Một nhà khoa học từng mắc những sai lầm như đạo văn hay ngụy tạo dữ liệu… có phải sẽ mãi mãi là nhà khoa học bỏ đi? Nếu không, cơ hội nào cho họ phục hồi sau cú sảy chân?
Một sáng tháng Giêng năm 2017. Bốn nhà khoa học ngồi lặng lẽ trong một phòng học không cửa sổ thuộc khu học xá hai tầng của Đại học Washington. Thời tiết ở St. Louis (Missouri) lạnh lẽo, bầu trời thì xám xịt. Những chiếc bàn hình chữ nhật được kê thành vòng tròn. Mọi con mắt đổ dồn vào người đàn ông tóc đen, đeo kính đứng ở phía trước.
“Chúng tôi đề nghị chỉ xưng tên thôi,” ông nói. “Lần lượt từng người hãy cam kết giữ mọi điều chúng ta nói tại khóa học này như những điều hết sức riêng tư, cần được giữ kín. Tôi sẽ bắt đầu: “Tên tôi là James…”
Một giọng khác lặp lại lời tuyên thệ. “Tên tôi là John,” nhà hóa sinh mà tên thật không phải là John, nói. “Tôi thề tuyệt đối giữ bí mật về những điều chúng ta nói tại khóa học này.” Các nhà khoa học lần lượt từng người một nhắc lại câu thần chú.
Người mà chúng ta sẽ gọi là John Smith và các nhà khoa học khác không đến St. Louis để thảo luận những phát hiện mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu của mình, hay để được tập huấn một kỹ thuật mới. Họ đến từ các lĩnh vực khác nhau và ít quan tâm đến công việc của nhau. Nhưng họ có một điểm chung: Mỗi người trong số họ đều đã từng mắc sai lầm. Và James DuBois, người đàn ông đeo kính, có mặt ở đây để bảo đảm rằng họ không bao giờ mắc sai lầm nữa.
Chương trình Chuyên nghiệp và Liêm chính trong nghiên cứu (Professionalism and Integrity in Research Program) của DuBois được mô tả như một hoạt động “phục hồi phẩm chất cho nhà nghiên cứu” dù ông không ưa cách nói này. Những nhà khoa học tham dự khóa học ba ngày này đã mắc bất kỳ sai lầm nào trong liệt kê dưới đây: gian dối trong các bài báo khoa học liên quan đến thử nghiệm trên động vật; ngụy tạo hình ảnh, số liệu; hoặc đạo văn. Không phải là những sai lầm đáng để bị sa thải nhưng cũng đủ nghiêm trọng – hoặc lặp lại đủ nhiều – để tổ chức của họ muốn họ phải thay đổi.
Thỉnh thoảng, những tên tuổi xuấ sắc trong giới khoa học lại xuất hiện trên các dòng tít lớn: Haruko Obokata từng được chào đón như một ngôi sao khi cô tuyên bố thành công trong việc biến tế bào gốc thành các tế bào gốc đa năng, cho đến khi kết luận điều tra chứng minh cô đã ngụy tạo các thí nghiệm và làm sai lệch các kết quả. Michael LaCour dường như cuối cùng đã chỉ ra được cách thay đổi suy nghĩ của con người về hôn nhân đồng tính – nhưng trên thực tế anh đã giả mạo dữ liệu khảo sát. Bác sĩ giải phẫu ngực Paolo Macchiarini phát triển một loại ống nhựa thay thế khí quản và đã thực hiện trên 9 bệnh nhân trước khi bị phát hiện rằng ông chưa bao giờ thử nghiệm thiết bị này theo đúng quy chuẩn. Bảy trong số các bệnh nhân được cấy ghép đã qua đời.
Năm 1992, để đối phó với nhiều trường hợp gian lận nghiêm trọng trong các nghiên cứu do Chính phủ Liên bang tài trợ, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ đã lập ra Nha Liêm chính trong nghiên cứu (Office of Research Integrity - ORI) để điều tra những cáo buộc nghiêm trọng nhất về sai phạm trong nghiên cứu. Họ nhận được khoảng 200 báo cáo mỗi năm, do một nhóm các nhà điều tra – chuyên gia trong lĩnh vực dò tìm các hình ảnh ngụy tạo và khôi phục các dữ liệu bị ẩn.
Nhưng chỉ những trường hợp tai tiếng nhất mới được báo cáo với ORI, và cũng chỉ những trường hợp liên quan đến nghiên cứu y học do Chính phủ Liên bang tài trợ. Những vụ lừa dối lớn, cố ý vi phạm nghiêm trọng đạo đức, khiến công chúng phải xôn xao vốn không nhiều. Phổ biến hơn là những sai phạm cùng lắm chỉ hủy hoại danh tiếng của bản thân nhà khoa học, bao gồm: Đạo văn, giả mạo hình ảnh, “làm mượt” dữ liệu.
Và bởi vậy đa số các sai phạm trong khoa học được xử lý nội bộ, ít gây ồn ào nhất có thể. Đó là lý do để DuBois xuất hiện.
Khai tâm về đạo đứcChương trình phục hồi phẩm chất cho nhà nghiên cứu bắt đầu với niềm tin rằng, đằng sau những sai lầm là câu chuyện phức tạp về đúng và sai, về những ý định tốt và những yếu tố giảm nhẹ.
DuBois, một giáo sư ở Khoa Y học thuộc Đại học Washington, là nhà đạo đức học vốn được đào tạo chuyên ngành tâm lý đã dành phần lớn thời gian để suy tư về đạo đức trong nghiên cứu và y học. Ông là đồng tác giả và chủ biên một cuốn sách về các
case studies liên quan đến đạo đức trong nghiên cứu và lập một tờ tạp chí tập hợp các câu chuyện của người bệnh về những vấn đề nhạy cảm ở khía cạnh đạo đức như phẫu thuật chuyển giới cho trẻ lưỡng tính.
DuBois đã xây dựng được danh tiếng như một chuyên gia uy tín về đạo đức trong nghiên cứu và các nhà quản lý bắt đầu chỉ cho những nhà khoa học có vấn đề tìm đến văn phòng của ông để trao đổi. Câu chuyện luôn diễn ra theo cùng một cách, DuBois nhớ lại: “Chúng tôi có một nhà nghiên cứu đã gây chút rắc rối, chúng tôi đã cố gắng làm việc với anh ấy nhưng anh ấy vẫn tiếp tục vi phạm nguyên tắc.” Họ đề nghị DuBois dành một số giờ nhất định làm việc với những nhà khoa học này.
Lần nào ông cũng từ chối.
Dù am hiểu vấn đề, DuBois không nghĩ ra mình có thể nói gì để “sửa chữa” hành vi của những nhà khoa học đó. Từ nghiên cứu của mình, ông biết rằng tập huấn về liêm chính – thường được các cơ quan học thuật áp dụng như một biện pháp phòng ngừa – hầu như không có tác dụng gì đối với hành vi trong tương lai của nhà khoa học.
Ông đã nói không suốt hơn một thập kỷ. Nhưng rồi vào năm 2011, DuBois bắt gặp một thông báo về khoản tài trợ từ Các viện Y tế Quốc gia (NIH) để xây dựng những chương trình tập huấn mới về đạo đức trong nghiên cứu, khiến ông phải suy nghĩ. Rõ ràng là có một nhu cầu chưa được đáp ứng. Có thể, làm việc với chính những nhà khoa học mà ông đã từ chối – những người từng vi phạm nguyên tắc – là cơ hội tốt nhất để tạo ra những nhà khoa học tốt hơn. Sau rốt, ai có thể có động cơ thay đổi mạnh mẽ hơn một nhà khoa học vừa mới ra khỏi một cuộc điều tra bẽ bàng và mất thời gian?
18 tháng sau, vào tháng Giêng năm 2013, DuBois có khóa học đầu tiên dành cho những người từng lầm lỗi trong khoa học. Ông đã làm việc với một nhóm các nhà tâm lý học và chuyên gia về liêm chính trong nghiên cứu để xây dựng một chương trình theo kiểu trị liệu nhóm hơn là khóa học về cách tránh sai lầm. Đến nay [tháng 6/2017], ông đã tổ chức 12 khóa cho 52 nhà nghiên cứu ở 33 tổ chức khác nhau. Smith thuộc khóa học thứ 11.
Những câu chuyện chân thực
Bánh và hoa quả ở chiếc bàn phía sau vẫn còn nguyên vì Smith và các nhà khoa học khác còn đang mải giới thiệu bản thân. “Đây không phải là một khóa học về đạo đức,” DuBois nói với người tham dự trong phòng học được thiết kế đơn điệu. “Chúng tôi sẽ không dạy những nguyên tắc cơ bản về ứng xử có trách nhiệm trong nghiên cứu.” Thay vào đó, họ cùng nhau xác định những rào cản khiến các nhà khoa học không tuân thủ nguyên tắc, và những kỹ năng có thể giúp họ ra những quyết định đúng đắn hơn.
Sau khi mọi người tuyên thệ giữ bí mật, DuBois nêu câu hỏi với cả nhóm: “Vì sao các bạn trở thành nhà khoa học?”
Smith chia sẻ, anh đã là nhà khoa học từ bé - làm toán để giải trí và khiến bố mẹ phát điên vì tháo rời bất kỳ thứ gì rơi vào tay anh… Anh chỉ muốn hiểu thế giới vận hành như thế nào. Khi còn là học viên cao học ngành hóa sinh, anh đã có khám phá khoa học quan trọng đầu tiên – một kỹ thuật biến đổi protein mới – và điều đó mới tuyệt làm sao. Giờ anh đứng đầu một phòng thí nghiệm riêng, với một nhóm học viên cao học và các cộng sự.
Smith ngồi trên chiếc ghế nhựa và lắng nghe những người khác chia sẻ. Hàng giờ liền, DuBois nhẹ nhàng dẫn dắt cuộc đối thoại, chỉ ra những luật bất thành văn, văn hóa, và thiên kiến đã định hình nên phòng thí nghiệm của từng nhà khoa học. Có lúc, ông lôi ra một thiết bị sinh trắc học và chuyển nó đi một vòng, hướng dẫn mọi người kiểm soát căng thẳng bằng cách điều chỉnh nhịp tim.
Khoảng 4:30, buổi học kết thúc, bên ngoài mặt trời đã lặn, mặc dù trong căn phòng không cửa sổ, không ai nhận thấy điều đó. DuBois giao bài tập về nhà cho nhóm: viết lại chân thực những sự kiện đã đưa bạn tới đây.
Smith bắt Uber và mất gần một tiếng để quay về motel nơi anh được giảm giá thuê phòng, ngồi vào chiếc bàn gỗ ép, nhớ lại câu chuyện của mình.
Anh đã rất lấy làm vui sướng khi có phòng thí nghiệm riêng, nhưng dần dần, anh bắt đầu cảm thấy bị quá tải bởi núi công việc hành chính. Nghiên cứu của Smith đòi hỏi phải có sự tham gia của con người, và các thí nghiệm trên người được thông qua và giám sát bởi một ủy ban đạo đức. Ủy ban này đánh giá từng bước của thí nghiệm để bảo đảm rằng những người tham gia được đối xử an toàn và công bằng. Quy trình đôi khi rất căng thẳng. Không phải lúc nào anh cũng tận tụy như cần thiết.
Sau đó, khi tiến hành một dự án nọ, Smith đã mắc sai lầm. Anh nghiên cứu hai nhóm người với hai căn bệnh tương tự, và công bố kết quả của hai nhóm như một bài báo khoa học trong khi chúng cần được tách bạch. Ủy ban giám sát phát hiện ra sự thiếu nhất quán của bài báo trong một lần kiểm tra.
Ngày hôm sau, khi nghe câu chuyện của những người khác, Smith nhận ra các sai lầm của họ cũng có thể dễ dàng là sai lầm của anh. Anh hình dung chúng như những cú sảy chân mà hầu hết các nhà khoa học đều có thể mắc phải ở một thời điểm nào đó – và anh không nhầm. Những thực hành nghiên cứu gây nghi vấn phổ biến hơn so với những gì nhóm nhỏ bốn người trong lớp học này gợi ra. Trong một cuộc khảo sát năm 2005 với hơn 3.000 nhà khoa học, hơn 1/3 số người được hỏi thừa nhận ít nhất mắc phải một dạng của hành vi thiếu minh bạch, bao gồm 6% số người được hỏi tự nhận “không trình bày các dữ liệu mâu thuẫn với các nghiên cứu trước của bản thân.” Gần 8% nói họ tìm cách lách qua một vài khía cạnh nhỏ của những quy định bắt buộc đối với đối tượng tham gia nghiên cứu là người.
Cùng nhau, nhóm của DuBois đã dành phần lớn ngày thứ hai tiếp tục trình bày câu chuyện của mình. Và ngày thứ ba, DuBois giúp các nhà khoa học vạch ra một kế hoạch. Họ có thể thường xuyên tổ chức họp với cộng sự và sinh viên ở lab, hoặc tạo ra một quy trình thao tác chuẩn để quản lý dữ liệu. “Trước khi kết thúc khóa học, tôi ướm hỏi mọi người, ‘Liệu chuyện đó có tái diễn không?’” DuBois nói. “Điều gì sẽ xảy ra nếu lần tới có ai đó trong phòng lab của bạn bịa đặt dữ liệu?”
Trở về sau khóa học, Smith bắt đầu áp dụng những quy trình mới để những chi tiết quan trọng không trôi tuột mất – hoặc ít nhất đó là điều mà anh và tổ chức của anh hy vọng. Nó cũng là mục đích mà DuBois muốn đạt tới ở tất cả các nhà khoa học: áp dụng các quy trình thực hành và kỹ năng nhận thức trong quản lý sự phức tạp và những áp lực lớn của công việc nghiên cứu để các nguyên tắc và quy định giám sát khoa học – như các nguyên tắc về đạo đức y sinh học, kiểm tra dữ liệu – dễ được lưu tâm hơn. Tuy nhiên, đó không phải là kết quả duy nhất: Khóa tập huấn cũng là một dạng hợp đồng bảo hiểm cho nhà nghiên cứu và trường của họ, một cách để thể hiện họ đang hành động thật sự.
Nichelle Cobb, giám đốc văn phòng Các Hội đồng Quản lý chương trình nghiên cứu (Institutional Review Boards) ở Đại học Wisconsin, đã giới thiệu ba nhà nghiên cứu đến chương trình của DuBois. Đối với bà, nó có tác dụng như lời cảnh báo cho những nhà khoa học mắc sai lầm: “Một trong những việc chương trình làm được là khuyến khích mọi người tự nhìn nhận bản thân,” bà nói. “Nhiều nhà nghiên cứu rất thành công, là những người có động lực mạnh mẽ, nhưng có thể họ chưa bao giờ được hướng dẫn những kỹ năng nhất định như cần thiết.” Dành vài ngày để thảo luận về những điểm yếu của họ và nắm bắt những kỹ năng quản trị để ứng phó với những điểm yếu thường là một trải nghiệm tích cực, và bà coi việc đó dẫn đến những mối quan hệ tốt hơn, ít đối kháng hơn giữa các nhà khoa học và các ủy ban giám sát họ.
DuBois không ảo tưởng chút nào rằng người học sẽ không bao giờ phạm lỗi nữa, hay những chiến lược mới của Smith sẽ giúp anh tránh được sai lầm. Nhưng hy vọng rằng, lần tới, nếu có lần tới, Smith sẽ không coi mình như nạn nhân của một quy trình giám sát quá gắt gao. Anh sẽ tôn trọng nguyên tắc, và không ngại sửa sai.
(Còn tiếp)