Lửa khoa học cha truyền con nối
Giọng nói trầm ấm, khuôn mặt phúc hậu, từ TS-DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm toát lên vẻ bao dung quen thuộc của người bà, người mẹ. Thế nhưng khi nhắc đến cha mình, ánh mắt người phụ nữ 67 tuổi thoắt trở nên thơ trẻ như thuở còn là cô bé nghe cha thủ thỉ, tâm tình. Cha bà là GS-TSKH Nguyễn Văn Trương - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế sinh thái, chủ biên Từ điển Bách khoa Việt Nam.
Nét mặt trở nên mơ màng trong căn phòng ngập nắng với bóng lá xanh hắt qua lớp cửa kính, TS Trâm kể về thời thơ ấu: “Cha nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tình yêu khoa học cho tôi bằng câu chuyện về các nhà khoa học, đặc biệt là nhà toán học nữ Kovalevskaia”. Giải thưởng mang tên nhà toán học này đã được trao cho bà năm 2006.
Nhìn lại cuộc đời gắn bó với nghề dược, TS Trâm nhận ra, dường như cái nghiệp này đã được định sẵn từ lời nhắn nhủ của cha. Sớm nhìn thấy xu hướng phát triển thuốc chữa bệnh từ cây cỏ của y học thế giới, GS Trương nhiều lần nói với con gái: “Sau này con nhất định phải tìm được những thuốc mới từ cây cỏ Việt Nam, vì nước mình rất phong phú về nguồn dược liệu, đừng để đồng bào ta phải lệ thuộc nước ngoài”.
Bởi thế, trong khi nhiều người trẻ tuổi khác bước chân vào trường đại học với tư tưởng cứ học đã rồi tính tiếp, cô sinh viên Ngọc Trâm đã biết rõ điều mình hướng tới: Nghiên cứu và sản xuất thuốc từ thảo dược.
Duyên nợ với trinh nữ hoàng cung
Năm 1984, cử nhân dược Nguyễn Thị Ngọc Trâm sang Bulgaria làm luận án tiến sỹ. Nhờ kết quả xuất sắc, bà được giữ lại Đại học Hóa Sophia. TS Trâm nhớ lại thời trẻ nhiệt huyết ở xứ người: “Mỗi sớm mai khi mọi người chưa dậy thì tôi đã làm việc, đêm nào cũng 12h mới ra khỏi phòng thí nghiệm. Nhiều đêm khi một ý tưởng xuất hiện, tôi bật dậy khỏi giường, ghi ngay lại vì sợ quên. Ngay cả lúc tay nhặt rau thì đầu vẫn nghĩ đến vấn đề mình đang nghiên cứu”.
Ở Bulgaria, TS Trâm tham gia nhóm nghiên cứu các cây thuốc chữa trị ung bướu ở châu Á. Bà phát hiện cây trinh nữ hoàng cung ở Huế trong kỳ nghỉ hè năm 1987, mang nó sang Bulgaria nghiên cứu và xác định nó có tác dụng trên cả u lành và ác tính.
Khi về nước, làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển dược phẩm Crina thuộc Công ty dược liệu Trung Ương 2, bà tiếp tục theo đuổi việc nghiên cứu cây trinh nữ hoàng cung C.latifolium L. và phát hiện một “thứ” mới của loài này có dược tính cao vượt trội, đặt tên là “Trinh nữ Crila”.
Ở thập kỷ 1990, thông tin khoa học còn ít, trinh nữ hoàng cung là cây thuốc mới nên hầu như chưa có tài liệu, máy móc lại nghèo nàn nên TS Trâm thường phải gửi mẫu sang Bulgaria nghiên cứu. Bà nhớ mãi cảm giác mừng run rẩy, trào nước mắt khi một cộng sự báo: “Trâm ơi cậu đến mà xem, trên kính hiển vi có một đám tế bào lympho T phát triển mạnh”. Điều này chứng minh cây trinh nữ hoàng cung có thể là nguyên liệu chiết xuất các hoạt chất điều trị ung thư.
Tuy nhiên để kết luận, TS Trâm còn trải qua nhiều bước nghiên cứu. GS-TS Lê Mai Hương - nguyên Phó viện trưởng Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên - kể: “TS Trâm rất cẩn thận, mỗi lần gửi mẫu đều sát sao kiểm tra độ chính xác của từng mẫu, theo dõi chi tiết kết quả. Có lần TS Trâm thử tế bào ung thư ở phòng thí nghiệm Việt Nam, kết quả rất tốt nhưng chị vẫn gửi mẫu sang Pháp, Áo, Bulgaria kiểm tra lần nữa”.
Thành quả của sự quyết liệt
Thời gian đầu khi khi giới thiệu sản phẩm Crila được sản xuất từ cây trinh nữ hoàng cung, TS Trâm đối mặt với không ít nghi ngờ. Một bác sỹ tuyên bố: “Nếu chữa được u tử cung thì nó là thuốc tiên, Mỹ với các nước không làm được thì sao Việt Nam làm được”.
Để viên thuốc của mình được ra đời, TS Trâm gom hết tiền, vay mượn khắp nơi để Crila được thử nghiệm lâm sàng. Khi kết quả cho thấy sản phẩm có hiệu quả chữa phì đại lành tính tuyến tiền liệt tới 89,18%, chữa xơ tử cung đạt 79,5%, các đồng nghiệp thừa nhận nó đúng là “thuốc tiên”.
Tuy vậy, TS Trâm vẫn không tìm được doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ. Không cam lòng để sản phẩm chỉ tồn tại trên giấy, TS Trâm lại tất tả đi vay tiền. Bà còn mua một máy đóng trà để sản xuất trà túi lọc trinh nữ hoàng cung, nhưng mãi vẫn không tích đủ tiền đầu tư nên phải quyết bán căn nhà ở 49 Lạc Trung, Hà Nội. Nhờ thế, thuốc crila ra đời.
Không đặt nặng chuyện lời lãi, cái lớn nhất bà nhận được là sự tri ân của người bệnh. “Sau 2 tháng dùng thuốc, khối u tiền liệt tuyến của tôi đã giảm 40%. Chẳng lời nào nói hết lòng biết ơn của tôi với chị Trâm. Cảm ơn chị, người có tấm lòng rộng mở, không chút đắn đo suy tính thiệt hơn” - thư bệnh nhân Đoàn Trần Văn ở Hà Nội viết.
Vẫn không nguôi trăn trở về hiểm họa ung thư, TS Trâm đang miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm thuốc chữa u gan, phổi, não và tuyến tiền liệt. Và loại thuốc này cũng được bà khám phá từ cỏ cây đất Việt - cây trinh nữ hoàng cung.