Trong số các công nghệ liên quan đến công trình ngầm, nền móng, trượt lở, xói mòn… đang được sử dụng ở Việt Nam hiện nay, có nhiều công nghệ được áp dụng phổ biến trên thế giới cách đây 20-30 năm. Việc tổ chức các hội nghị quốc tế lớn, quy tụ giới chuyên gia hàng đầu là cách ít tốn kém nhất để rút ngắn khoảng cách đó.


Các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới gặp gỡ tại GEOTEC HANOI 2019 sáng 28/11. Ảnh: BTC

Hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI 2019 với chủ đề Địa kỹ thuật vì sự phát triển hạ tầng bền vững đã khai mạc sáng nay với sự tham gia của hơn 800 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia.

Cổ phần FECON, Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam (VSSMGE), Đại học Thủy lợi và Công ty TNHH Kokusai Kogyo (KKC) phối hợp tổ chức Hội nghị dưới sự bảo trợ của Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình thế giới (ISSMGE) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Kéo dài 2 ngày, bên cạnh 4 chủ đề truyền thống là Móng sâu, Hầm và Công trình ngầm, Gia cố nền đất, Mô hình số và Quan trắc địa kỹ thuật, GEOTEC HANOI 2019 còn mở rộng sang 2 chủ đề mới đang rất được quan tâm hiện nay là Trượt lở và Xói mòn, và Kỹ thuật nền móng bờ sông, bờ biển.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đánh giá, “Hội nghị có quy mô lớn, được tổ chức chuyên nghiệp”. Ông cũng nhận xét các bài báo gửi đến Hội nghị mà ông đã được xem là “sâu và có những vấn đề học thuật cao”.

Theo Thứ trưởng Hùng, mỗi năm Việt Nam đầu tư ước chừng 60 tỷ USD cho xây dựng cơ bản, trong đó bao gồm các vấn đề địa kỹ thuật công trình, "để thấy, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng". Bởi vậy, ông bày tỏ hy vọng “Hội nghị không chỉ là diễn đàn để các nhà chuyên môn trao đổi với nhau, mà qua đó có thể đúc rút nhiều tri thức, kinh nghiệm hữu ích cho việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật vào các công trình xây dựng ở Việt Nam.”

Được biết, Hội nghị năm nay có sự tham gia của 3 nhà: Nhà quản lý, Nhà khoa học và Doanh nghiệp nhằm nhanh chóng vận dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến, giúp mỗi dự án xây dựng đạt được cùng lúc 3 tiêu chí: an toàn bền vững, thân thiện môi trường với giá thành thấp nhất.

Việt Nam chậm so với thế giới 20 - 30 năm

Địa kỹ thuật công trình là một chuyên ngành hẹp nhưng “liên quan đến tất cả các công trình lấy trái đất làm chỗ bám”, theo ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FECON, Trưởng ban tổ chức.

Hiện nay Việt Nam chủ yếu tiếp nhận chuyển giao công nghệ địa kỹ thuật công trình từ nước ngoài. Bên cạnh đó, các viện/trường trong nước đã tự nghiên cứu và phát triển một số công nghệ - chủ yếu thuộc các lĩnh vực nền móng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, chống sạt trượt ở miền núi - phù hợp với điều kiện địa chất và điều kiện kinh tế của đất nước – ông Khoa cho biết. “Trong số các công nghệ địa kỹ thuật công trình đang được sử dụng ở Việt Nam hiện nay, có nhiều công nghệ được áp dụng phổ biến trên thế giới cách đây 20-30 năm.”

“Việt Nam không đủ tiềm lực kinh tế để có thể mua các công nghệ cấp tiến ngay ở thời điểm ra đời mà chỉ có thể nhận chuyển giao khi các công nghệ này đã được thương mại hóa một thời gian khá dài và giá thành đã trở nên hợp lý,” ông Khoa lý giải. “Xét về bản chất, chúng ta áp dụng các công nghệ của Nhật Bản cách đây 20 năm cũng là tốt rồi.”

Tuy vậy, ông Khoa cho rằng, vẫn cần tìm cách rút ngắn khoảng cách cách về KH&CN giữa Việt Nam và các nước phát triển trong ngành Địa kỹ thuật công trình và việc tổ chức những hội thảo quốc tế lớn, quy tụ giới chuyên gia hàng đầu là cách ít tốn kém nhất để đạt được mục đích đó.

Ngoài các phiên giảng bài và thảo luận, trong khuôn khổ Hội nghị còn có hoạt động giới thiệu các công nghệ, sản phẩm ngành Địa kỹ thuật công trình của khoảng 50 công ty Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Thụy Sĩ…

Trong đó, công ty Kokusai Kogyo 72 năm tuổi của Nhật Bản giới thiệu nhiều công nghệ địa không gian như thiết bị siêu âm mặt đường, mặt cầu, giúp phát hiện các vết nứt để cơ quan quản lý có giải pháp bảo trì phù hợp; và công nghệ giám sát, quản lý tiến độ thi công tại chỗ đối với các công trình lớn bằng các thiết bị IoT.

Bên cạnh đó, Kokusai Kogyo còn giới thiệu thiết bị quan trắc thân/lòng đập và các không gian ngầm theo thời gian thực, giúp phát hiện các hiện tượng trượt sạt hoặc lún sụt. Ông Châu Thanh Thủy, Quản lý điều hành Kukusai Việt Nam, cho biết, thiết bị có thể quan trắc ở độ sâu tối đa 80 m và phát hiện những dịch chuyển từ 1mm. Các dữ liệu quan trắc được gửi về cho máy chủ và thông tin tổng hợp sẽ được gửi đến người sử dụng liên tục. Thiết bị này thường được cài đặt ở các công trình như đường hầm, tàu điện ngầm, những tòa nhà xung quanh nơi thi công các công trình ngầm để cảnh báo nguy cơ. Sắp tới, thiết bị dự kiến được thí điểm trên đoạn đê sông Đuống đang có dấu hiệu xói mòn. Hiện Kokusai Kogyo cũng đang tham gia 2 dự án do JICA Việt Nam triển khai, đó là dùng ảnh vệ tinh để phân tích biến đổi rừng Tây Bắc trong khuôn khổ dự án quản lý rừng bền vững; và chụp địa hình toàn bộ thành phố Huế từ trên cao để giúp quản lý các hồ chứa hiệu quả vào mùa mưa lũ.

Một công ty Nhật Bản khác, Hope E&C, giới thiệu công nghệ hạ cọc không gây tiếng ồn, được áp dụng trong quá trình xây ga Bến Thành thuộc dự án Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh. Công nghệ này hoàn toàn không gây ồn hay rung, “đặt cốc nước bên cạnh máy ép, nước cũng không bị sóng sánh”, địa hình thi công thì đa dạng và không tốn diện tích – theo ông Phạm Đình Khơi, kỹ sư thiết kế của Công ty. Ra đời từ năm 1975, đến năm 2000, công nghệ tiếp tục được hoàn thiện với động cơ máy đóng cọc sử dụng dầu phân hủy sinh học, “máy cứ đóng cọc ở trên, cá vẫn cứ bơi ở dưới,” ông Khơi nói.

Trong lần đầu tổ chức vào năm 2011, GEOTEC HANOI thu hút 450 nhà khoa học, nhà tư vấn thiết kế và nhà quản lý xây dựng công trình đến từ 24 quốc gia, với 6 bài giảng chính cùng 110 tham luận. Sau đó, GEOTEC HANOI tiếp tục được tổ chức vào các năm 2013 và 2016.

Trưởng Ban tổ chức Phạm Việt Khoa cho biết, GEOTEC HANOI 2019 được chuẩn bị trong 12 tháng, thu hút 160 diễn giả, trong đó có các giáo sư hàng đầu giảng bài keynote và các báo cáo nổi bật. Hội nghị đã được Nhà xuất bản Spinger đồng ý xuất bản E-proceedings cho 185 bài báo khoa học, trong đó Nhật Bản đóng góp nhiều nhất với 62 bài, Việt Nam - 47 bài, Hàn Quốc - 14 bài. “Đa số các bài có chất lượng cao, mang tính thời đại, các đề tài thiết thực có tính ứng dụng cao, được tác giả chuẩn bị công phu và rất nghiêm túc,” theo ông Khoa.