Phòng thí nghiệm gắn với cá nhân
Về pháp lý, phòng thí nghiệm mà TS Trần Đình Phong - đồng Trưởng khoa Khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano, USTH - đang quản lý thuộc sở hữu của trường. Tuy nhiên, GS Patrick Boiron - Hiệu trưởng USTH - khẳng định, quyền tự quyết của TS Phong trong việc xây dựng và vận hành nó rất cao, việc mua thiết bị do ông quyết định, tuy vẫn có thông qua nhà trường.
Một sinh viên đang tổng hợp vật liệu mới tại phòng thí nghiệm của TS Trần Đình Phong, Đại học KH&CN Hà Nội. Ảnh: Châu Long
TS Phong cho biết, với cơ sở vật chất trong phòng lab, trường chỉ quản lý về hành chính: “Phát triển nghiên cứu theo hướng nào, mua cái gì đều theo ý tôi. Muốn trang bị loại máy nào, tôi sẽ đề cập với trường rồi tìm nguồn tiền để mua. Đây là cách đi ngược lối thông thường - nghĩa là trường có chừng ấy tiền, mua được máy nào thì tôi phải dùng máy ấy. “Quy trình ngược” này giống ở nước ngoài, giúp phòng lab đồng bộ hơn và thuận lợi cho công việc của nhà khoa học”.
Chính vì thế nên TS Phong thường gọi “phòng thí nghiệm của tôi”, như các giáo sư nước ngoài vẫn gọi là “my lab” hay “my room”.
Ông giải thích, ở các nước phát triển, phòng thí nghiệm được đặt tên theo giáo sư phụ trách: “Chẳng hạn phòng lab nơi GS Nocera của ĐH Harvard làm việc được gọi là Nocera’s lab chứ không ai nói là Harvard’s lab. Ông ấy có quyền quyết định mua và không mua cái gì, tuyển hay sa thải ai, cho sinh viên tốt nghiệp hay không, dù Nocera không phải giám đốc phòng thí nghiệm. Đấy là “luật” chung của thế giới”.
Ở chiều ngược lại, vai trò của nhà khoa học đối với chất lượng phòng thí nghiệm rất lớn. Phòng lab của TS Phong hiện có giá trị đầu tư gần 300.000USD, trong đó trường chỉ rót khoảng 25.000-30.000USD, một phần quan trọng trong số còn lại do ông đi mời tài trợ, vận động…
Nguồn vốn được xin với danh nghĩa nhà trường, nhưng uy tín và các mối quan hệ cá nhân của nhà khoa học có ý nghĩa lớn. Hiện lab này có những thiết bị hiện đại mà nhiều nhà nghiên cứu mơ ước như máy đo điện hóa PGSTAT302N + phần mềm Nova + môđun tổng trở, giá gần 600 triệu đồng, máy scan Kelvin Porbe modèle SKP5050 giá khoảng 1,2 tỷ đồng, kính hiển vi điện tử quét trong môi trường chân không và đo phát quang cathode giá hơn 1,1 tỷ đồng…
Tự bỏ tiền túi sẽ hiệu quả
Không đồng tình với cách gọi “phòng thí nghiệm của nhà khoa học” vì về danh nghĩa, nhà trường phải chịu trách nhiệm chung, nhưng TS Nguyễn Hữu Thiện - Chủ tịch Hội các Phòng thí nghiệm Việt Nam - thừa nhận việc nhà khoa học chịu trách nhiệm với các kết quả nghiên cứu cũng đồng nghĩa với quyền chọn thành viên tham gia cũng như thiết bị phục vụ cho nghiên cứu đó.
GS-TS Nguyễn Văn Hiếu - Viện trưởng Viện ITIMS, Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết, mô hình phòng thí nghiệm như trên được gọi là mô hình các nhóm nghiên cứu: “Trước tôi, khi xây dựng Viện ITIMS, tôi và các thầy cũng làm theo định hướng xây dựng nhóm nghiên cứu với người đứng đầu”.
Hệ ăn mòn khô silic - chiếc máy giá khoảng 11 tỷ đồng được đặt tại “phòng sạch” của Viện ITIMS - nơi có yêu cầu rất khắt khe về lượng bụi. Ảnh: Loan Lê
GS Hiếu kể, nhóm cần một số thiết bị chuyên sâu, đặc thù nhưng trường không có kinh phí để mua: “Tôi xin được một số đề tài, dành một phần kinh phí mua thiết bị của nhóm. Mình tự bỏ tiền túi thì việc mua thiết bị sẽ rất hiệu quả. Tổng chi phí thiết bị cho phòng thí nghiệm của tôi đến nay khoảng 3-4 tỷ đồng, nhà trường không hỗ trợ bất cứ khoản nào”.
Theo ông Hiếu, mô hình nhóm nghiên cứu thực sự hiệu quả trong việc đầu tư thiết bị do xuất phát từ nhu cầu của nhà nghiên cứu, tiền cũng do họ kiếm ra. Trong khi đó, với kiểu đầu tư truyền thống - bộ rót kinh phí qua trường, trường đưa xuống khoa, khoa chuyển cho bộ môn mua thiết bị, các nhóm nghiên cứu sẽ khó có được máy móc chuyên sâu cần cho công việc của mình.
Chứng minh ưu điểm của mô hình nhóm nghiên cứu, GS Hiếu chia sẻ: “Các bài báo nhóm chúng tôi công bố chủ yếu ở các tạp chí Q1 (các tạp chí mạnh), trung bình mỗi năm trên 10 bài. Việc xây dựng nhóm nghiên cứu riêng sẽ thúc đẩy sự phát triển KH&CN của viện, trường”.
GS Patrick Boiron cũng khẳng định hiệu quả của nhóm nghiên cứu TS Trần Đình Phong: “Ở các trường đại học bên Pháp, theo quy định, trung bình mỗi phòng thí nghiệm cứ 2 năm phải có một bài công bố trên các tạp chí khoa học, nhưng phòng thí nghiệm của TS Phong mỗi năm công bố một bài”.