Các nhà khí tượng học cho biết các tiêu chuẩn quốc tế về công nghệ không dây 5G có thể làm giảm độ chính xác của các phép đo hơi nước bằng vệ tinh - yếu tố quan trọng trong dự báo thời tiết.
Cơ quan quốc tế điều chỉnh viễn thông toàn cầu đã đồng ý với các tiêu chuẩn tần số vô tuyến mới vào ngày 21/11 vừa qua. Các nhà khí tượng học cho rằng quyết định này đe dọa đến tương lai của dự báo thời tiết trên toàn thế giới, bằng cách cho phép tín hiệu từ các mạng điện thoại di động làm giảm chất lượng quan sát Trái đất từ không gian.
Hơi nước trên lục địa Hoa Kỳ được thể hiện trong hình ảnh vệ tinh này từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ.
Các công ty không dây đang bắt đầu tung ra các mạng thế hệ tiếp theo, được gọi là 5G, trên toàn thế giới. Quyết định nói trên chỉ định tần số vô tuyến mà thiết bị 5G có thể truyền. Nhưng một số trong những tần số đó rất gần với tần số được sử dụng bởi các vệ tinh để thu thập dữ liệu thời tiết và khí hậu quan trọng.
Các nhà đàm phán tại một cuộc họp của Liên minh Viễn thông Quốc tế tại thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập, đã nhất trí với hai giai đoạn thực hiện tần số gần 24 gigahertz - gần với tần số các vệ tinh thời tiết sử dụng để phát hiện lượng nước trong khí quyển. Giai đoạn đầu, từ nay đến 2027, các công ty vận hành mạng 5G sẽ được hoạt động trong tiêu chuẩn tần số tương đối lỏng lẻo, sau đó quy định trở nên chặt chẽ hơn. Ý tưởng là để cho các công ty 5G bắt đầu xây dựng mạng lưới ngay bây giờ, và sau đó mới thêm nhiều biện pháp thắt chặt việc sử dụng tần số, đảm bảo cho việc quan sát Trái đất khi các mạng 5G trở nên dày đặc hơn.
8 năm các mạng 5G được vận hành "lỏng lẻo hơn" gần trong mức 24 gigahertz làm các nhà dự báo thời tiết lo lắng, theo Eric Allaix, nhà khí tượng học tại Météo-France ở Toulouse, người đứng đầu một nhóm Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) về điều phối tần số vô tuyến. WMO rất lo lắng đến mức họ đã phải đọc một tuyên bố tại cuộc họp, ông nói.
"Cuộc đua 5G sẽ diễn ra rất nhanh," Renee Leduc, nhà tư vấn cho Chiến lược Narayan ở Washington DC, người đã làm việc về các vấn đề chia sẻ tần số, nói. "Chúng ta sẽ thấy sự gia tăng rất nhanh (của mạng 5G)", trong khi đến năm 2027 mới có các biện pháp thắt chặt tần số để bảo đảm cho việc quan sát Trái đất, "tôi vẫn thực sự lo lắng về khoảng thời gian từ bây giờ đến lúc đó."
Vùng đệm
Truyền 5G sẽ liên quan đến nhiều tần số, nhưng tần số chính được thảo luận là 23,8 gigahertz. Nếu một trạm 5G đang truyền tín hiệu gần tần số 23,8 gigahertz, một vệ tinh thời tiết có thể nhận nó và hiểu nó là hơi nước. Và dữ liệu xấu đó có thể làm giảm chính xác của dự báo.
Các nhà khí tượng học nói rằng vấn đề này có thể kiểm soát được, nhưng chỉ khi có đủ vùng đệm nhiễu giữa truyền 5G và tín hiệu hơi nước. Vùng đệm được đo bằng đơn vị wat decibel.
Trước thềm hội nghị Ai Cập, các nhà khí tượng học, ngành công nghiệp không dây và các nhà quản lý chính phủ đã tranh cãi về cách xác định mức độ can thiệp thích hợp. Tổ chức Khí tượng Thế giới đã kêu gọi vùng đệm lớn nhất, -55 decibel watts. Các nhà quản lý Châu Âu đã giải quyết theo khuyến nghị ít nghiêm ngặt hơn, -42 decibel watts, cho các trạm 5G. Tại Hoa Kỳ, Ủy ban Truyền thông Liên bang đã ủng hộ một hạn chế lỏng lẻo hơn, chỉ ở mức -20 decibel watts, dẫn đến nhiễu lớn hơn 150 lần so với mức cho phép theo đề xuất của Châu Âu.
Tiêu chuẩn mới được thống nhất gần nhất với khuyến nghị của Châu Âu: -33 decibel watts cho đến ngày 1/9/2027 và -39 decibel watts sau đó.
Tuy nhiên, một nghiên cứu được thực hiện bởi NASA và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy các trạm cơ sở 5G cần truyền với bộ đệm tiếng ồn -52,4 decibel watts để bảo vệ các quan sát hơi nước.
Các nhà dự báo thời tiết sẽ phải tìm ra cách giảm thiểu tác động đối với các quan sát vệ tinh - có lẽ bằng cách làm việc với ngành công nghiệp không dây để nghiên cứu các cách tắt hoặc chuyển hướng truyền 5G khi vệ tinh thực hiện các phép đo.
Các thỏa thuận khác đã đạt được trong tuần này tại Sharm El-Sheikh bao gồm các đội vệ tinh lớn phải phóng nhanh như thế nào để không "cướp" phổ tần số vô tuyến, và tần số các máy bay không người lái có thể truyền thông tin.
Nguồn: