Tác giả là một nhà báo Anh, tới các Thuộc địa (tên gọi của 13 bang thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ lúc bấy giờ) vào tháng 11/1774, khi mâu thuẫn giữa Vương quốc (Anh) và Thuộc địa đang lên tới cao trào. Tuy nhiên, phần đông người dân Thuộc địa khi đó vẫn chỉ muốn nhà vua Anh thỏa mãn các quyền lợi của họ chứ chưa nghĩ tới việc tách ra thành một nước độc lập.
Cần phải tách khỏi đế quốc Anh và giành độc lập - đó là lý do để Lẽ thường ra đời.
Ngày nay nhìn lại, hậu thế không khỏi sửng sốt khi biết rằng, với dân số của 13 thuộc địa khi đó vào khoảng 2,5 triệu người, Lẽ thường đã được in 120 ngàn bản trong 3 tháng đầu tiên và 500 ngàn bản trong năm đầu tiên ở Mỹ và châu Âu (chủ yếu là Anh và Pháp). Và điều quan trọng hơn: Ý muốn của tác giả đã thành hiện thực – Hợp Chúng quốc Mỹ (United States of America) tuyên bố độc lập năm 1776; và năm 1783, đã chiến thắng đế quốc Anh trong cuộc chiến giành độc lập.
Lý do nào khiến cuốn sách có sức mạnh dự báo lớn đến nhường đó?
Ngoài “thiên thời” mà những người Thiên chúa giáo ngoan đạo như tác giả và đa phần dân chúng Mỹ lúc bấy giờ gọi là “Ơn Trên”;
ngoài trình độ văn hóa cao của dân chúng Thuộc địa;
ngoài cách viết dựa nhiều vào các điển tích Kinh Thánh;
ngoài cách phát hành đa dạng trong đó có việc in nhiều kỳ trên báo ngày và được đọc to trong các quán rượu, thì đó chính là nội dung cuốn sách chứa những lời khiến cho Cách mạng không thể không sôi sục:
“Xã hội trong bất kỳ nước nào cũng đều là một phước lành, nhưng chính quyền, ngay cả trong một nước được cai trị khéo nhất, cũng là một sự xấu xa, nhưng lại cần thiết, còn trong một nước bị cai trị tồi tệ, thì chính quyền là một điều cực kỳ tệ hại…”
Lẽ thường có bốn phần:
Phần I: Bàn về Nguồn gốc và Cơ cấu của Chính quyền nói chung, và về Hiến pháp của nước Anh nói riêng
Tác giả trình bày học thuyết Khai sáng và sự cần thiết phải thiết lập một Chính quyền trên nền tảng Cộng hòa, qua việc vạch trần sự Độc tài của chế độ Quân chủ nước Anh và chỉ ra, Chính quyền là “cái Ác cần thiết”. Việc bầu cử là cần thiết để thúc đẩy họat động của Xã hội Dân sự, khắc tinh của Độc tài.
Phần II: Bàn về Chế độ Quân chủ và Quyền lực Cha truyền Con nối
Ngòi bút sắc bén của tác giả chỉ ra, cả chế độ Quân chủ và Quân chủ Lập hiến (hiện trạng nước Anh) theo quan điểm Kinh Thánh hoặc quan điểm Lịch sử cũng đều chà đạp lên nguyên tắc “Mọi người sinh ra đều bình đẳng”; nhà vua chỉ làm nghèo quốc gia bằng chiến tranh; Quân chủ Lập hiến cũng không tránh khỏi việc tập trung quyền lực vào tay nhà vua… và như vậy, vẫn là chế độ Độc tài, cần phá hủy.
Phần III: Vài Suy nghĩ về Tình trạng Chính trị Hiện tại của nước Mỹ
Trong phần này, tác giả trình bày sự bỏ rơi quyền lợi Thuộc địa Mỹ của nhà vua Anh; sự đấu tranh của người dân Thuộc địa vì quyền lợi của mình dẫn tới sự thù địch giữa hai bên, để kết luận rằng: tốt nhất là độc lập.
Đi xa hơn, ông đề xuất một Hiến chương Lục địa và xây dựng mô hình tổ chức quốc hội các bang, liên bang… việc soạn thảo hiến pháp, bầu cử quốc hội và tổng thống.
Phần IV: Bàn về Khả năng Hiện tại của Mỹ và một số Cảm nghĩ rời
Tác giả trình bày sự lạc quan về tiềm năng quân sự, nhất là hải quân của Thuộc địa hiện tại, so với hải quân Anh. Nếu ta biết rằng năm 1890, sĩ quan - sử gia hải quân Mỹ Alfred Thayer Mahan đã viết cuốn sách The Influence of Sea Power upon History, 1660-1783 (bản tiếng Việt: Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, 1660 - 1783) đặt nền móng cho vị trí số 1 của hải quân Mỹ từ Thế Chiến II cho tới nay; thì càng rõ tầm nhìn của Paine xa tới đâu.
Được viết ra để xác lập một bản sắc chính trị rõ ràng cho nước Mỹ tương lai nhưng Lẽ thường được trình bày như một bài giảng đậm màu Kinh Thánh, chính vì vậy, nó đã kết nối được với những người dân theo đạo Tin lành ở Thuộc địa, vốn đang bất bình sâu sắc với chính quyền Vương quốc Anh, và khuyến khích họ chiến đấu cho chính phủ độc lập, đảm bảo quyền Bình đẳng mà Thượng Đế ban cho họ.
Sử gia Gordon S. Wood mô tả Lẽ thường là «cuốn sách nhỏ nhất và phổ biến nhất trong toàn bộ thời đại Cách mạng”.
Một số trích dẫn nổi tiếng của Lẽ thường:
“Nói tóm lại, quân chủ và sự thế tập gia truyền đã khiến cho (không phải chỉ có vương quốc này hay vương quốc nọ) mà cả thế giới phải chịu cảnh máu lửa. Đó chính là một mô hình chính quyền mà Thượng Đế đã phản đối và là một mô hình được tạo nên bằng xương máu.”
“Nếu trong những chính quyền tuyệt đối, Nhà Vua là luật, thì ở những nước tự do, Luật phải là Vua, không có ai cao hơn luật pháp. Nhưng để tránh những sự lạm dụng có thể xảy ra, khi nghi lễ công bố Hiến chương đã chấm dứt thì cái vương miện này nên được đập tan và rải ra cho quần chúng, tức là những người nắm thực quyền.”
Cuốn sách vừa được Công ty cổ phần Sách Omega xuất bản ở Việt Nam qua bản dịch của Nông Duy Trường.