Trên toàn cầu, mỗi năm có khoảng 400 triệu người mắc bệnh sốt huyết và khoảng 20.000 người không qua khỏi. Indonesia sẽ triển khai tiêm một loại vaccine sốt xuất huyết trong năm tới. Tuy nhiên vẫn còn tranh luận về việc vaccine mới đã thực sự an toàn hay chưa.

Vaccine có tên Qdenga, do công ty dược phẩm Takeda ở Tokyo phát triển. Qdenga gây chú ý vì là loại vaccine sốt xuất huyết đầu tiên tiêm được cho những người chưa từng phơi nhiễm với bệnh (tức chưa từng tiếp xúc với mầm bệnh).

Ngoài Qdenga, chỉ có một loại vaccine sốt xuất huyết khác đã được một số nước phê duyệt, đó là Dengvaxia do Sanofi phát triển. Tuy nhiên vaccine này chỉ có thể tiêm cho những người đã nhiễm bệnh. Ở những người không có tiền sử nhiễm sốt xuất huyết, Dengvaxia làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng, bao gồm cả bệnh sốt xuất huyết do tình trạng hiếm gặp là "tăng cường phụ thuộc kháng thể" (ADE) [kháng thể sinh ra trong lần sơ nhiễm với một chủng virus không những không bảo vệ cơ thể mà còn giúp virus thuộc chủng khác trong lần nhiễm tiếp theo phát triển nhanh chóng và gây bệnh nặng].

Sốt xuất huyết diễn ra khi người bệnh nhiễm một trong bốn 4 chủng virus: DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4. Để giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, chúng ta cần được bảo vệ khỏi 2 chủng bất kỳ trong số 4 chủng này. Sau lần nhiễm bệnh thứ hai, hoặc sau khi tiêm vaccine sau khi đã nhiễm bệnh lần đầu, một người thông thường sẽ được bảo vệ chống lại cả 4 chủng.

Qdenga là vaccine virus bất hoạt, tiêm 2 liều. Vaccine sử dụng chủng DENV-2 làm "xương sống", sau đó bổ sung các protein quan trọng từ 3 chủng còn lại.

Năm 2019, Takeda công bố kết quả một thử nghiệm ở 8 quốc gia, được tiến hành trên khoảng 19.000 trẻ em từ 4 đến 16 tuổi. Theo đó, một năm sau tiêm, Qdenga ngăn được 80% số ca bệnh sốt xuất huyết có triệu chứng và 95% số ca nhập viện. Trong một thông cáo báo chí phát đi hồi tháng 6 năm nay, Takeda cho biết, 4 năm rưỡi sau tiêm, hiệu quả giảm tương ứng 61% và 84%.

Tháng 8 năm nay, cơ quan quản lý dược phẩm Indonesia đã phê duyệt việc sử dụng Qdenga mà không yêu cầu xét nghiệm phơi nhiễm sốt xuất huyết trước khi tiêm.

Indonesia cho phép sử dụng Qdenga cho những người từ 6 đến 45 tuổi, Eggi Arguni, bác sĩ nhi khoa tại Đại học Gadjah Mada, Yogyakarta, Indonesia, cho biết. Đây là lần đầu tiên nhóm trẻ nhỏ tuổi hơn được tiếp cận vaccine sốt xuất huyết, vì ở Indonesia, Dengvaxia chỉ được sử dụng cho người từ 9 tuổi trở lên. Arguni cho biết thêm, hơn một nửa số trẻ em ở Indonesia đã tiếp xúc với mầm bệnh sốt xuất huyết ít nhất một lần trước 6 tuổi, điều này làm giảm nguy cơ mắc ADE do vaccine mới gây ra.

Giữa tháng 10 vừa qua, một ủy ban tại Cơ quan Thuốc Châu Âu khuyến nghị phê duyệt sử dụng Qdenga cho người từ 4 tuổi trở lên, tuy nhiên Ủy ban châu Âu vẫn chưa công bố quyết định cuối cùng.

Bài học từ quá khứ

Với những dữ liệu có được cho đến nay, một số nhà khoa học lo lắng khi Qdenga được chấp thuận tiêm cho diện rộng. “Tôi thực sự thất vọng và ngạc nhiên khi chính phủ Indonesia phê duyệt vaccine mà không có một số hạn chế kèm theo", Aravinda de Silva, nhà virus học tại Đại học Bắc Carolina, Chapel Hill, người đã hợp tác với Takeda và các nhà phát triển vaccine sốt xuất huyết khác, cho biết.

Màn chống muỗi hiện là một trong những cách chính để ngăn chặn sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết.

Sau khi nhiễm bệnh sốt xuất huyết một lần, hệ thống miễn dịch đủ mạnh để bảo vệ chống lại lây nhiễm từ bất kỳ chủng nào trong 1-2 năm sau, de Silva nói. Nhưng sau khoảng thời gian này, con người sẽ chỉ được bảo vệ khỏi chủng họ đã từng nhiễm, và có nguy cơ mắc bệnh nặng và tình trạng ADE khi nhiễm chủng khác.

Và nếu một loại vaccine không thực sự bảo vệ chống lại cả 4 chủng, nó có thể gây ra hiện tượng tương tự khi tiêm cho những người chưa từng nhiễm sốt xuất huyết, cụ thể là làm bệnh trở nên nặng hơn nếu nhiễm chủng virus sốt xuất huyết khác với chủng trong vaccine, theo Leah Katzelnick, nhà dịch tễ học tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ ở Bethesda, Maryland.

Đó có thể là những gì đã xảy ra với Dengvaxia. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy loại vaccine này an toàn trước khi được triển khai trên khắp Philippines vào năm 2016. Nhưng 5 năm sau đó, dựa trên dữ liệu về số lần nhập viện ở trẻ nhỏ, Sanofi nhận thấy Dengvaxia gần như tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện ở trẻ từ 2-16 tuổi chưa từng nhiễm sốt xuất huyết trước khi tiêm.

Katzelnick nói rằng vụ việc này đã gây ra phản ứng dữ dội ở Philippines đối với vaccine nói chung. “Nếu không thận trọng sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực không chỉ với bệnh sốt xuất huyết”, Katzelnick nói.

Cho đến nay, không có trường hợp ADE nào xuất hiện trong các thử nghiệm lâm sàng của Qdenga. Nhưng một số nhà khoa học đã xem xét dữ liệu lâm sàng cho biết vaccine dường như không bảo vệ chống lại cả 4 chủng.

Những người chưa từng nhiễm bệnh và tiêm Qdenga vẫn được bảo vệ chống lại DENV-2 trong năm thứ ba sau tiêm. Tuy nhiên ở cùng thời điểm, họ được bảo vệ rất ít, hoặc không được bảo vệ chống lại DENV-1 hoặc DENV-3. Không có đủ trường hợp nhiễm DENV-4 để xác định liệu vaccine có bảo vệ chống lại chủng này hay không, ở những người chưa từng nhiễm bệnh trước khi tiêm.

Dữ liệu từ các thử nghiệm

Dữ liệu cho thấy Qdenga chỉ có khả năng bảo vệ lâu dài chống lại một chủng, có nghĩa là nhiễm chủng 1, 3 hoặc 4 có thể gây ra ADE, De Silva nói.

Thậm chí theo dữ liệu thử nghiệm, 2 năm sau khi tiêm, những người chưa từng nhiễm sốt xuất huyết tiêm Qdenga có nguy cơ nhập viện do DENV-3 cao hơn những người không tiêm. Katzelnick cho biết số ca DENV-3 là nhỏ và không có ý nghĩa thống kê, nhưng là dấu hiệu tiêu cực và cần phải xem liệu những con số này có tăng lên theo thời gian hay không.

“Những quan sát này là những dấu hiệu cảnh báo”, de Silva đồng ý. Họ cho rằng Qdenga đang hoạt động giống như một lần nhiễm sốt xuất huyết do DENV-2, và do đó làm tăng nguy cơ nhập viện ở những người nhiễm DENV-3 sau khi tiêm.

Dấu hiệu này gây lo ngại vì DENV-3 phổ biến ở nhiều khu vực, trong đó có Indonesia - theo Alejandro Marín López, nhà tiêm chủng học tại Đại học Yale ở New Haven, Connecticut.

Choo Beng Goh, người đứng đầu bộ phận y tế của Takeda Châu Á Thái Bình Dương, cho biết công ty không phát hiệnnguy cơ mất an toàn nào khi phân tích dài hạn về vaccine. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị, với vaccine, nên thu thập dữ liệu theo dõi sau tiêm trong 3-5 năm, và thử nghiệm Qdenga giai đoạn III đã tuân theo hướng dẫn này, theo Goh.

Goh đồng ý rằng ở những người chưa từng nhiễm sốt xuất huyết, dữ liệu dài hạn cho thấy vaccine không bảo vệ chống lại DENV-3, và không có đủ dữ liệu để đánh giá mức bảo vệ chống lại DENV-4, nhưng không có bằng chứng về ADE liên quan đến Qdenga. Về tổng thể, khi xem xét dữ liệu từ cả 4 chủng sốt xuất huyết, vaccine đã chứng minh hiệu quả ở những người chưa từng nhiễm bệnh, Goh cho biết.

Nguồn: