Theo Hiệp định Paris, Mỹ phải tháo gỡ bom mìn mà họ đã rải nhằm phong tỏa các cảng nước ta. Ngày 28/01/1973, Chuẩn Đô đốc Brian McCauley của Hạm đội 7 phải tới Hải Phòng để cùng tướng Hoàng Hữu Thái bàn việc rà phá thủy lôi.

Chiến công của những cô gái đếm bom

Theo Hiệp định Paris, Mỹ phải tháo gỡ bom mìn mà họ đã rải nhằm phong tỏa các cảng nước ta. Ngày 28/01/1973, Chuẩn Đô đốc Brian McCauley của Hạm đội 7 phải tới Hải Phòng để cùng tướng Hoàng Hữu Thái bàn việc rà phá thủy lôi. Theo số liệu Mỹ công bố, họ thả xuống miền Bắc trên 330 nghìn quả, riêng năm 1972, số lượng thả xuống cảng Hải Phòng là 11 nghìn quả. Trong quá trình đàm phán, khi hai bên cùng đưa ra các con số, phái đoàn Mỹ tỏ ra khâm phục những người đếm lôi (mine watcher) của chúng ta đã cho con số khá khớp với họ1. Họ không biết được rằng, để có được kết quả đó là nhờ cả một hệ thống quan sát, đo đếm bom do Đường biển xây dựng hết sức công phu.

Hình 2.1- Các cô gái đếm lôi. Trong ảnh: Trạm quan sát thủy lôi Hồng Châu (Cát Hải) - Miếu 3 Cô.

Để hiểu được công sức này, chúng ta cùng tìm hiểu quy trình đưa một quả thủy lôi đến các vị trí trên các cảng biển miền Bắc. Trên tàu sân bay Mỹ, trước khi lắp thủy lôi lên những chiếc A-4, A-6, chuyên viên lôi Mỹ (mine man) từng tốt nghiệp các trường EOD (Explosive Ordnance tiếp liệu các chất nổ) tại Hawai hay California sẽ kiểm tra từng quả, định thời gian và đưa các yêu cầu đánh phá, số hiệu… vào bộ kit của từng thủy lôi và báo danh mục đó cho máy bay. Khi thả lôi, dù máy bay Mỹ hết sức vội vàng để tránh lưới phòng không của chúng ta nhưng bản đồ điện tử vẫn ghi được toàn bộ hành trình, vị trí thả và tất nhiên đặc tính của từng quả lôi ở mỗi một vị trí.

Đưa thủy lôi MK52 lên bờ ở luồng Nam Triệu, ngày 28/6/1972. Được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chuyển lời khen tại trận địa.

Có lẽ, thật ngạc nhiên là đối đầu với những người chuyên nghiệp như vậy, đa số đều là các thiếu nữ tuổi đôi mươi. Họ, những người đếm lôi của chúng ta, được phân bố trong các cung, đoạn đường của Bảo đảm Hàng hải suốt dọc ven biển, khi máy bay Mỹ lao tới là đã có mặt tại hiện trường, căng mắt nhận dạng từng quả lôi (hình 2.1). Tấm hình chụp cho chúng ta thấy tất cả các công việc đếm bom trong tiếng gầm rú của máy bay: cô Kim đứng bên chiếc la bàn câm, cô Huê cầm ống nhòm, cô Vây đang ghi chép, tại trạm Miếu Mẫu thuộc xã Hoàng Châu, Cát Hải, Hải Phòng. Bằng những chiếc la bàn câm do chính xưởng cơ khí Bảo đảm Hàng hải chế tạo, cô Kim sẽ đọc các phương vị, tức tọa độ rơi của bom, cô Huê đếm số lượng để cô Vây ghi chép. Những con số đó sẽ được trạm tổng hợp lại và vẽ lên tấm bản đồ khu vực. Sau đó, các dữ liệu của từng trạm được tập hợp lại và thành báo cáo của Cục, của Ban Chỉ huy quân sự cấp trên. Nhìn sơ đồ tuyến đường rà quét từ Hưng Hòa tới Bến Củi, bản đồ tỷ lệ 1/25.000 khu vực Bến Thủy do Nguyễn Khắc Khải vẽ ngày 30/05/1968, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về trình độ tồng hợp, trình bày tỉ mỉ, cố gắng dùng màu sắc rất hạn hẹp lúc đó để làm nổi bật chủ đề.

Ông Thái Phong tập huấn lý thuyết cho đội phá lôi về tháo gỡ, rà phá thủy lôi (quả to) và bom từ trường (quả nhỏ, bên trái).

Làm nên chiến công này không chỉ những cô gái ấy. Trong danh sách đếm bom của trạm do ông Soài làm trạm trưởng tại Cửa Hội ngày đó còn có những Hoàng Thị Toán, Nguyễn Thị Bổi; Đào Thị Minh cùng chồng tham gia canh gác, quan sát thủy lôi, bom mìn tại trạm H2 vịnh Hạ Long cùng các đồng đội như Phạm Thi Thu, Nguyễn Thị Ban, chị Hải, chị Ngủn... Nhưng đó cũng chỉ là những người sống sót sau chiến tranh, còn có những người đã hy sinh ở tuổi đôi mươi như như Đỗ Thị Mây cùng với các cô gái đếm bom như Vây, Vội trên đường ra trạm hay những người đã hy sinh trong trận bom Mỹ ném cảng Bến Thủy năm 1968… Và ngay cả những người còn lại cũng không dễ có được một cuộc sống bình thường. Một số thiếu nữ phá lôi đã để tuổi xuân vụt qua trong chiến tranh nên khi hòa bình lập lại, nhiều người đã không thể lập gia đình…

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Linh - người chủ trì thiết kế thiết bị phá lôi phiên bản thứ ba PĐ-67-3 (Ảnh chụp năm 1967).

Chữ ký của các con tàu

Chính từ những số liệu của các cô gái đếm bom và nhờ các chiến sĩ lặn, mò tìm, tháo các quả thủy lôi, quy luật đánh phá của các thủy lôi ngày càng được làm sáng tỏ. Chúng được định giờ và cài đặt tùy theo cái được gọi là “chữ ký của tàu”. Bởi vì trên thực tế chiến trường, chúng ta thấy bom hay thủy lôi từ tính có khi chỉ nổ khi gặp phải đúng một loại đối tượng nhất định.

Hình 2.2: Chữ ký của các con tàu.

Nếu con người dùng chữ ký (signature) để ghi dấu sự hiện diện bản thân mình thì con tàu trong cuộc đời hoạt động của nó cũng để lại những dấu ấn nhất định mà ngôn ngữ ngày nay gọi chung đó là những chữ ký. Chúng ta biết rằng, nhiều người đã dành thời gian tìm hiểu chữ ký để đoán tính cách con người, xuyên qua từ những chữ ký bay bướm tới chân phương, những chữ ký thanh thẳng tự nhiên của người đàng hoàng hay run rẩy rời rạc của người không dứt khoát… Do chữ ký cũng thể hiện cá tính, nét riêng của mỗi người nên thật dễ hiểu khi dùng chữ ký để ấn định cho từng con tàu, trong đó nổi bật nhất là chữ ký âm học (acoustic signature) và tiếp đến là chữ ký từ tính (magnetic signature) mà các khoa học quân sự hải quân phải nghiên cứu kỹ lưỡng trong các cuộc chiến tranh hiện đại.

Hình 2.3:Thiết bị PĐ 67-3.
HÌnh 2.4: Thiết bị đặt trên xuồng gỗ nhỏ.

Trong chiến tranh tại Việt Nam, các loại bom và thủy lôi mà người Mỹ sử dụng hầu hết đều thuộc loại sử dụng chữ ký từ tính. Bởi vậy, từ những năm 1967, chưa bao giờ mà những khái niệm về khoa học điện từ như từ trường, từ thông, cảm ứng từ, tiêu từ… hay những đơn vị như ampe, volt, milioersted... lại được anh em kỹ thuật làm công tác chống phong tỏa lại nhắc tới nhiều như vậy. Tại các trường đại học trong những năm đó, cuốn sách được mọi người tìm đến là cuốn Vật lý lý thuyết của hai nhà khoa học Xô viết gốc Do Thái Lev Landau và Evgeny Lifshitz.

Hình2.5: PĐ-67-3 được sản xuất hàng loạt 50 chiếc và thư tay của Thứ trưởng Nguyễn Lưu thúc giục gửi cho Thái Bình.

Về bản chất, từ trường của một con tàu (hình 2.2), bắt đầu mạnh dần lên từ mũi tàu và mạnh nhất tại nơi có nhiều sắt thép như thượng tầng, buồng máy… rồi kết thúc tại đuôi tàu. Để đánh phá tàu, mạch gây nổ của thủy lôi được lập trình để nhận biết chữ ký này và gây nổ. Do đó, các thiết bị rà phá thủy lôi phải tạo được xung từ gần giống với chữ ký từ mà thủy lôi đã lập trình, tức là tạo “một con tàu ảo” từ tính để gây nổ, phá thủy lôi. Ngày nay, với sự hỗ trợ của nhiều công cụ hiện đại, công việc này có vẻ như không quá khó nhưng vào thời điểm đó, đây là chuyện không dễ dàng. Tuy nhiên với nỗ lực của đội ngũ cán bộ khi đó đã chế tạo ra hàng loạt thiết bị phóng xung từ để phá lôi. Ngoài các khung dây chạy pin, còn có HDL-9 tức là viết tắt các chữ Hải quân Diệt Lôi ra đời tháng 9/1967 của xưởng X46, HT-5 tức Hải quân Từ trường tháng 5/1968, tiếp theo là HT-6, CBC tức Công Binh Cảng. Trung Quốc cũng gửi sang các thiết bị T 480 được lắp trên các tàu rà phá lôi có tên Thanh Niên, TV-03, của Bảo đảm Hàng hải.

Cuộc thử nghiệm đầu tiên

Rút kinh nghiệm của thiết bị đầu tiên, Tổ nghiên cứu rút kinh nghiệm cho các sản phẩm sau là PĐ - 67 - 02 và PĐ - 67 - 03. Thiết bị này bao gồm một ống dây có lõi từ bằng sắt CT 3 (với PĐ - 67 - 02) và bằng tôn silic (với PĐ - 67 - 03. Bình ac quy 12V - 128 Ah. Bộ tự động tạo xung để kích nổ thủy lôi.

Thiết bị PĐ - 67 - 03 được thiết kế gọn nhẹ (hình 2.3), đủ để đặt trọn trên một xuồng gỗ nhỏ (hình 2.4) và ngay khi thử nghiệm đã phá ngay được ba quả thủy lôi ở cửa Lạch Giang. Do đó, có lệnh cho phép sản xuất một loạt 50 chiếc để cung cấp cho các đơn vị trong và ngoài ngành đường biển (hình 2.5). Các chiến sĩ phá lôi đã sử dụng thiết bị này theo nhiều cách như kéo dây dọc hai bờ sông, thả trôi, kéo theo xuồng phá lôi...

Ngày nay, mỗi khi đi qua khu công nghiệp Thịnh Long Nam Định sầm uất tới một địa điểm mang tên Phà Gót Tràng trên đường ra cửa Lạch Giang của con sông Ninh Cơ, có mấy ai biết rằng tại đây đã tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên của thiết bị phá lôi phiên bản thứ ba PĐ-67-3. Người chủ trì thiết kế là kỹ sư Nguyễn Ngọc Linh tốt nghiệp điện khóa ba Đại học Bách khoa, lúc đó 31 tuổi, vừa lập gia đình được vài ngày. Trong nhóm thiết kế cùng đi thử nghiệm còn có kỹ sư đóng tàu Trần Công Chánh, miền Nam tập kết, sống độc thân. Hai kỹ sư “giành” nhau bước xuống chiếc thuyền gỗ chuẩn bị mang thiết bị đi thử nghiệm. Chánh quyết giành bằng được vị trí này vì “nếu có sao, tôi chỉ có một mình, còn Linh vừa lập gia đình, tội quá!”. Nhưng Linh trên vị trí chủ trì, muốn tận mắt thấy thiết bị hoạt động trên hiện trường. Thử nghiệm với bom đạn, hai kỹ sư giành nhau đi vào chiến đấu với tử thần. Thật may là cuộc thí nghiệm đã thành công ngoài mong đợi. Ba quả lôi nổ liên tiếp trên đường con thuyền tiến dần ra Biển Đông.

Có lẽ, một nhiệm vụ đầy gian nan và hiểm nguy đã diễn ra trong thế cận kề với cái chết như thế, không phải lúc nào cũng thuận lợi. Tổ nghiên cứu của Đường biển cũng đã có người hy sinh trên vị trí công tác, như trường hợp của kỹ sư điện Lê Nghinh người Bình Định, tốt nghiệp Đại học Gdansk Ba Lan vào ngày 16/04/1972, khi máy bay Mỹ phóng tên lửa trúng trụ sở Cục Đường biển. Nhưng thật ra những mất mát, hiểm nguy của các cán bộ nghiên cứu ở tuyến sau đâu bằng những người Đường biển đang trực tiếp chiến đấu: người đếm bom, người mò lặn đưa bom về nghiên cứu và đặc biệt là những đội sử dụng các thiết bị đã nghiên cứu chế tạo đi rà phá trên khắp các địa bàn với những cái tên thân thương: Ngã Ba Quả Xoài, cửa Lục, cửa Sót…

Chiến công mà họ lập nên thật quá đỗi khác thường. Mỗi khi nhắc lại, Cục trưởng Lê Văn Kỳ đều tự hào vì đã có cả một đội ngũ cán bộ từ kỹ sư tới những người thợ tài năng và nhiệt huyết, trong một “tổ hợp khoa học kỹ thuật khép kín” có khả năng hoàn thành những nhiệm vụ mà đất nước giao cho.

(Còn tiếp)

(1) Tài liệu Operation End Sweep –A history of Mine sweeping Operation in North Vietnam ,edited by Edward J.Marolda ,128 trang do Naval Historical Center Department of the Navy Washington xuất bản năm 1993 trang 58