Dù được coi là xu hướng tất yếu giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, song chuyển đổi số vẫn còn là một khái niệm khá mờ nhạt với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Trong báo cáo “Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam” (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) năm 2022, gần một nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát đã từng ứng dụng một số giải pháp chuyển đổi số nhưng hiện tại đã dừng do giải pháp chưa phù hợp, hoặc không còn nhu cầu sử dụng. Ngay cả khi quan tâm đầu tư chuyển đổi số, chưa chắc họ đã đạt được thành công như mong đợi. “Việc áp dụng công nghệ số tại nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn mang tính cục bộ và rời rạc do thiếu mục tiêu, kế hoạch cũng như chiến lược thực hiện thiếu rõ ràng ngay từ đầu”, theo báo cáo.
Không ít doanh nghiệp trên thế giới cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tony Saldanha, tác giả của cuốn sách “Tại sao chuyển đổi số thất bại: Những nguyên tắc đáng kinh ngạc để cất cánh và dẫn đầu”, cho biết 70% doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại và nguyên nhân chính là họ không xác định được rõ ràng, cụ thể doanh nghiệp của họ cần trở thành như thế nào. Mục tiêu của chuyển đổi số là gì? Và doanh nghiệp nên bắt đầu chuyển đổi số từ đâu?
Những câu hỏi trên đã dẫn anh Bùi Đức Minh đến với con đường nghiên cứu và cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt Nam. Với xuất phát điểm là một kỹ sư tự động hóa có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong các doanh nghiệp, cách đây hơn 10 năm, anh và các cộng sự đã sáng lập Công ty TNHH Công nghệ MIND, chuyên cung cấp các giải pháp chuyển đổi số trong sản xuất. Một trong những sản phẩm tiêu biểu là hệ thống điều hành sản xuất MES 4.0: “Phần mềm MES của chúng tôi có thể giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất, từ khâu mua nguyên vật liệu, sản xuất đến đóng gói…, tất cả diễn ra nhịp nhàng, nhanh chóng, giam sai sót và tiết kiệm chi phí”, anh Bùi Đức Minh giới thiệu trong hội thảo về hệ thống điều hành sản xuất MES do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (Sở KH&CN TP.HCM) tổ chức vào năm 2022. “Điều tự hào là cả phần cứng và phần mềm đều do chúng tôi tự sản xuất”.
“Made in Vietnam” và “Make by MIND”Những cụm từ trên xuất hiện thường xuyên trong các bài viết giới thiệu sản phẩm của MIND. Thực ra, không có gì khó hiểu bởi đây chính là điểm khác biệt tạo nên thương hiệu của họ: “Hệ thống MES đã có từ lâu đời rồi, nhưng không giống nhiều công ty công nghệ khác khi khởi nghiệp số hóa và chuyển đổi số thường chỉ tập trung phát triển nền tảng phần mềm hoặc cloud app - những hướng đi an toàn và khả thi, chúng tôi làm cả phần cứng và phần mềm”, anh Bùi Đức Minh chia sẻ trên trang Facebook về MIND. “Bạn không thể có một nền tảng đúng nghĩa khi chỉ làm tốt phần mềm và cloud app trong các lĩnh vực có liên quan đến IoT hoặc thu thập dữ liệu theo thời gian thực”.
Hệ thống điều hành sản xuất MES (Manufacturing Execution System) là giải pháp gồm phần cứng và phần mềm nhằm kiểm soát mọi hoạt động sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Các chức năng chính của hệ thống MES bao gồm: quản lý hoạt động sản xuất, quản lý các nguồn lực trong sản xuất, quản lý máy móc thiết bị và các thông tin về sản phẩm. MES hoạt động như một hệ thống trung gian giữa các hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (Enterprise Resources Planning – ERP), và hệ thống giám sát điều khiển và thu thập dữ liệu (Supervisory Control and data acquisition – SCADA) hoặc các hệ thống quản lý quy trình.
Các chức năng trên được thể hiện rõ trong sáu module được tích hợp trong hệ thống MES do anh Bùi Đức Minh và các cộng sự ở MIND phát triển. Bao gồm module tích hợp thiết bị IoT để đo lường máy móc sản xuất; module điều hành sản xuất; module quản lý kho; module quản lý chất lượng; module quản lý thiết bị và bảo trì bảo dưỡng; module quản lý truy xuất nguồn gốc. Trong module thứ nhất về tích hợp thiết bị IoT để đo lường máy móc sản xuất, nhóm nghiên cứu sử dụng các biến dòng dạng kẹp (CT kẹp) để đo thông số điện năng của máy móc. “Thiết bị CT này rất nhỏ gọn, dễ sử dụng, chỉ cần kẹp vào dây điện là đo được dòng điện, tần số, công suất tiêu thụ, điện áp. Khi đo được năng lượng rồi, chúng tôi sẽ xây dựng đường cơ sở về công suất tiêu thụ của thiết bị, từ đó xây dựng KPI về năng lượng cho các thiết bị máy móc. Chỉ cần một KPI nào không đạt, chúng ta có thể truy xuất ra nguồn gốc tiêu thụ năng lượng, xác định phụ tải nào, thiết bị nào là tác nhân gây ra vấn đề, nhờ đó xử lý kịp thời”, anh giải thích.
Ở module thứ hai về điều hành sản xuất, phần mềm sẽ hỗ trợ quản lý và đánh giá chi tiết năng lực sản xuất của từng phân xưởng, dây chuyền, giúp nhà quản lý dễ dàng quản trị và điều phối sản xuất. Thứ ba là module quản lý kho, hỗ trợ giám sát tình trạng kho hàng hóa theo thời gian thực, nắm bắt được dòng chảy của sản phẩm trên mỗi công đoạn theo thời gian thực thông qua những công nghệ nhận diện như QR code và barcode. Tiếp theo là module quản lý chất lượng, hệ thống MES sẽ kiểm tra chất lượng hàng hóa ở từng công đoạn, phát hiện sản phẩm lỗi bằng các công nghệ như thị giác máy, đi kèm với hệ thống phân tích, đánh giá tỉ lệ, nguyên nhân lỗi, hỏng và thiết lập quy trình xử lý sản phẩm lỗi. Bên cạnh đó, module quản lý thiết bị và bảo trì, bảo dưỡng sẽ giám sát tình trạng thiết bị theo thời gian thực và đưa ra cảnh báo các sự cố bất thường, thiết bị quy trình bảo trì tự động và theo dõi, giám sát tiến độ, kế hoạch, chất lượng và chi phí bảo trì.
Để có được bộ sản phẩm hoàn chỉnh như trên, đội ngũ của MIND đã vượt qua không ít khó khăn trong quá trình nghiên cứu và đưa ra ứng dụng. Từ những bước đầu tiên trên hành trình này, họ đã rơi vào tình cảnh “hết sức éo le”: “Cách đây 10 năm, chúng tôi đã bắt đầu xây dựng và làm chủ nền tảng, giải pháp phần cứng và phần mềm ứng dụng trong sản xuất. Mặc dù đi khắp các nhà máy để giới thiệu về các giải pháp, các vấn đề chuyển đổi số nhưng chúng tôi chẳng nhận được dự án nào cả”, anh Bùi Đức Minh chia sẻ trong hội nghị BizTech Việt Nam 2023. Giữa lúc ấy, cơ hội đến với cả nhóm trong một dự án ứng dụng thị giác máy để kiểm tra chất lượng – “vào thời điểm đó, chúng tôi cũng chưa hình dung được rõ ràng về dự án này, nhưng cũng mạnh dạn nhận làm, bởi lúc ấy, công ty cũng kiệt quệ rồi, không nhận cũng chết, mà nhận thì chắc chắn phải làm thành công”. Và đó là điểm thành công khởi đầu cho hành trình của MIND.
Thuyết phục khách hàng bằng chất lượngHiện nay, các giải pháp của MIND đã được ứng dụng cho nhiều doanh nghiệp và nhà máy sản xuất ở nhiều quy mô khác nhau trên cả nước. Tiêu biểu trong số đó là dự án “Giám sát - quản lý và vận hành nhà trạm BTS (Base Transceiver Station) thông minh” cho Mobifone vào cuối năm 2022. “Dự án ứng dụng công nghệ AIoT trên nền tảng phần mềm cloud app thông minh cùng phần cứng IoT chất lượng cao do chính MIND xây dựng và sản xuất, giúp Mobifone giám sát sử dụng năng lượng hiệu quả, giám sát nhiệt độ - độ ẩm và điều khiển điều hòa nhà trạm thông minh, bảo trì chủ động các thiết bị viễn thông và đảm bảo an toàn - an ninh nhà trạm…, qua đó tiết kiệm chi phí năng lượng, loại trừ rủi ro và sự cố, đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”, theo thông tin trên trang Facebook của MIND. Đặc biệt, “hệ thống có thể mở rộng về quy mô số lượng không giới hạn trạm BTS trên phạm vi toàn quốc, với các chức năng thông minh và tối ưu bằng thuật toán AI”.
Làm thế nào để từ một công ty non trẻ, “chẳng có dự án nào” như MIND thu hút được nhiều khách hàng như hiện nay? Có lẽ, câu trả lời nằm ở chất lượng của những sản phẩm. Tiêu biểu như giải pháp kiểm soát sản phẩm thông qua thị giác máy, có thể phát hiện những sản phẩm lỗi và đẩy ra khỏi dây chuyền sản xuất, chẳng hạn như khi chai nước có kiến, gián hoặc các loại côn trùng khác, cũng như các dị vật, chất bẩn…, hoặc các lỗi ngoại biên như hình dáng, kích thước, mẫu mã QR code, barcode. Hệ thống này có thể thay thế con người cho công đoạn kiểm tra chất lượng, giúp công suất kiểm tra tăng gấp 10 lần, tiết kiệm chi phí và nhân lực, đồng thời vẫn đảm bảo độ chính xác đạt 99,8%.
Một trong những lợi thế lớn nhất của MIND là có một “đội ngũ chuyên gia tâm huyết cùng các kỹ sư trẻ năng động, giàu sáng tạo và nhiệt huyết”. Bên cạnh đó, họ cũng xác định đầu tư cho khoa học và công nghệ là con đường bắt buộc phải đi: “Chúng tôi đang vận hành xưởng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất thiết bị theo tiêu chuẩn công nghiệp cùng quy trình công nghệ khắt khe, với mong muốn các sản phẩm, công nghệ của MIND không hè kém cạnh các hãng lớn của các nước tiên tiến trong tương lai gần, nhưng giá thành cạnh tranh hơn nhiều. Đội ngũ R&D của chúng tôi đang nỗ lực cho điều đó”, anh Bùi Đức Minh cho biết.
Vẫn còn nhiều việc cần làm để đạt được mục tiêu trên, song những thành công bước đầu đã giúp đội ngũ của MIND thêm vững bước. “Đến nay, chúng tôi đã triển khai rất nhiều dự án cho các nhà máy. Khi ký được hợp đồng, giá trị lớn nhất mà chúng tôi nhận được không phải là tiền, mà chúng tôi thấy ứng dụng của mình đã được công nhận. Đến nay, các thiết bị IoT của MIND chạy hơn bảy năm trong các nhà máy mà chưa có sự cố nào, đây là điều chúng tôi rất tự hào. Và điều đáng mừng hơn cả là các khách hàng của chúng tôi đã được hưởng lợi về hiệu quả kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, giảm chi phí và tăng lợi nhuận trong sản xuất”, anh Bùi Đức Minh nói.