Không phải ai cũng đồng ý rằng các nhà khoa học nên được trao cơ hội thứ hai khi họ có vấn đề về liêm chính.
Những quả táo hỏng
Chương trình của DuBois được giới thiệu trên các ấn phẩm có đối tượng người đọc là các nhà khoa học, như Nature, Science, và Retraction Watch. Thông điệp chính của DuBois là “Điều này có thể dễ dàng xảy đến với bạn.” Thông điệp đó không phải lúc nào cũng được tiếp nhận.
“Số lượng thư thể hiện thái độ ghét bỏ mà các tạp chí nhận được thật sự gây choáng,” DuBois cho biết. “Khi nhà khoa học nghĩ về nhà khoa học, họ muốn đó hoặc phải là người hùng hoặc phải là kẻ phản diện, và không muốn nghĩ rằng những người lầm lỗi đó cũng giống như họ thôi.” Phần bình luận sôi sục những ý kiến: “Cứ sa thải tất cả bọn họ ra khỏi hệ thống là xong.” “Hãy ném những quả táo thối đi.” “Vì sao phải tốn thêm tiền cho những kẻ lừa dối?” “Hãy tống cổ bọn cặn bã dối trá ấy đi.” Ở đây, những nhà khoa học mắc sai lầm không còn được coi giống như những người khác nữa: Họ làm vấy bẩn danh tiếng của khoa học và đánh cắp những khoản tài trợ nghiên cứu ngày càng hiếm hoi đáng lẽ phải được dành cho những đồng nghiệp xứng đáng của họ. “Thay vì tiêu tiền cho những người có hiểu biết nhưng lại chọn làm điều sai quấy, hãy ngăn không cho họ tiếp cận những nguồn tài trợ công DÀI hạn,” một trong những hồi âm điển hình được gửi đến sau khi Retraction Watch đăng bài viết về chương trình của DuBois.
Theo một cách lạ lùng, vấn đề nguồn lực có hạn tác động đến cả hành vi của các nhà khoa học và suy nghĩ của những người giận dữ chỉ trích họ. Trong khảo sát của DuBois về những người tham dự lớp học của ông, 72% nói nguyên nhân rốt ráo dẫn đến sai lầm của họ là bởi họ không để tâm, thường xuất phát từ việc họ bị quá tải và thiếu cộng sự. Điều đó cũng đại diện cho luồng ý kiến chính chỉ trích cách tiếp cận của DuBois: ông chỉ tập trung vào điều chỉnh hành vi cá nhân của nhà khoa học thay vì môi trường mà họ tác nghiệp.
“Các nhà khoa học hoạt động trong bối cảnh môi trường trực tiếp của họ, và cũng trong bối cảnh hệ thống khoa học chung,” Coosje Veldkamp, nghiên cứu sinh tại Trung tâm Meta-Research thuộc Đại học Tilburg, người nghiên cứu các phương pháp nhằm giảm sai lầm của con người trong khoa học. “Bất kỳ điều gì xảy ra do áp lực hay căng thẳng, những yếu tố mà nếu không thay đổi, tôi nghĩ sẽ rất khó để các nhà khoa học thay đổi hành vi cá nhân của họ.” Ngoài ra, theo cô, đó mới là phỏng đoán chứ chưa phải kết luận khoa học về những yếu tố dẫn đến những thực hành nghiên cứu gây nghi vấn. Cô cho rằng việc tiến hành nghiên cứu về vấn đề đó là hết sức quan trọng, trước khi lao vào những chương trình tập huấn kiểu phục hồi giá trị.
Văn hóa khoa học có thể sinh ra sai phạm theo những cách khác nữa. Đạo văn – một trong những dạng phổ biến nhất của các sai phạm – thường bắt nguồn từ học viên cao học đến từ những nước bên ngoài nước Mỹ, những người bản thân họ không biết như vậy là sai, theo John Dahlberg, vị phó giám đốc vừa mới nghỉ hưu của Nha Liêm chính trong nghiên cứu (ORI). Thực tế, quá nửa số nhà khoa học tham gia chương trình của DuBois sinh ra ở ngoài nước Mỹ, cao gần gấp đôi tỷ lệ nhà khoa học sinh ra ở ngoài nước Mỹ và sinh ra ở Mỹ theo nhân khẩu học các nhà khoa học Mỹ. Dahlberg nhìn chung đồng ý với triết lý của DuBois rằng một quyết định tồi không biến ai đó trở thành nhà khoa học tồi – nhưng không phải mọi người ở ORI đều chia sẻ quan điểm này. Năm 2016, 6 trong số 8 điều tra viên đe dọa từ chức xuất phát từ mâu thuẫn với giám đốc mới, Kathy Partin, một phần vì bà muốn tập trung hơn vào vấn đề đạo văn.
Hãy xem xét trường hợp của Boris Kosharskyy. Năm 2015, nhà nghiên cứu người Ukraine này đã làm bác sĩ gây mê tại Trường Y Albert Einstein được khoảng 5 năm. Ông là một nhà khoa học rất năng suất, thường xuyên công bố các bài báo và chương sách. Một ngày, trưởng khoa của ông chuyển tiếp cho ông một email từ người biên tập của một tạp chí nơi Kosharskyy đã công bố một bài báo từ gần 10 năm trước.
“Điều khiến tôi quan tâm là một bài báo gian lận lại xuất hiện trên tạp chí này…” bức thư viết. Có những phần trong bài báo của Kosharskyy đã mắc lỗi đạo văn, và bài báo sẽ bị rút lại. Kosharskyy cũng sốc bởi sự việc này như bất kỳ ai khác – bài báo đã công bố cách đây cả thập kỷ, và ông đương nhiên không còn nhớ nổi đã đạo văn của ai. Nhưng nó đây: nhiều khổ trong bài báo lấy từ một bài báo khác, và không để trong ngoặc kép. Một học sinh đầu cấp trung học phổ thông cũng hiểu đó là đạo văn.
Kosharskyy nghĩ rằng người đưa những đoạn đó vào bài báo là cộng sự của ông chứ không phải ông. Nhưng cộng sự của ông đã không còn hoạt động học thuật nữa nên ông là người bị kết tội. Cuộc điều tra của Trường Y Einstein đối với ông là một trải nghiệm cô độc. “Tôi không có ai để nói về chuyện đó, và không ai có thể giúp tôi trong suốt quá trình điều tra,” Kosharskyy kể lại. “Đó là một năm rưỡi hết sức đau khổ.” Hiệu trưởng của ông cam đoan với ông rằng ông không phải là trường hợp đạo văn đầu tiên mà vị hiệu trưởng xử lý, nhưng không ai trong số đồng nghiệp của ông bước lên để chia sẻ trải nghiệm của họ với ông. Ông đồ rằng họ cảm thấy quá hổ thẹn khi đề cập chuyện đó.
“Tôi đã cố gắng tìm một luật sư đại diện cho tôi bởi tôi nghĩ sẽ có một buổi kiểu như điều trần,” Kosharskyy nói. “Chi phí thuê luật sư là 1.000 USD một giờ, và tôi bắt đầu nghĩ đến việc phải bán nhà.” Ông sớm nhận ra rằng sẽ không có phiên tòa nào, nhưng ông phải chi vài nghìn USD và dành mấy ngày phép của mình để đến St. Louis. Trường của ông muốn ông đến đó để phục hồi phẩm chất.
Lúc đầu, Kosharskyy rất bực bội vì phải mất tiền và mất ngày phép. Nhưng ngay khi lớp học bắt đầu và ông có thể trò chuyện cùng những người khác về những gì ông đã trải qua, cảm giác đó được thay thế bằng sự nhẹ nhõm.
“Không ai nói ‘Ôi trời, sao anh lại làm như vậy?’ Điều đó không được bàn đến. Thường sẽ là thế này, ‘Hãy xem liệu chúng ta có thể khắc phục được không, liệu chúng ta có thể làm tốt hơn trong tương lai không,” Kosharskyy kể. Chương trình đã giúp ông chấp nhận sự việc như đã xảy ra và giờ đây ông là một trong số ít người tham gia chương trình không ngại công khai chia sẻ trải nghiệm.
Sau khi trở về từ St. Louis, Kosharskyy hứng thú lên kế hoạch tổ chức một seminar về đạo văn, một phần của chuỗi hoạt động khai màn vào lúc 7 giờ sáng. Bình thường, “mọi người còn đang ngủ,” Kosharskyy nói. Nhưng seminar này thì khác. “Mọi người đã chụp hình những slide của tôi, và đặt câu hỏi, rồi khi kết thúc, họ gặp tôi ở sảnh để hỏi tôi thêm nhiều câu hỏi nữa.” Ông cũng đang tổ chức một phiên thảo luận vấn đề đạo văn tại kỳ họp tới của Hiệp hội Quốc gia Các bác sĩ gây mê, để chia sẻ những điều ông đã học được. “Bây giờ tôi sử dụng phần mềm để kiểm tra đúp kết quả cuối cùng... Tôi cố gắng tạo ra văn hóa chịu trách nhiệm.”
Khảo sát nói gì
Kosharskyy là một nhà nghiên cứu kiểu mẫu, và một diễn giả tuyệt vời. Nhưng câu chuyện của ông không chứng minh được rằng Chương trình Chuyên nghiệp và Liêm chính có hiệu quả. Nếu câu chuyện của ông về các sự kiện là chân thực, và ông không phải là người đã sao chép nội dung của người khác để đưa vào bài báo của mình, thì những việc làm chủ động của ông nhằm ngăn ngừa đạo văn không nói được gì nhiều về những nhà nghiên cứu thật sự cần được hỗ trợ. Nó thậm chí không cho biết về hiệu quả của chương trình đối với những người nửa đường gãy
gánh như Smith, người mắc sai lầm xuất phát từ sự thiếu chú tâm đến chi
tiết. Liệu những người học chương trình của DuBois có thật sự trở thành
những nhà khoa học chân thật hơn, cẩn trọng hơn không?
DuBois nhận ra rằng những nỗ lực nhằm thay đổi hành vi của các nhà khoa học có một lịch sử thất bại – đôi khi họ thậm chí còn có hành vi tệ hơn. Buổi sáng diễn ra buổi học đầu tiên, ông thấy mình đang tua lại trong đầu những cuộc đối thoại với các đồng nghiệp đã giúp ông thiết kế khóa học. Liệu ông có nên chia các nhà khoa học theo thâm niên để những người đã “gian dối” nhiều lần không thể “làm hỏng” những nhà khoa học trẻ hơn và ít phạm lỗi hơn? Điều gì sẽ xảy ra nếu ông đánh bóng những quả táo hỏng và ném trả lại chúng vào thùng?
Sự thật là, DuBois đã không chắc chắn đó là ý tưởng tốt. Ông không biết ông có thể tái lập trình bao nhiêu phần trong nhà khoa học. Điều gì sẽ xảy ra nếu họ là những quả táo hỏng? Vẫn ngồi trong xe, chỉ vài phút trước khi lớp học bắt đầu, ông quyết định thử bài tập thở để giảm căng thẳng – cũng là bài tập sau này ông hướng dẫn cho Smith và nhóm của anh. DuBois hít thật sâu và xem nhịp tim của mình bắt đầu giảm như thế nào trên thiết bị sinh trắc học mà ông mang đến để trình diễn. Năm phút sau, khi đã bình tâm hơn, ông ra khỏi xe và đi gặp các học trò của mình lần đầu tiên.
Kể từ đó, DuBois trở nên tin tưởng rằng chương trình có tác động tới người học của mình. Giống như bất kỳ nhà khoa học chuyên nghiệp nào, DuBois không dựa vào các thông tin, bằng chứng cảm tính. Ông và những người đồng hướng dẫn lớp học còn tiến hành các khảo sát và các cuộc trao đổi qua điện thoại sau khi khóa học kết thúc để được người học thông tin về những thay đổi đáng kể trong hành vi, có thể đưa vào thống kê. Cũng giống như bất kỳ nhà khoa học chuyên nghiệp nào khác, DuBois nhanh chóng chỉ ra hạn chế của những kết quả đạt được: không có nhóm đối chứng, và dữ liệu là do tự báo cáo mà có.
Nhưng có hay không có các bằng chứng chắc chắn, ông đủ tự tin vào hiệu quả công việc của mình đến mức hy vọng có thể xuất khẩu chương trình sang các nước khác và tăng gấp đôi số khóa học tổ chức ở St. Louis – lên sáu khóa mỗi năm. Ông biết có nhiều nhà khoa học cần sự trợ giúp của ông.
Smith đồng tình. Kể từ khi trở về từ St. Louis, anh cố gắng chia sẻ các viễn kiến của mình với những người trong lab, thậm chí còn cử một thành viên của lab làm người giám sát nội bộ.
Gần đây, Smith đã sẵn sàng bắt tay vào thí nghiệm mới với một đồng nghiệp, và anh thấy bản thân đang tiến hành một kiểu truyền thụ theo cách của riêng mình. “Mỗi khi chúng ta làm gì đó, chúng ta phải nghĩ ‘Viễn cảnh tệ nhất có thể xảy ra là gì?” anh nói với đồng nghiệp. “Giả sử điều đó xảy ra, nó sẽ tác động đến những người chúng ta đang cộng tác như thế nào?” Trước khi tham gia lớp học của DuBois, “Tôi chỉ đơn giản nói, ‘Hãy chắc chắn là anh tuân thủ nguyên tắc’ và chỉ có vậy, Smith kể.
Chương trình Chuyên nghiệp và Liêm chính trong nghiên cứu (Professionalism and Integrity in Research Program) là một sáng kiến của GS James DuBois, Đại học Washington ở St Louis, Missouri, với sự hỗ trợ của Nha Liêm chính trong nghiên cứu Hoa Kỳ. Từ năm 2013 đến 2017, Chương trình đã tập huấn cho 61 nhà nghiên cứu.
Chương trình gửi email đến hơn 3.000 nhà quản lý nghiên cứu mà liên lạc của họ được công khai để chia sẻ thông tin về dịch vụ và các khóa học sắp tới của mình.
Khi một cá nhân hoặc tổ chức nghiên cứu liên lạc với người điều phối chương trình, sẽ có trao đổi qua điện thoại để xác định liệu ứng viên có phù hợp hay không.
Trong khóa học ba ngày, người tham gia không chỉ thảo luận trên lớp mà còn được giao bài tập về nhà, bao gồm thực hành kỹ thuật quản lý căng thẳng, viết lại câu chuyện cá nhân, và xác định các nguồn lực cho kế hoạch phát triển nghề nghiệp.
Sau khi khoa học kết thúc, trong vòng 2 đến 3 tháng tiếp theo, người tham gia sẽ thực hiện 2 đến 4 cuộc trao đổi qua điện thoại với người tổ chức chương trình để được nghe tư vấn khi họ bắt đầu tiến hành kế hoạch phát triển nghề nghiệp. Số cuộc gọi phụ thuộc vào nhu cầu của người tham gia.
Các khảo sát cũng được tiến hành trong một năm sau khóa học dưới hình thức ẩn danh để giảm nguy cơ người tham gia bị nhận diện.
Ban đầu, Chương trình được Các viện Y tế Quốc gia (NIH) tài trợ nhưng từ tháng 5/2013 đến nay, khóa học được duy trì bằng nguồn phí do người tham dự chi trả và tài trợ từ Chương trình CITI tập huấn về đạo đức và tuân thủ nguyên tắc trong nghiên cứu của Đại học Miami.
(Theo Academic Medicine)
|