Có một sự khác biệt đáng kể giữa cuốn “Leonardo da Vinci” và những cuốn tiểu sử trước đây mà Isaacson viết. Những thiên tài khác không để lại tài liệu gì về cuộc sống của họ và thời đại mà họ dẫn dắt. Leonardo thì không.

Ông để lại 7.200 trang sổ tay ghi chép tuyệt vời mà qua đó mọi người có thể tìm hiểu về ông, và đúng thế, những cuốn sổ tay này dầy đặc các bản đồ, hình tượng trưng, bản vẽ giải phẫu, lược đồ cho những cấu trúc mới, mô hình cho vũ khí mới, đề xuất thiết kế lại thành phố, mô hình hình học, chân dung, xoáy nước, gió lốc, làn khói, tâm tư, và quan sát khoa học về những điều biết trước huyền bí. (Trong số những điều đáng kinh ngạc nhất: Ông từng phát biểu về định luật chuyển động thứ nhất [luật quán tính] và thứ ba [lực và phản lực] 200 năm trước Newton).

Nhưng điều mà những cuốn sổ của Leonardo thiếu - cũng là điều mà Isaacson thừa nhận - là “những tiết lộ mang tính cá nhân gần gũi”. Một số nhà viết tiểu sử hoàn toàn thoải mái sáng tác một bức chân dung toàn diện dựa trên một vài dấu chân mờ nhạt. Isaacson dường như không phải là loại nhà văn đó. Thiếu vắng các tài liệu quen thuộc, ông đã bù lại bằng những phân tích phong phú về các tác phẩm của Leonardo.

Một trang sổ tay với hình vẽ bào thai trong tử cung của Leonardo. Nguồn: Getty Images

Tôi không chắc chắn liệu vai trò nhà phê bình nghệ thuật có phù hợp với Isaacson không. Sự nhiệt tình của Isaacson thật đáng ngưỡng mộ, nhưng ông chào đón nhiều công trình sáng tạo của Leonardo với sự nín thở của một thiếu niên khi chào đón sản phẩm mới của Apple. Những từ như “thiên tài”, “kỳ diệu” và “tinh xảo” xuất hiện rất nhiều. Là một nhà sử học nghệ thuật, Isaacson rơi vào tính ôm đồm quá mức của các đồng nghiệp, ông vận dụng cái phong cách rối rắm bí hiểm của giảng viên ngành bảo tàng - “đó là cảnh linh hồn cô ấy và linh hồn tự nhiên được xoắn quện với nhau,” ông viết về bức Mona Lisa - và dùng nhiều trang viết về những câu hỏi mình quan tâm và đưa ra một vài cách lí giải của riêng mình, như câu hỏi liệu trong bản vẽ gốc mang tên “Virgin and Child With Saint Anne” có hay không có con cừu. Ở những đoạn này, ông đã không chỉ bỏ lỡ cánh rừng để tìm vài cái cây. Ông thậm chí chỉ nhìn thấy vỏ cây.

Isaacson tự tin hơn khi ở trong lĩnh vực quen thuộc của mình, đó là khi ông miêu tả hình ảnh Leonardo với tư cách là một nhà khoa học và nhà sáng tạo, một kỹ sư và một bác sĩ. Trong khoảng những năm từ 1508 - 1513, Leonardo đã lột da ít nhất 20 xác chết để nghiên cứu và vẽ các nhóm cơ, các bộ phận, các đường gân tĩnh mạch. Phân tích của ông về cơ thể con người triệt để đến nỗi ông đã xác định được van động mạch chủ hoạt động như thế nào 450 năm trước khi có những thiết chế về y tế làm việc đó (bác sĩ phẫu thuật Sherwin Nuland nói, “trong tất cả những điều ngạc nhiên mà Leonardo để lại, điều này dường như là phi thường nhất.”)

Isaacson xuất sắc nhất khi ông phân tích những điều khiến cho Leonardo trở nên “người” hơn cả. Đó là việc Leonardo hay nhỡ các deadline, ông là người khởi đầu các dự án hơn là người hoàn thành các dự án đó. Ông bỏ dở một bức tượng kỵ sĩ cao gần 7m định dành cho một hoàng tử; ông bỏ dở các bức tranh và tranh tường định dành cho những nhà bảo trợ giàu có; ông phác họa “những cỗ máy bay không bao giờ bay, những chiếc xe tăng không bao giờ lăn, một con sông không bao giờ được chuyển hướng.”

Một trong những thành tựu bị đánh giá thấp nhất của Leonardo có thể là sự biện hộ hùng hồn cho bản tính hay trì hoãn của mình. “Những người có tài năng cao quý đôi khi đạt được nhiều nhất lúc họ làm việc ít nhất…” ông nói với một trong những người bỏ tiền thuê ông, “bởi tâm trí của họ đang bận rộn với ý tưởng và sự hoàn thiện các quan niệm mà họ sẽ thể hiện ra sau này.”

Leonardo là một người cầu toàn không khoan nhượng. (Một nhà viết tiểu sử trước đây viết “ông nhận thấy sai lỗi ngay cả trong những điều mà với người khác đó dường như là phép lạ”). Ông vẽ bức Mona Lisa trong 16 năm, và bức tranh nằm trong phòng ngủ của ông khi ông qua đời.

Giống như nhiều nghệ sĩ, điểm yếu của Leonardo không tách rời khỏi thế mạnh của ông. Nếu ông không phải là một người cầu toàn dễ bị phân tâm, ông đã để lại một sự nghiệp chính thức đồ sộ hơn nhưng lại kém ấn tượng hơn. Thay vào đó, ông bỏ dở những thứ ông thấy không đi đến đâu, điều này cho phép ông “đi vào lịch sử như một thiên tài có sức ám ảnh hơn là chỉ như là một họa sĩ bậc thầy vững chãi,” Isaacson viết.

Sự hoàn hảo ở con người thường đi đôi với một loạt chứng loạn thần kinh nguy hại. Tuy nhiên, Leonardo có vẻ thích nghi với điều đó khá tốt, đặc biệt với tư cách một nghệ sĩ. Không giống như Michelangelo, người luôn chán nản và thường phủ nhận bản thân, Leonardo hào phóng và vui vẻ, thích áo choàng màu tím và hồng. Ông đặc biệt không có tính cạnh tranh. Ông không dành cả ngày để hậm hực vì những cuộc tranh cãi (ông không phải là Caravaggio.) Ông thoải mái cởi mở về việc mình là người đồng tính (còn Michelangelo thì không), vui vẻ chiều chuộng người bạn lâu năm của mình với số giày dép và đá quý đủ khiến ngay cả Imelda Marcos cũng cảm thấy sung sướng.

Và đặc biệt con người ông không chất chứa cái tôi vị kỉ, “ông quan tâm đến việc theo đuổi tri thức hơn là xuất bản chúng,” Isaacson viết. “Ông muốn tích lũy kiến thức vì mục đích hiểu biết, và vì niềm vui cá nhân của riêng mình, chứ không có tham vọng làm nên tên tuổi như một học giả hay là một phần của tiến trình lịch sử.”

Trong những năm gần đây, người ta bàn nhiều về khoa học về sự sáng tạo, qua các bài giảng do TED tổ chức hay những cuốn sách khích lệ kinh doanh, hướng dẫn chúng ta cách giải phóng những Leonardo bên trong chính mình. Điều thú vị trong cuốn tiểu sử do Isaacson viết là nó không chuyển tải những điều như vậy; tác giả kể câu chuyện về những người có thể định nghĩa mà không thể bắt chước.

Nhưng trong kết luận của cuốn “Leonardo da Vinci,” Isaacson đầu hàng trước sự quyến rũ dễ dàng của những bài giảng của TED, và trời ơi, điều đó thật đáng thất vọng. Trong tiểu mục “Học từ Leonardo,” ông cung cấp 20 lời nói tầm phào được in nghiêng, bao gồm Giữ cảm giác của trẻ thơ về sự kỳ diệu và Hãy với xa hơn tầm của bạn. Không có gì đặc biệt hữu ích. Đó đều là những quả đào đóng hộp chán ngấy. Mặc dù là có lẽ tôi đã quá già để Mở ra một sự bí ẩn.

Những gì còn lại sau khi đọc “Leonardo da Vinci” chỉ là sự thờ ơ của vĩ nhân với vinh quang. Ông sống trong thế giới với những nỗi ám ảnh riêng của mình. Ông thường tuyệt vọng vì không hoàn thành một công việc nào đó. (Ông viết trong cuốn sổ ghi chép của mình: “Hãy nói cho tôi biết nếu tôi đã từng làm được một việc gì đó”). Thật là một thiên tài kỳ lạ, thật là một món quà tuyệt diệu khi chúng ta được biết về ông.