gia mà còn làm chậm tiến trình chuyển đổi sang tương lai phi carbon của nhân loại.

Ngành công nghiệp khai khoáng của Úc dẫn đầu thế giới không phải vì trữ lượng tài nguyên dồi dào mà là nhờ chính sách thông minh.

Khả năng kiếm lời của chủ đất thường phụ thuộc vào ba yếu tố: (i) thặng dư hay lợi nhuận dự kiến mà việc sử dụng đất có thể tạo ra sau khi trừ đi chi phí hoạt động và khấu hao vốn; (ii) chi phí vốn hoặc tỷ suất lợi nhuận mà doanh nghiệp phải trả để huy động quỹ trang trải cho mọi hoạt động; và (iii) mức độ cạnh tranh giữa những nhà đầu tư tiềm năng. Trong khi khả năng kiếm lời của nhà tư bản lại phụ thuộc vào ý tưởng, công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực có thể huy động cùng hệ sinh thái hỗ trợ – bao gồm cơ sở hạ tầng, nhà thầu, mạng lưới nhà cung cấp,… Ý tưởng tốt kết hợp với công nghệ và năng lực để hiện thực hóa chúng sẽ tạo nên giá trị đầu ra (output) cao hơn nhiều so với chi phí đầu vào (input), đem lại thặng dư lớn cho cả chủ đất lẫn nhà đầu tư. Phần họ nhận được sẽ phụ thuộc vào mức giá mà thị trường quy định, với giả định là việc triển khai vốn sẽ gặp rủi ro. Nếu quốc gia được chọn để đặt dự án không phải là một môi trường đủ tin cậy, thị trường vốn sẽ chỉ rót tiền nếu kỳ vọng lợi nhuận đủ cao. Hay nói một cách đơn giản, các quốc gia không đủ tin cậy thường có chi phí vốn cao và qua đó làm sụt giảm lợi nhuận của chủ đất.

Như vậy, một chủ đất thông minh sẽ phải biết khai thác sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư tiềm năng trong việc tiếp cận những nguồn tài nguyên khan hiếm để thu được lợi nhuận tối đa – “càng nhiều người cầu hôn thì cô dâu sẽ càng có giá”. Nhưng không phải khi nào các chủ đất cũng hành xử sáng suốt. Venezuela là một ví dụ điển hình: khi cố Tổng thống Hugo Chávez lên nắm quyền vào năm 1999, ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này đang ở vị thế dẫn đầu thế giới với sản lượng khoảng 3,4 triệu thùng/ngày – tăng hơn 70% so với thập kỷ trước, nhờ vào sự bùng nổ của hoạt động đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, ông Chávez đã ra lệnh quốc hữu hóa các công ty dầu khí và sa thải những nhà kỹ trị đang điều hành PDVSA (tập đoàn dầu khí quốc gia). Hiện tại, sản lượng dầu khí của Venezuela đã sụt giảm thảm hại xuống chỉ còn 1/5 của năm 1998. Trong cơn khủng hoảng, chính quyền đã ủy thác trữ lượng khí đốt ngoài khơi cho tập đoàn Rosneft của Nga khai thác, song quyết định này đến nay vẫn chưa mang lại bất cứ khởi sắc nào. Hay tại Uganda, Tổng thống Yoweri Museveni đã không thể đưa ngành dầu khí của nước này bứt phá vì quá phụ thuộc vào một dự án nhà máy lọc dầu bị chậm tiến độ cả một thập kỷ.

Điều này không chỉ đúng với nhiên liệu hóa thạch mà hoạt động khai thác các loại khoáng sản và kim loại khác cũng đòi hỏi những người chủ đất có tầm nhìn xa. Không chỉ tìm cách thu lợi, họ còn cần phải biết kiểm soát tình trạng khan hiếm các nguồn lực liên quan – chẳng hạn như tài nguyên nước, và những tác động kinh tế, xã hội, môi trường từ dự án. Việc tìm ra giải pháp phù hợp, đáng tin cậy chính là chìa khóa duy nhất giúp duy trì sự tin tưởng và ủng hộ của cộng đồng – điều mà rất nhiều chủ đất không làm được.

Nước Úc nổi lên như một gã khổng lồ khai khoáng không phải vì họ sở hữu trữ lượng tài nguyên dồi dào, mà là do họ đã xây dựng được một hệ sinh thái năng suất hỗ trợ tốt cho các dự án và chứng tỏ được mình là một quốc gia đáng tin cậy trên thị trường vốn. Trong khi những quốc gia hạ Sahara (châu Phi) lại ở một thái cực hoàn toàn khác. Như trường hợp của Nam Phi, nước này trong suốt hai thập kỷ qua đã để cho lợi ích của một thiểu số tinh hoa1 lấn lướt phần còn lại của xã hội và trải qua siêu chu kỳ (super cycle)2 hàng hóa từ năm 2004 đến 2014 mà không nhận được bất cứ khoản đầu tư lớn nào - khác hẳn Úc, Chile và Peru.

Sự thiếu sáng suốt của các chủ đất sẽ là trở lực lớn đối với nỗ lực cắt giảm phát thải carbon trên phạm vi toàn cầu – đòi hỏi chiến lược điện khí hóa đối với tất cả những gì có thể điện khí hóa cùng hoạt động sản xuất và lưu trữ năng lượng theo cách “xanh” hơn. Điều này sẽ dẫn đến sự bùng nổ hoạt động khai thác và sản xuất các khoáng chất như đồng, nhôm, coban, liti, niken và đất hiếm. Bolivia hiện đang sở hữu mỏ lithium lớn nhất thế giới song lại không thể cất cánh trong ngành này do thiếu chính sách hợp lý từ chính phủ. Trong khi Chile và Australia đã vượt lên dẫn đầu, cung cấp tới 70% sản lượng toàn cầu. Chile còn đang thành lập một trung tâm nghiên cứu công nghệ nhằm thu được nhiều lợi ích hơn từ những cải tiến trong hoạt động khai thác, xử lý và sử dụng lithium. Tuy nhiên, việc giới hạn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực khai thác mỏ (giống Bolivia) đã khiến Chile bị Úc vượt mặt (sản lượng thấp hơn 63%) trong khi sở hữu trữ lượng lithium lớn gấp 2,5 lần.

Thế giới sẽ trở nên xanh và giàu có hơn nếu các quốc gia biết cách tối đa hóa giá trị ròng của tài nguyên khoáng sản. Chủ đất nếu chỉ áp dụng những chính sách thiếu sáng suốt thì đó chắc chắn sẽ là thảm họa.

Bài viết thể hiện quan điểm của GS. Ricardo Hausmann tại Trường Quản lý Nhà nước Kennedy, kiêm giám đốc Trung tâm Harvard Growth Lab thuộc ĐH Harvard. Ông từng là Bộ trưởng Kế hoạch Venezuela (1992 – 1993) và kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển liên châu Mỹ (IADB).

Theo Project Syndicate

Chú thích
1. Nam Phi từng đấu tranh chống lại chế độ phân biệt chủng tộc (Apartheid), nhưng hiện nay phần lớn các chủ khai mỏ của nước này đều là người da đen và họ đang hình thành một tầng lớp tinh hoa (elite) mới.
2. Siêu chu kỳ là hiện tượng nhu cầu thị trường tăng trưởng mạnh trong một thời gian dài, đến nỗi các nhà cung cấp phải vật lộn để đáp ứng, dẫn tới tình trạng giá cả hàng hóa liên tục tăng.