Lợi ích của việc công nhận hôn nhân đồng giới ở Việt Nam rất đáng kể, ước tính có thể góp phần tăng GDP từ 0,16% - 0,44%/năm.

“Đám cưới” tập thể của các cặp đồng tính - một hoạt động nhân ngày Quốc tế chống kỳ thị với người đồng tính diễn ra vào tháng 5/2013 tại Hà Nội | Ảnh: Vương Linh/VNE
“Đám cưới” tập thể của các cặp đồng tính - một hoạt động nhân ngày Quốc tế chống kỳ thị với người đồng tính diễn ra vào tháng 5/2013 tại Hà Nội | Ảnh: Vương Linh

Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) vừa công bố nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về tác động của hôn nhân đồng giới tới nền kinh tế.

Lợi ích này đến từ việc gia tăng lựa chọn đối với các quyền tài sản, quyền nhận nuôi và chăm sóc con cái, cải thiện năng suất lao động của người LGBT, sự ra đời của những khu vực kinh tế mới liên quan đến LGBT khi hôn nhân cùng giới được công nhận, tăng khả năng cạnh tranh và thu hút nguồn lực của quốc gia…

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng các mô hình mô phỏng tác động kinh tế của việc hợp thức hóa hôn nhân đồng giới, bao gồm một mô hình dự đoán chi phí giảm trực tiếp từ việc giảm những rối loại tâm lý (dựa trên số năm tuổi thọ có thể bị mất đi do các bệnh tâm lý); một mô hình ước lượng gia tăng năng suất lao động tác động lên GDP nếu người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) được chuyển sang sống trong môi trường xã hội cởi mở hơn; và một mô hình ước tính sự gia tăng doanh số của những ngành liên quan vốn loại trừ cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho những người LGBT từ trước đến nay.

Theo đó, việc công nhận hôn nhân đồng giới sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm mỗi năm từ 13 triệu USD đến 71 triệu USD chi phí phát sinh từ những thiệt hại gây ra bởi các rối loạn tâm lý (rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu) do vị thế thiểu số của người LGBT.

Việc công nhận hôn nhân đồng giới cũng sẽ làm gia tăng năng suất lao động, nhưng tác động thay đổi sẽ không diễn ra cùng lúc mà kéo dài trong nhiều năm. “Việt Nam sẽ mất khoảng 10 năm để hồi phục những chấn thương tâm lý và cung cấp các cơ chế dung hợp hoàn toàn cho người LGBT”, đại diện nhóm nghiên cứu, ông Phạm Quốc Việt từ VESS cho biết.

“Trong ngắn hạn, lợi ích GDP tăng thêm có thể từ 0,16% - 0,44%/năm dựa trên tốc độ gia tăng GDP nền. Đó là những con số rất ấn tượng trong bối cảnh tốc độ gia tăng GDP bình quân của cả nước hiện vào khoảng 6 - 7%”, ông Việt nói thêm.

Công nhận hôn nhân cùng giới cũng mang lại lợi ích doanh thu tăng thêm từ 5,26% đến 12,36% cho các ngành công nghiệp có liên quan như tổ chức tiệc cưới, đồ dùng trẻ em, giáo dục trẻ em (với giả định công dân LGBT sử dụng hàng hóa cùng mức độ như công dân dị tính).

Thông qua những tính toán, nhóm nghiên cứu kết luận rằng tác động của hôn nhân đồng giới ở Việt Nam “rất đáng kể” và “đa dạng, đến từ nhiều chiều kích khác nhau" – từ cá nhân, gia đình, doanh nghiệp, đến xã hội và bối cảnh quốc tế.

Nhóm tác giả báo cáo khuyến nghị Việt Nam nên triển khai chương trình thay đổi nhận thức ở cấp toàn quốc, hướng tới việc công nhận người LGBT là đối tượng không bị loại trừ khỏi pháp luật (VD luật dân sự, luật hôn nhân gia đình…) và không bị phân biệt đối xử - dù vô tình hay cố ý – trong các thiết chế xã hội liên quan như giáo dục, y tế, sức khỏe, doanh nghiệp, tôn giáo,…

Tại Việt Nam, Luật Hôn nhân & Gia đình (2014) đã chính thức loại bỏ việc cấm hôn nhân đồng giới, nhưng vẫn không thừa nhận việc kết hôn của những cặp đôi cùng giới này tại Việt Nam. Tuy vậy, trong 7 năm qua, cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) và bối cảnh văn hoá, xã hội, pháp lý xung quanh họ đã có nhiều thay đổi theo hướng cởi mở hơn.

Việc chung sống, lập gia đình và nuôi dưỡng con cái của các cặp đôi cùng giới ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam, được sự ủng hộ của nhiều gia đình và người thân. Nhưng khi không được thừa nhận và bảo vệ bởi pháp luật, các gia đình LGBT vẫn gặp phải nhiều trở ngại trong việc chung sống và nuôi dưỡng con cái.

Cộng đồng LGBT tại Việt Nam trong nghiên cứu được xác định vào khoảng 9-11% dân số, dựa trên phân bố tỷ lệ LGBT bình quân của thế giới.

"Nghiên cứu rất mới, ra đời trong bối cảnh các bằng chứng về LGBT đang ngày càng cần thiết trong các quá trình lập pháp và ra chính sách, nên cách tiếp cận nghiên cứu cũng đưa ra những số liệu cụ thể nhất trong bối cảnh Việt Nam", ông Lương Thế Huy, giám đốc iSEE, nhận xét.

Xem hội thảo công bố báo cáo tại đây.