Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cúm gia cầm đã giết chết hàng chục con mèo ở Ba Lan. Đây là báo cáo đầu tiên về một số lượng lớn mèo bị nhiễm bệnh trên diện rộng ở một quốc gia.

Ngày 27/6, các nhà chức trách Ba Lan thông báo cho WHO về các ca mèo chết bất thường trên khắp cả nước. Sau khi điều tra, đến ngày 11/7, WHO cho biết 29 trong số 49 mẫu được xác nhận dương tính với cúm gia cầm, hay còn gọi là cúm gà.

Hiện chưa rõ nguồn lây bệnh cho những con mèo ở Ba Lan. Tuy nhiên, WHO chỉ ra một vài khả năng về nguồn lây: có thể những con mèo này đã tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với chim bị bệnh hay môi trường của chúng, đã ăn chim bị bệnh, hoặc ăn thức ăn nhiễm virus.

Trong số 25 con mèo có thông tin thì 2 con sống ngoài trời; 18 con sống trong nhà có ban công, sân thượng hoặc sân sau; 5 con là mèo nhà không được ra ngoài. Bảy con mèo có cơ hội tiếp xúc với chim hoang dã.

Đến ngày 30/6, 11 con mèo đã chết và 14 con khác được cho an tử. Khám nghiệm xác của vài con cho thấy dấu hiệu viêm phổi. Một số con đã có triệu chứng nặng như khó thở, tiêu chảy ra máu và các dấu hiệu về thần kinh, dẫn đến sức khỏe sụt giảm nhanh chóng và chết.

Các trường hợp mèo nhiễm cúm Ba Lan đang khiến các chuyên gia y tế lo ngại. Ảnh: AFP
Các trường hợp mèo nhiễm cúm Ba Lan đang khiến các chuyên gia y tế lo ngại. Ảnh: AFP

Các mẫu dương tính đến từ 13 khu vực địa lý khác nhau tại Ba Lan. Các ca mèo nhiễm cúm gia cầm rải rác từng được ghi nhận, nhưng theo WHO, đây là báo cáo đầu tiên về một số lượng lớn mèo nhiễm bệnh trên diện rộng tại một quốc gia.

Từ năm ngoái, các nhà chức trách ở 10 quốc gia đã thông báo về các dịch cúm gia cầm ở động vật có vú, như chồn ở các trang trại Tây Ban Nha, hải cẩu ở Mỹ, sư tử biển ở Peru và Chile.

Sự việc đang diễn ra ở Ba Lan là điều đáng lo ngại. Virus cúm gia cầm càng tăng khả năng thích nghi và tốc độ lây lan thành công sang loài có vú thì nguy cơ với con người càng tăng. Nếu virus lây nhiễm sang người thì có khả năng số trường hợp có thể đạt đến mức đủ cao để tạo ra một chu kỳ lây truyền trong các cộng đồng dân số.

Cho đến nay chưa có ghi nhận nào về việc con người bị lây nhiễm sau khi tiếp xúc với mèo bị bệnh. Do đó, nguy cơ nhiễm bệnh ở người sau khi tiếp xúc với mèo bị bệnh là thấp với dân chúng nói chung. Còn với những người nuôi mèo và làm công việc phải tiếp xúc với mèo mà không có thiết bị bảo vệ thích hợp thì nguy cơ ở mức thấp tới trung bình.

Các chuyên gia khuyến nghị những người nuôi thú nên chú ý quan sát thú nuôi của mình. Bệnh cúm gia cầm có dấu hiệu như ngủ lịm, và một số trường hợp nặng có thể gây tiêu chảy, co giật và run. Cần giảm thiểu tiếp xúc, ví dụ như giữ mèo trong nhà, đeo xích cho chó, ngăn chúng tiếp xúc với chim chết hoặc các vật thể có thể bị nhiễm khuẩn từ chim.


Nguồn: