Hơn nửa thế kỷ trước, trong khoảng từ thập niên 1950 đến 1970, những công trình nghiên cứu nhân học của Claude Levi-Strauss, với nhãn hiệu “cấu trúc luận”, đã khuấy động triết học và các lý thuyết khoa học xã hội.

Nhưng thời thịnh của nó dần chấm dứt. Ông – người không thích sự nổi tiếng và những cuộc gặp xã giao cho bằng một đời sống khép kín với công việc, gia đình và đôi người bạn thân – nhìn sự suy tàn đó mà không thấy phiền lòng. Ngược lại, ông còn hài lòng, như đã viết trong lời tựa cuốn Viễn kiến [The view from afar] xuất bản năm 1983, vì giờ ông đã phần nào thoát khỏi cái nhãn người đời đặt cho với những định kiến và hiểu lầm. Có lẽ ông cũng hài lòng với những sự việc diễn ra sau cái chết của mình. Bởi vì cái chết đó đã kéo theo sự xuất hiện, tính tới năm 2021, 8 cuốn sách mới của ông. Chúng dường như có tác dụng tương tự việc ông không còn nổi tiếng nữa. Thực vậy, Vincent Debaene, người viết lời tựa cuốn sách của ông xuất bản năm 2018, Nhân học cấu trúc 0 [Structural anthropology zero], đồng thời là một trong những biên tập viên tuyển tập tác phẩm của ông ở nhà xuất bản Pléiade, đã viết: chính những tác phẩm ông không chọn in sách lúc còn sống có thể tạo ra những khả năng nghĩ khác và nghĩ tiếp cho người ngày hôm nay1. Điều Vincent Debaene nói cũng có thể sử dụng cho cuốn Nhân học đối diện với những vấn đề của thế giới hiện đại - nằm trong số những cuốn sách được xuất bản sau khi Levi-Strauss qua đời.

Nhân học đối diện với những vấn đề của thế giới hiện đại, Nguyễn Thị Hiệp dịch và giới thiệu, Omega+ & NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2020.

Cuốn sách này là thành quả từ chuyến đi Nhật Bản của Levi-Strauss. Lại một cuốn nữa cùng chủ đề Nhật Bản như Mặt khác của trăng, hẳn bạn sẽ nghĩ như vậy. Nhưng bạn đừng lo. Ông không phải là kiểu tác giả chỉ lo tổng kết học thuyết của mình, để khi đã thành công thì được trả tiền để lặp lại mình. Ngược lại, mỗi cuốn sách, hay cực đoan hơn như nhà phê bình văn học George Steiner từng nói, mỗi trang văn của Levi-Strauss, là không thể lặp lại2. Xét cuốn sách này trong tương quan với những cuốn sách khác xuất bản khi ông còn sống, có điểm khác biệt lớn: lần đầu tiên ông lập một lịch sử tư tưởng nhân học có phạm vi toàn thế giới.

Ông, trước khi viết một lịch sử như vậy, hẳn sẽ gắng định nghĩa thế nào là nhân học. Nhân học, như tên gọi của nó, là bộ môn nghiên cứu hiện tượng con người. Với nghĩa đó, các hoạt động có tính chất nhân học hiển nhiên đã diễn ra từ lâu. Tuy vậy, với tư cách môn chính quy được giảng dạy, nhân học chỉ xuất hiện vào đầu thế kỷ XX, khi tại đại học Liverpool, James Frazer có bài giảng đầu tiên.

Claude Levi-Strauss

Nhân học, theo cách hiểu của Levi-Strauss, là một khoa học được tiến hành nghiêm ngặt, có cao vọng hướng tới sự hiểu biết toàn diện và khách quan về con người ở trong sự mở rộng về địa lý và lịch sử. Các nghiên cứu nếu xứng đáng với quan điểm nhân học của ông, sẽ không thể hài lòng với những miêu tả thuần túy những phong tục nơi một cộng đồng, mà phải tiến xa hơn, gắng công “tìm thấy những công thức hiệu quả không chỉ đối với người quan sát trung thực và khách quan mà đối với tất cả các nhà quan sát có thể” (trang 43). Họ cũng không chấp nhận cắt xén đời sống xã hội như những gì các môn khoa học khác đã làm (luật học, kinh tế chính trị, nhân khẩu học, vân vân). Ngược lại, họ phải ứng xử với đời sống xã hội như thể với một hệ thống, ở đó các bộ phận có quan hệ mật thiết với nhau, nhằm tìm ra một thứ tương đương với quy luật của hệ thống.

Với đòi hỏi gắt gao nơi ông, liệu mầm mống của tư tưởng nhân học có thể xuất phát từ đâu? Có thể, nó bắt đầu từ những trang viết của đoàn người tháp tùng cuộc viễn chinh của Alexandre Đại Đế tới vùng Tiểu Á vào thế kỷ IV TCN. Cũng tại vùng Tiểu Á, hơn mười thế kỷ sau, nhà du hành Ibn Batouta và nhà triết học Iban Khaldoun đã thể hiện một tinh thần nhân học sơ khai. Trước đó nhiều thế kỷ, những nhà tu hành từ Trung Quốc sang Ấn Độ thỉnh kinh đã giữ vai trò những nhân vật mầm mống trong tư tưởng nhân học. Đến Trung Quốc từ thế kỷ XIV, Marco Polo cũng có tên trong danh sách này. Bước ngoặt diễn ra vào thời Phục hưng, khi người châu Âu không chỉ khám phá ra các tác phẩm của các triết gia Hy Lạp cổ đại, mà còn bắt đầu cuộc phát kiến địa lý. Chính những tri thức từ hai nguồn đó là dưỡng chất cho hai nhân vật tiền thân cho nhân học là Rabelais và Monatigne. Levi-Strauss chỉ xét kỹ nhân vật thứ hai là Montaigne, người đã không bỏ lỡ cơ hội khi những thổ dân Anh-điêng được đưa tới Pháp, để trao đổi với họ những khác biệt về phong tục, đạo đức, từ đó họ tràn ngập các trang Tiểu luận của ông. Ngược lại với những người thờ ơ nhìn nhận sự khác biệt của những người Anh-điêng, chỉ thấy ở họ một giả thuyết về tình trạng nguyên thủy của loài người được viết trong Kinh Thánh, thì Montaigne đã mạnh dạn nhận thấy trước tiên sự khác biệt, từ đó cố gắng phân loại các đặc điểm kỳ lạ đó một cách hợp lý trí. Sự phát hiện này tạo tiền đề cho những nghiên cứu nhân học thực sự xuất hiện vào thế kỷ XVIII, thế kỷ của Ánh sáng. Levi-Strauss, trong tập sách này không nêu tên cụ thể nhân vật nào ở châu Âu, nhưng xét các tác phẩm đã xuất bản trước đây của ông thì người đó là Jean-Jacques Rousseau, với nỗ lực định nghĩa con người một cách bao quát nhất. Ngược với sự bành trướng địa lý ở châu Âu, hai quốc gia châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc trong thế kỷ XVIII đã đóng mình với thế giới. Nhưng không vì thế mầm mống tư tưởng nhân học không nảy sinh nơi đây. Nếu người châu Âu hướng sang các cộng đồng ở châu Mỹ, thì người Hàn Quốc và Nhật Bản hướng vào bên trong mình, cụ thể là những cộng đồng nông thôn và những tập quán dân gian của mình, bằng sự quan sát trực tiếp, nhằm vá những lổ hổng của nguồn tư liệu chữ. Đó chính là cách làm của trường phái Silhak ở Hàn Quốc. Tại Nhật Bản, muộn hơn một chút, trường phái Kokugaku có mục đích tương đương cũng xuất hiện.

Lược sử nhân học của Levi-Strauss dừng lại ở đây mà không có một so sánh, như ông thường làm. Dù vậy, người đọc ngày hôm nay có thể đi tiếp công việc của ông bằng cách đề xuất một cuộc xét lại lịch sử tư tưởng nhân học, nó cần đi ra khỏi cách hành xử quen thuộc là lấy châu Âu làm trung tâm, để xem lại những đóng góp của các văn hóa khác. Lịch sử không chỉ có nghĩa là sự sinh sống của con người đã thực sự xảy ra trong quá khứ, mà còn là những khả năng con người có thể cùng sinh sống với nhau. Nếu hiểu theo nghĩa thứ hai thì việc đề xuất một lịch sử khác của nhân học, từ đó mở rộng tới một lịch sử khác của loài người, nhằm chỉ ra những con đường khác mà loài người ngày hôm nay có thể cùng sinh sống với nhau, sẽ là đóng góp của nhà nhân học khi đối diện với các vấn đề của thế giới hiện đại.



(1) Vincent Debaene, “Chính ở đó, Claude Levi-Strauss hiện lên rất khác, không chỉ còn gán với nhãn hiệu “cấu trúc luận”, và người đọc có khả năng khác để đọc ông” (Structural anthropology zero, Cambridge & Medford: Polity Press, trang 29).

(2) George Steiner, “Orpheus with his myths”, in trong: Nhiều tác giả (E. Nelson Hayes & Tanya Hayes chủ biên), Claude Lévi-Strauss: the anthropologist as hero, trang 171.