Thói quen sử dụng những ngôn từ có tính thời thượng dĩ nhiên là mốt thôi chứ chúng chẳng có tác động gì đến ý nghĩa sâu xa của từ ngữ, thậm chí thuần túy là cơ hội cho một vài người nào đó làm kinh doanh.
Với đổi mới và sáng tạo cũng vậy. Chẳng phải đến bây giờ chúng ta mới đổi mới và sáng tạo, loài người vốn không ngừng đổi mới và sáng tạo một cách ngoạn mục từ hàng triệu năm nay đấy thôi.
Thế mà gần đây ở các đại học, cả công và tư, người ta tạo ra nhiều chương trình học mới: trước đây là những chương trình thạc sĩ về quản lý và tiếp thị, ngày nay lại đang nở rộ thạc sĩ về đổi mới và sáng tạo trong quản lý. Chúng ta thừa hiểu những phẩm chất của một người lãnh đạo tốt không phải là những thứ có thể học được ở trường lớp; đó là năng lực và sự chính trực trong nhân cách và hành xử, ở mức độ khiến những người mà bạn quản lý hoặc lãnh đạo nể phục và kính trọng. Điều ấy có được vì sự công tâm, phẩm chất đạo đức và tri thức, tính nhân văn và tinh thần cống hiến của bạn cho sự nghiệp mà bạn đang phụng sự, chứ không phải bởi bạn đã từng tham gia khóa học thạc sĩ về quản lý, lãnh đạo, sáng tạo và đổi mới nào đó. Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh hay đại tướng Võ Nguyên Giáp đâu cần phải tham gia những khóa học kiểu như vậy. Nhưng ngày nay, khoa học chính trị cũng không tránh khỏi chạy theo xu hướng thời thượng, với một số tài liệu1 mới xuất bản gần đây như Hồ Chí Minh: sáng tạo, đổi mới do Bùi Đình Phong hoặc Tư tưởng Hồ Chí Minh về “lãnh đạo thông minh” do Nguyễn Hữu Đông xuất bản.
Tôi lướt trên mạng để xem người ta dạy gì trong những khóa học về sáng tạo và đổi mới. Đây là một ví dụ, được lựa chọn ngẫu nhiên, mà bạn có thể đọc được: Chúng tôi đã học nhiều kỹ năng sáng tạo qua những bài tập thú vị. Tôi đặc biệt thích hai bài tập. Với bài thứ nhất, hai người chơi bị buộc chặt tay bằng một sợi dây thừng. Nhiệm vụ của hai người chơi là tháo dây thừng ra. Đó là nhiệm vụ rất khó cho đến khi bạn tìm ra lời giải. Bài tập này ép người chơi đối diện trực tiếp với những nút thắt trong suy nghĩ của mình và làm rõ tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi. Bài tập thứ hai là xếp một toà tháp, càng cao càng tốt, sử dụng những thanh mì spaghetti và một cuộn băng dính. Điều kiện của bài tập là phải gắn một miếng kẹo dẻo trên đỉnh tháp. Chỉ hơn một nửa đội chơi có thể giữ tháp trụ vững. Bài tập này đem lại cho tôi một nguyên lý ưa thích, đó là “Làm thí nghiệm cuối cùng trước”. Bỏ qua chi phí của những thanh mì spaghetti và chiếc kẹo dẻo (chúng có thể được tái sử dụng nhiều lần), tôi ước tính quý bà chạy khóa học ba ngày này có thể kiếm hàng chục nghìn đô la mỗi tháng. Đây là số tiền gấp đến năm mươi lần lương những đồng nghiệp trẻ của tôi, những người có bằng tiến sĩ về vật lý thiên văn. Thật đáng sợ khi nghĩ rằng kỹ năng của những lãnh đạo tương lai sẽ là gắn một chiếc kẹo dẻo trên đỉnh một cái tháp mì spaghetti.
Chúng ta có thể không quá băn khoăn về chuyện này, nhưng đó là những dấu hiệu đi ngược lại xu thế văn minh tiến bộ. Sáng tạo, đổi mới và lãnh đạo là những thuộc tính cao quý của phẩm chất con người. Tuy nhiên, cách mà chúng ta đang làm hiện nay khiến cho chúng trở nên sáo rỗng. Và nhiều người lợi dụng những điều này để kiếm tiền hoặc thăng tiến. Không những sự yếu kém đang tràn ngập mọi nơi mà năng lực cũng không được tôn trọng, hơn nữa nó còn đang được thay thế bởi ảo vọng có thể trở nên thành công và giàu có một cách dễ dãi.
Mẹ tôi thường nói rằng, quá giàu để có thể trung thực. Bà ấy nói thật đúng. Làm thế nào để trở nên giàu? Mua một sản phẩm hôm nay với giá một trăm đô la và hôm sau bán lại với giá một trăm năm mươi đô. Dĩ nhiên, năm mươi đô bạn cho vào túi chỉ đơn giản là đã được lấy từ đâu đó phải không? Bạn đã không làm gì, không tạo nên giá trị gì mới cho sản phẩm bạn bán và tiền thì bảo toàn. Ai đó đã bị móc túi trong cuộc chơi này. Một nhân viên ngân hàng làm gì cho ngân hàng của mình khi anh ta chuyển hàng triệu đô la từ một thiên đường tài chính này tới một thiên đường tài chính khác với một vài cái nhấn chuột? Cách đây gần hai thế kỷ, những người như Proudhon và Marx đã coi những hiện tượng như vậy như là nguồn gốc dẫn tới bất công xã hội; đồng thời những người khác như Engels lên án về điều kiện làm việc của giai cấp công nhân. Tôi sợ rằng chúng ta đã quên những điều này. Chúng ta đề cao tiền bạc hơn tri thức và năng lực, trên cả đạo đức và liêm chính, trên sự chăm chỉ và chuyên nghiệp. Chúng ta đề cao việc kiếm tiền trên tất cả.
Gần đây Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam đã công bố một báo cáo2 Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ. Đọc phần Những thông điệp chính của báo cáo cho ta thấy thách thức lớn lao mà đất nước đang phải đối mặt “Tốc độ đó sẽ giúp Việt Nam có cơ hội trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 như Malaysia hiện nay và Hàn Quốc vào giữa thập niên đầu của thế kỷ 21. Song mục tiêu này là hết sức tham vọng vì nó vượt xa mức tăng trưởng trước đây của Việt Nam và chỉ có rất ít quốc gia trên thế giới đạt được.” Tôi không muốn liệt kê hết những đề xuất của báo cáo nhưng sẽ đề cập đến một vài trong số chúng để minh họa đòi hỏi thay đổi phong cách để có thể thành công. Sau khi phát biểu rằng “Cải cách hệ thống chính trị và thể chế phải song hành với quá trình phát triển ở Việt Nam.”, báo cáo tiếp tục với phát biểu rằng “Năng suất trì trệ hiện nay và môi trường yếu kém cho phát triển khu vực tư nhân là do nhà nước còn thiếu hiệu quả, cụ thể khả năng đặt và đạt mục tiêu.” Báo cáo chỉ ra “thiếu rõ ràng trong phân cấp, phân công quyền hạn và trách nhiệm giữa các cơ quan Trung ương với nhau và giữa Trung ương với địa phương, do vậy tạo nên tính trì trệ và thiếu hiệu quả trong hoạch định và thực thi chính sách. Sự cát cứ, manh mún quyền lực theo chiều ngang và chiều dọc dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ và gây mâu thuẫn giữa các quy định và quyết định. [...]Việc quản lý công chức không dựa trên năng lực làm trầm trọng thêm các tác động bất lợi của tình trạng thương mại hóa và cát cứ, manh mún của nhà nước đối với chất lượng hành chính công ở Việt Nam.”.
Cải cách hệ thống chính trị và thể chế phải song hành với quá trình phát triển ở Việt Nam. Ảnh: Thành phố Đà Nẵng, nơi có cải cách thể chế và tốc độ phát triển tốt trong những năm gần đây. Nguồn: Internet.
Sau khi nêu lên khoảng cách giữa những phát biểu như “Chính phủ của dân, do dân và vì dân” và quyền ra quyết định của công dân, báo cáo đề xuất tăng cường sự tham gia của người dân vào những hoạt động xã hội của đất nước “Quy trình bầu cử và cơ chế cho sự tham gia của các tổ chức xã hội chưa thực sự bảo đảm tính đại diện đích thực của người dân. Việt Nam cũng thiếu một hệ thống kiểm soát và cân bằng hữu hiệu giữa ba nhánh của nhà nước pháp quyền. Vẫn còn hạn chế trong tiếp cận thông tin, đây là chìa khóa để người dân thể hiện tiếng nói của họ đối với việc giải trình của nhà nước. Kết quả là Chính phủ thường gặp khó khăn trong việc phối hợp chính sách kinh tế, dẫn đến sự thỏa hiệp giữa các cơ quan nhà nước với nhau và sự mặc cả giữa nhà nước với khu vực tư nhân, đồng thời cản trở sự giám sát đối với các quyết định chính sách cũng như sự phản hồi của công chúng về hệ quả của các chính sách kinh tế.”.
Trong những đề xuất để vượt qua khó khăn, ta thấy có: “Phải phân định rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan Trung ương nhằm đạt được hiệu quả và trách nhiệm giải trình tốt hơn. Hệ thống quản trị công cũng cần cải cách theo hướng đảm bảo trọng dụng tài năng trong bố trí nguồn nhân lực. [...] Các cơ quan chính quyền tham gia vào các quyết định kinh tế sẽ không được tham gia vào bất cứ hoạt động kinh doanh nào nhằm tránh xung đột lợi ích. [...] Nhà nước cần được tổ chức theo cách đảm bảo sự kiểm soát và cân bằng thực sự giữa các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp. Quốc hội phải trở thành cơ quan chuyên nghiệp (bao gồm các đại biểu chuyên trách và có đội ngũ chuyên gia hỗ trợ) và giám sát toàn bộ các hoạt động của nhà nước. Hệ thống tư pháp cũng cần được tăng cường một cách tương xứng, tập trung vào tính độc lập với cơ quan hành pháp và nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của mình. Cần có nhiều tổ chức xã hội đa dạng tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và giám sát trách nhiệm giải trình của nhà nước. Nhà nước cần đưa ra một khung khổ pháp lý thúc đẩy quyền công dân. Cũng cần có khung khổ pháp lý yêu cầu các các cơ quan công quyền phải minh bạch và tạo cơ chế cho người dân tương tác hiệu quả với nhà nước thông qua việc tăng cường tiếp cận thông tin chính xác và kịp thời và nâng cao vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng”.
Để giành được chiến thắng, chúng ta không thể chỉ biết sử dụng những từ khóa thời thượng và đào tạo ra những người buôn gió. Chúng ta phải đổi phong cách, chống tại sự bảo thủ và quan liêu ngăn cản phát triển, chống lại sự xơ cứng và thờ ơ ngăn cản chúng ta thích nghi với thế giới đang không ngừng thay đổi và tạo cơ hội cho giới trẻ bày tỏ suy nghĩ và đưa cho họ phương tiện để tạo nên sự thay đổi mà đất nước cần để phát triển.
Phạm Ngọc Điệp dịch
—-
1. Do Yen Ngoc Trung trích dẫn, Triết học hành động của Hồ Chí Minh, Luận án tiến sĩ 2017, Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
2. Báo cáo có thể được tải từ https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/23724.