Hàng ngàn năm nay trong ngành gốm sứ, từ các làng nghề truyền thống đến những tập đoàn hàng đầu thế giới của Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp với trang thiết bị hiện đại, để sản xuất gốm mĩ nghệ cao cấp, người ta đều buộc phải nung hai lần lửa để đốt sạch các chất hữu cơ trong đất, tạo sản phẩm có chất lượng cao như chất lượng châu Âu...

Nhưng nay sau gần 10 năm nghiên cứu, ông Lý Ngọc Minh, Anh hùng lao động, Tổng Giám đốc công ty Minh Long 1 đã làm được điều tưởng chừng không thể. Đó là sản xuất gốm sứ cao cấp ở nhiệt độ 1380oC, đạt tiêu chuẩn châu Âu bằng phương pháp đốt một lần lửa.


Kế thừa truyền thống về nghề gốm từ hơn 100 năm của gia tộc họ Lý, năm 1970, ông Lý Ngọc Minh thành lập công ty sản xuất đồ gốm mĩ nghệ tại Bình Dương và chỉ sau gần 20 năm (từ 1995 đến 2015) liên tục đầu tư thiết bị hiện đại, đổi mới sáng tạo công nghệ, cùng với đội ngũ kỹ thuật, nghệ nhân khéo léo, tài hoa ở một vùng đất nổi tiếng về nghề gốm, sản phẩm gốm mỹ nghệ và sản phẩm sứ dân dụng chất lượng cao với trên 15.000 mẫu mã được nung ở nhiệt độ cao hơn 1.3800C của Minh Long không chỉ được rất nhiều gia đình người Việt ưa chuộng mà còn được xuất với số lượng lớn sang Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Mỹ… Đặc biệt một số tác phẩm gốm sứ mĩ nghệ độc nhất vô nhị của Minh Long như các Cúp Hồn Việt, Rồng Việt, APEC, Chén ngọc Văn Lang... nặng tới vài chục cân, liền khối, màu xanh cobalt truyền thống trên nền men ngọc cùng những sản phẩm hoa văn mang đậm bản sắc văn hóa Việt đã được chính phủ chọn làm quà tặng trong các lễ kỷ niệm, sự kiện quốc gia, quốc tế.

Ông Lý Ngọc Minh

“Tinh hoa từ đất, tinh xảo từ người”. Những sản phẩm gốm với hoa văn hài hòa, âm dương, vừa mang bản sắc văn hóa Việt vừa cách tân hiện đại, thật đẹp, có chiều sâu và quyến rũ của Minh Long 1 đã chinh phục người tiêu dùng, đã giúp công ty liên tục phát triển và ở đỉnh cao thành công trong suốt ba thập kỷ. Nhưng chính công nghệ sản xuất đó cũng từng là nguyên nhân dẫn đến bế tắc dường như không lối thoát của Minh Long cách đây 10 năm. Ông Minh cho biết, thời điểm đó giá gas tăng giá hằng ngày, từ 500 đến 1.000 – 1.500 USD/tấn, giá nhân công cũng tăng gấp nhiều lần làm ngành gốm sứ nói chung gặp nhiều khó khăn, riêng với Minh Long 1 thì khó khăn gấp bội do sản suất theo tiêu chuẩn chất lượng của Đức nung ở nhiệt độ 1380oC, tiêu thụ năng lượng gấp đôi so với sản phẩm sứ của các nước khác nung ở nhiệt độ 1320oC; đồng thời phải nung nhiều lần qua nhiều công đoạn quy trình nung hai lần, dẫn tới chi phí sản xuất quá cao.

Để tìm lối thoát, đã có không ít ý kiến cho rằng cần phải thay đổi công nghệ, hạ thấp tiêu chuẩn sản phẩm nhưng ông Minh không chấp nhận, theo ông điều đó đồng nghĩa với việc sẽ mất thương hiệu và thị trường, yếu tố dẫn đến phá sản… Sau nhiều giải pháp đổi mới quản lý, kỹ thuật, giảm chi phí đầu vào… được thực thi nhưng hầu như không xoay chuyển được tình thế, “chúng tôi đi đến quyết định tập trung trí lực vào việc tìm cách giảm được việc tiêu thụ năng lượng trong sản xuất. Coi đó là giải pháp duy nhất có thể giúp công ty thoát khỏi bế tắc nên tôi đã bàn bạc với một số cán bộ kỹ thuật về việc thay đổi quy trình công nghệ nung hai lần lửa sang một lần lửa mà vẫn đạt được chất lượng châu Âu (Đức). Đó là điều mà chưa quốc gia nào trên thế giới làm nên cũng chẳng thể học hỏi được kinh nghiệm của ai”, ông Minh chia sẻ.

Có thể nói việc triển khai dự án nghiên cứu đó đã gần như thay đổi mọi công đoạn trong quá trình sản xuất nên hằng ngày ông Minh và mọi thành viên trong công ty rất vất vả trong việc xử lý nhiều việc mới phát sinh. Dù không ít người ngần ngại, do dự… nhưng ông quyết không nản lòng, dừng bước. Ông vẫn tin là mình sẽ thành công. Khi được hỏi vì sao có niềm tin đó, ông kể, “vốn không có trình độ học vấn cao nên tôi rất chăm đọc sách, và do công việc, tôi được đi rất nhiều nơi, nhiều quốc gia, có dịp học hỏi kinh nghiệm từ người khác. Cũng do đọc sách nên tôi biết được có nhiều nhà khoa học cũng không được học hành đến nơi đến chốn như tôi nhưng do kiên trì, mày mò thử nghiệm nhiều lần và đam mê nên đã có những phát minh mang lại lợi ích cho con người. Tôi tâm niệm, người có công thì trời không phụ. Việc người khác không làm được, không có nghĩa là mình không làm được”.

Trong 8 năm từ 2007 đến 2015, Minh Long 1 đã sáng tạo nhiều giải pháp kỹ thuật, công nghệ, trong đó giải pháp có ý nghĩa quyết định sự thành công của việc nung một lần lửa là xử lý hệ thống lọc nước và khí, bảo đảm: lọc nước theo tiêu chuẩn cao nhất cho công nghiệp để pha chế nguyên liệu luôn đạt hiệu quả trung tính và tinh khiết; trong vòng 3 phút có thể đưa một lượng khí lớn vừa sạch, vừa trung hòa độ pH và ion hóa, có nhiệt độ thấp hơn bên ngoài khoảng 10 độ vào các xưởng khép kín, bảo đảm sự tinh khiết môi trường cho công nhân làm việc thấy dễ chịu, thoải mái, các sản phẩm cần đốt một lần đạt hiệu quả cao, ít hư hỏng; đồng thời hệ thống lọc khí phải tự vận hành, tự rửa, nếu không hàng tuần phải mất nhiều công sức nữa. Theo ông Minh, đây là một việc rất khó, phải mày mò làm tới làm lui suốt 8 năm trời mới thành công. Các giải pháp tiếp theo là cải tạo hệ thống lò nung và lắp thêm hệ thống sấy trước lò nung chín sản phẩm để sấy thật khô cho phù hợp với kỹ thuật một lần; đầu tư thiết bị để xử lý nguyên liệu đầu vào cho men và đất có sự tương thích, không bị sốc nhiệt; nâng cấp giấy hoa, khuôn mẫu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất… và bước cuối cùng là huấn luyện, đào tạo lại thợ gốm cho phù hợp với quy trình công nghệ mới.

Việc đưa công nghệ đốt một lần lửa vào sản xuất đã mang lại hiệu quả trông thấy. Ông Minh cho biết, ở bộ phận sản xuất đồ sứ chén đĩa có 1.500 người lao động, làm theo công nghệ cũ chỉ đạt từ 50 đến 60.000 sản phẩm/ngày thì nay với công nghệ mới đã sản xuất được gấp đôi (100 đến 120.000 sản phẩm/ngày) cùng số nhân công như nhau mà sản lượng tăng gấp đôi, và thời gian của chu kỳ sản xuất chỉ còn 1/5 so với trước, nghĩa là từ 15 ngày xuống chỉ còn 3 ngày. Các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm như độ trắng, mỏng, cứng, bóng… đều bằng hoặc hơn so với khi nung hai lần.

Nhưng để có được những sản phẩm chất lượng cao như sứ nhiệt độ cao của hãng Rosenthal (Đức), Royal Copenhagen (Đan Mạch), Lemoi (Pháp), và sứ Ivory (sứ ngà hay giả xương) của hãng Rak, một tập đoàn sứ lớn nhất khối Ả Rập về đồ ăn uống, thì “cùng với hoàn thiện công nghệ nung một lần lửa, một bí quyết quan trọng khác là đảm bảo nguyên liệu đầu vào tốt nhất. Cũng như người đầu bếp dù tài giỏi đến mấy mà không có thực phẩm tươi ngon thì cũng đành bó tay”, ông Minh nói. Trong một lần được ông cho tham quan bộ sưu tập đồ gốm với vài chục nghìn hiện vật quý, tinh xảo, tuyệt đẹp, tôi hỏi, hiện vật nào ông quý nhất, “những mẫu đất mà tôi mang về từ nhiều quốc gia trên thế giới”, tôi thực sự bất ngờ với câu trả lời của ông. Ông cho biết, hiện trong kho nguyên liệu của mình có hơn 30 loại đất quý hiếm mà ông mua được từ các mỏ đất chất lượng tốt nhất của nhiều nước, trong đó có loại đất quý mà ông phải mua dự trữ từ sáu tháng đến ba năm để phòng không mua được. “Tài sản của tôi trong nhà máy, đất là quan trọng nhất. Người ta giữ tiền, còn tôi giữ đất”, ông nói. Vì vậy, không có gì lạ khi sản phẩm gốm sứ Minh Long luôn đạt chất lượng cao vào loại hàng đầu thế giới, thậm chí sản phẩm sứ trang trí lễ hội Noel cũng có mẫu được nung ở nhiệt độ cực thấp 1150oC (hiện chưa có hãng nào làm được) cung cấp cho thị trường Pháp, khiến nhiều hãng của Pháp có sản phẩm tương tự phải đóng cửa (do giá thành sản phẩm cao).

Một chuyên gia hàng đầu thế giới về đất của Đức khi tham quan kho nguyên liệu của Minh Long đã hỏi ông về cách xác định chất lượng đất. Khi ông trả lời là phải có một phòng thí nghiệm với thiết bị hiện đại nhất giống như của Đức thì “ông ta chỉ vào đầu tôi mà nói, con khỉ, cái đầu mày chứ phòng thí nghiệm nào”. Ông Minh cho biết, để xác định chất lượng đất, trước hết ông phải sờ xem độ mịn, rồi dùng lưỡi liếm để biết được có hạt, dùng tay để cảm nhận độ dẻo và bằng mắt quan sát cấu trúc của đất qua màu sắc, độ dẻo, hình thái để đoán loại đất đó có thể chịu được nhiệt độ nung là bao nhiêu… “Bằng kinh nghiệm, tôi có thể xác định được nhanh chất lượng của đất. Còn nếu chỉ dựa vào phòng thí nghiệm thì chậm mà đôi lúc chưa chắc đã chính xác” (vì cần nhiều cách và nhiều lần thực hiện mới có kết quả chính xác), ông Minh khẳng định.

Chia sẻ với khán giả chương trình “Cánh buồm khởi nghiệp” của VTV vào đầu năm 2016, ông Lý Ngọc Minh bày tỏ niềm tự hào vì đã nghiên cứu thành công một đột phá công nghệ, góp phần đưa vị thế kỹ thuật ngành gốm sứ Việt Nam lên hàng đầu thế giới, và ngày nay nhân dân ta có thể ngẩng cao đầu mà nói rằng: riêng lĩnh vực đồ sứ chất lượng cao theo tiêu chuẩn cao nhất, sản xuất theo công nghệ hiện đại, chúng ta không hề thua kém bất cứ cường quốc nào trên thế giới.