GS Klaus Krickeberg – một trong những giáo sư toán thuộc loại tinh hoa nhất sau Thế chiến Thứ hai của Đức và là một nhà khoa học hơn nửa thế kỷ dấn thân cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ và trong lĩnh vực toán học ứng dụng với mong muốn nâng cấp y tế công cộng của Việt Nam lên tầm quốc tế.

Vừa qua GS Klaus Krickeberg đã được Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị.

Klaus Krickeberg thuộc thế hệ tinh hoa của CHLB Đức thời hậu chiến. Ông sinh năm 1929 tại Ludwigslust, thành phố lâu đài trung tâm của bang Mecklenburg-Vorpommern, Bắc Đức. Ngoài dòng máu Đức, ông còn mang dòng máu của những người Hugenot Pháp định cư lâu đời ở Đức để tránh đàn áp tôn giáo.

Ở tuổi 29, ông là một trong những người trẻ nhất, ông được phong hàm giáo sư thực thụ (full professor) tại Đại học Heidelberg (1958). một đại học rất cổ xưa và nổi tiếng châu Âu, với rất nhiều cựu sinh viên tên tuổi, như Max Weber, Hermann von Helmholtz, Karl Jaspers, Wilhelm Wundt, Hannah Arendt, Fritz Haber, Max Born, và những người nước ngoài như Dmitri Mendeleev, Sofia Kovalevskaya.

Ông là nhà toán học làm về xác suất đầu tiên và duy nhất thời hậu chiến, cùng giúp xây dựng ngành xác suất từ con số không sau khi Quốc xã phá tan nền khoa học đỉnh cao của nước Đức. Ông là người nổi tiếng đầu tiên ở nước ngoài và được mời đi diễn thuyết, ở Mỹ, Đan Mạch, Pháp, Liên Xô...

Klaus Krickeberg 1976. Ảnh: Viện toán học Oberwolfach, Đức

Năm 1968, ông đã được bầu làm “Fellow” của “Institute of Mathematical Statistics” của Hoa Kỳ, một vinh dự rất lớn. Sự công nhận lớn nhất dành cho ông là từ 1977-1979, ông được bầu làm Chủ tịch của “Bernouilli Society for Mathematical Statistics and Probability”, tổ chức quốc tế trong lãnh vực này. Ngoài ra, 1983, ông được bầu làm viện sĩ của “Hàn lâm viện Khoa học Đức Leopoldina”. Viện Hàn lâm hoạt động lâu đời nhất thế giới, nơi Albert Einstein và David Hilbert cũng từng là thành viên.

Năm 1965 một việc làm đã đưa ông vào một cuộc dấn thân có tính “định mệnh” mà có lẽ lúc đó ông cũng chưa hình dung hết, là góp tiền cho Vietnam Hilfsaktion, một tổ chức nhân đạo ở Cộng hòa Liên bang Đức quyên góp giúp Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Mối liên hệ của ông với Việt Nam hình thành từ đó.

Năm 1966, ông đã ký tên vào Tuyên cáo phản đối Chiến tranh Việt Nam của các nhà toán học tham dự Hội nghị toán học quốc tế lần thứ 15 tại Moscow, do sáng kiến của nhà toán học Pháp Laurent Schwartz (giải Fields 1950). Năm 1966 được đánh dấu bằng việc Mỹ bắt đầu oanh tạc miền Bắc, đồng thời bằng sự hình thành của phong trào phản chiến Mỹ ở UC Berkeley, với sự tham gia của nhà toán học Mỹ Stephen Smale (giải Fields 1966). Phải nói đó là hành động rất can đảm của GS Krickeberg nếu biết rằng CHLB Đức là đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ trong mặt trận chống khối Xô viết trong cuộc chiến tranh lạnh. Từ năm đó, phong trào chống chiến tranh trên thế giới phát triển mạnh mẽ cùng với sự gia tăng chiến tranh.

Từ 1965 đến thời điểm 2016, tức hơn nửa thế kỷ, tổng cộng ông đã thăm và làm việc với Việt Nam cả thảy 31 lần. Trong các nhà khoa học nước ngoài đã từng ủng hộ cuộc đấu tranh chống chiến tranh, có lẽ Klaus Krickeberg là một trong rất ít người, hay duy nhất, vẫn miệt mài công việc hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc xây dựng hòa bình. Với uy tín khoa học của mình, ông đã góp phần giúp phá thế cô lập của Việt Nam về khoa học, và còn xây dựng nền toán học ứng dụng, đặc biệt trong lãnh vực y tế công cộng.

Mùa hè năm 1974, ông bước lên chuyến xe lửa “định mệnh” từ thành phố Bielefeld để đi thăm Việt Nam, theo lời mời của Viện Toán Việt Nam ở Hà Nội. Chuyến đi xuyên quốc gia bằng đường bộ này kéo dài hơn 10 ngày, qua Siberia, Mông Cổ, Trung Quốc đến Hà Nội. Một hành trình táo bạo và gây tiếng vang trong dư luận Đức. Có lẽ ngoài hai nhà toán học Pháp Laurent Schwartz và Grothendieck, nhưng chưa ai thực hiện một chuyến đi ‘mạo hiểm’ như thế đến Việt Nam.

Để chuẩn bị cho các bài giảng tại Việt Nam, ông tự học tiếng Việt trên xe lửa trong suốt chuyến đi. (Sau đó tại ĐH Paris 7, ông học tiếp về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam đến khi lấy được bằng cử nhân năm 1988. Điều đó cho thấy ông đã nghĩ đến một cuộc dấn thân cho Việt Nam lâu dài). Cho đến năm 1991 ông thường giảng dạy và làm xêmina bằng tiếng Việt.

Trong chuyến thăm tại Hà Nội trong sáu tuần, ông đọc nhiều bài giảng tại Viện Toán, và gặp gỡ các nhà toán học và khoa học lớn như GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy, GS Tôn Thất Tùng, Tạ Quang Bửu. Họ đều bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến ứng dụng toán xác suất thống kê trong y tế, chẩn đoán được hỗ trợ bằng máy tính. Xác suất thống kê là một ngành toán có rất nhiều ứng dụng quan trọng, và rất thiếu tại Việt Nam.

Do chuyến đi Hà Nội này, ông đã phải từ chối lời mời đọc bài tham luận toàn thể trước Hội nghị Toán học thế giới (IMC) được tổ chức tại Vancouver, một vinh dự rất lớn dành cho ông. Nhưng Việt Nam mới là mục tiêu ưu tiên của ông, xứ sở mà ông muốn “khám phá”.

Trở lại Bielefeld, ông triển khai một loạt hoạt động ủng hộ Việt Nam, như tổ chức “Tuần lễ Việt Nam” cùng Hội sinh viên ở đó, chiếu phim Đường mòn Hồ Chí Minh, tổ chức gửi sách khoa học từ Đức về Việt Nam, thuyết trình về ngành toán học Việt Nam tại các diễn đàn Đức và Pháp.

Sau chuyến đi Việt Nam đầu tiên 1974, ông chuyển sang làm giáo sư của Đại học Paris V, ở đây không khí chính trị và môi trường hoạt động cho Việt Nam có lẽ thuận lợi hơn. Ông là thành viên của Phòng thống kê y tế của Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) gắn liền với đại học.

Từ 1980 trở đi, với tư cách là Giáo sư cấp ngoại hạng (Professeur de Classe exceptionnelle), ông đã dạy 12 năm liền những ý tưởng về Y tế công cộng. Ông tự nhủ: “Trước tiên, phải tự học thêm những thứ mà chính mình đang trăn trở”, và không gì tốt hơn là bằng giảng dạy. Ông đã dành cho sinh viên Toán ứng dụng của ông ở Đại học Paris V một khóa học về “Dịch tễ học” theo nghĩa rộng, bao gồm cả Dịch tễ học lâm sàng và các thử nghiệm lâm sàng cụ thể.

“Chương trình bao gồm 6 giờ lý thuyết và thực hành hàng tuần suốt toàn năm học. Trong đó có nhiều kiến thức Thống kê, nhưng cũng chứa các nội dung khác như Phương pháp mô hình hóa rời rạc trong di truyền học dân số và mô hình hóa phát triển dịch bệnh bằng phương trình vi phân, theo cả hai cách tiếp cận tất định và ngẫu nhiên. … Ông đã dạy giáo trình đó hơn chục lần cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1998. Kết quả là những sinh viên theo đuổi thành công chương trình đó đã rất “đắt hàng” trong hệ thống y tế Pháp. Họ dễ dàng tìm được các vị trí trong các bệnh viện lớn, trong bộ máy quản lý y tế và trong các viện nghiên cứu y tế và “y tế công cộng” như ông thuật lại trong một bài diễn thuyết về trải nghiệm Việt Nam “Toán học có cần cho Y tế công cộng?”

Đó là chương trình mà ông sẽ thực hiện ở Việt Nam bằng giảng dạy và thực hành 35 năm liền. Năm 1998, ông nghỉ hưu tại ĐH Paris, nhưng chưa nghỉ hưu đối với Việt Nam.

(Xem tiếp kỳ sau)