Trái với những dự đoán tiêu cực, nền kinh tế kỹ thuật số ở thủ đô khởi nghiệp của châu Âu vẫn đang tiến lên phía trước, tăng trưởng nhanh gấp hai lần nền kinh tế chung và tự hào đạt sản lượng hằng năm là 138 tỷ USD. Trong năm 2017, vốn đầu tư mạo hiểm tại Anh đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 4,14 tỷ USD, với chỉ riêng mức đầu tư cho nước đứng đầu châu Âu về huy động vốn dài hạn này lớn hơn so với tổng đầu tư vào Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Ireland cộng lại. Chưa kể, nửa cuối năm 2017, Amazon và Facebook vừa công bố kế hoạch mở rộng hoạt động tại thủ đô London.
Nói cách khác, nền công nghệ ở thành phố cổ kính nhất châu Âu này còn lâu mới rơi vào khủng hoảng và ngày càng có nhiều người dự đoán thời điểm London vượt qua New York, trung tâm công nghệ lớn thứ hai của thế giới sau Silicon Valley.
Tuy vậy, những bất ổn trong tương lai cũng là một nguy cơ đe dọa hệ sinh thái công nghệ đầy hứa hẹn của London. Vì vậy, cần phải nhận định lại những ưu thế khiến cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia công nghiêp luôn lạc quan. Và mặc dù khi nói đến London có thể kể ra vô vàn thế mạnh, nhưng sau đây là những điểm chính nhất.
Nền tảng vững chắc
Lý giải nguyên nhân khiến cho ngành công nghiệp kỹ thuật số của Vương quốc Anh vẫn gặt hái được vô số tin vui sau cuộc bỏ phiếu Brexit sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu như chúng ta biết rằng nền công nghệ hưng thịnh mà nước Anh có được ngày nay được xây nên từ khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009 khiến cho hàng ngàn chuyên gia từ các ngành công nghiệp sáng tạo buộc phải thử vận may của họ ở những lĩnh vực công nghệ non trẻ xuất hiện quanh khu Old Roundabout của Đông London.
Chính phủ của Thủ tướng David Cameron cũng kịp thời có những động thái hỗ trợ để góp phần cho Old Roundabout tăng tốc phát triển bằng những chương trình thiết thực, như đưa ra chương trình Visa Tài năng Xuất chúng để thu hút tài năng kỹ thuật số từ khắp nơi trên thế giới, khởi xướng Kế hoạch Đầu tư Doanh nghiệp (EIS) và Chương trình Đầu tư Doanh nghiệp Hạt giống (SEIS). Và đề ra sáng kiến Tech City để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng quanh khu Old Street Roundabout, đưa khu vực này nhanh chóng được mệnh danh là “Thành phố Công nghệ Đông London”, hay ‘Silicon Roundabout”.
Những sáng kiến này đã thành công vang dội, vừa thu hút được đầu tư từ những đại gia công nghệ Mỹ trong khi đó lại góp phần làm tăng số lượng startup của khu vực này lên hơn gấp đôi, từ 85 năm 2010 lên 200 trong năm 2011.
Khu Old Roundabout, London, được xây dựng thành “Tech city”. Nguồn: Financial Times
Tháng 9/2011, Google mua lại tòa nhà bảy tầng ở Silicon Roundabout, thành lập không gian làm việc chung và trung tâm cộng đồng Campus London vào năm 2012 với 22.000 thành viên. Với sự gia nhập của Google, hệ sinh thái khởi nghiệp của London đã thực sự cất cánh. Không lâu sau đó, những gã khổng lồ công nghệ khác tiếp bước, trong đó có Apple và Facebook. Spotify và Skype cũng mở trụ sở tại London. Các công ty công nghệ lớn đã góp phần truyền cảm hứng cho các doanh nhân địa phương tư duy với tầm nhìn toàn cầu, trong khi đó những startup nhỏ hơn lại góp phần nhắc nhở những vị khách khổng lồ ý thức về tính năng động.
Sức mạnh tổng hợp của Tech City đã nhanh chóng biến nền công nghệ non trẻ của London phát triển thành một hệ sinh thái hoàn thiện. Từ năm 2010 đến năm 2015, doanh thu của các ngành công nghiệp kỹ thuật số tại Anh đã tăng 22% đồng thời cũng huy động được tổng cộng 5,2 tỷ USD kinh phí đầu tư mạo hiểm.
Ngày nay, Tech City là một sân chơi dành cho các nhà sáng tạo thuộc mọi thể loại, từ nghệ sĩ đến các doanh nhân. Và đó cũng là nơi quy tụ các đại gia công nghệ và các startup đủ loại.
Các trung tâm khởi nghiệp địa phương
Tuy nhiên, London không chỉ là trung tâm khởi nghiệp sôi động duy nhất trên toàn nước Anh. Có thể nói, nước Anh chính là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động khởi nghiệp. Các trung tâm công nghệ khu vực xuất hiện trên toàn quốc, chuyên sâu về mọi lĩnh vực từ an ninh mạng đến truyền thông kỹ thuật số. Trong năm 2016, các cụm khu vực này cũng đã thu hút hơn 6,2 tỷ USD đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số.
Khởi đầu với Manchester, với nền kinh tế công nghệ kỹ thuật số sôi động, đã sử dụng hơn 62.000 nhân công, chủ trì một số hội nghị công nghệ và thu hút gần 108 triệu USD đầu tư vào năm 2016. Tiếp nối, về phía Bắc, Edinburgh là trung tâm tài chính lớn thứ hai của Vương quốc Anh và cũng là nơi có các startup kỳ lân như Skyscanner và FanDuel.
Newcastle đã sản sinh ra 211 startup và một số doanh nghiệp công nghệ kỹ thuật số lớn nhất của Anh, bao gồm Sage. Đó cũng là nơi có chương trình gia tốc Ignite, vườn ươm nằm ngoài London tốt nhất của nước Anh.
Các startup lập trình trò chơi, thực tế ảo và kỹ thuật số đang phát triển mạnh ở Liverpool, trong khi Cambridge có thể tự hào về hệ sinh thái công nghệ trưởng thành nhất của đất nước. Với một trường đại học đẳng cấp thế giới đào tạo ra những tài năng hàng đầu, thành phố này đã tạo ra một số công ty thành công nhất của Anh, bao gồm cả hãng chế tạo chip ARM.
Như vậy, những dự báo ảm đạm về thời là hậu Brexit đã không tính đến vô số thế mạnh của hệ sinh thái công nghệ của nước Anh. Dù trong bất kỳ kịch bản ngày tận thế nào thì Vương quốc Anh và thủ đô London sẽ vẫn tiếp tục củng cố vị trí của mình với vai trò là trung tâm lãnh đạo thế giới trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ cao và đổi mới.