Các nhà khoa học Việt Nam và Đức đã hợp tác với nhau để khảo sát tỷ lệ lưu hành của virus viêm gan E ở nhóm lợn rừng và lợn nhà tại các lò mổ và trang trại nuôi ở tỉnh Thừa Thiên Huế và TP.HCM. Nghiên cứu đã hé lộ vai trò của lợn rừng như một ổ chứa virus lây truyền từ động vật sang người cần lưu ý.
Các nhà khoa học thu thập mẫu tại các trang trại lợn. Ảnh: NVCC
Virus viêm gan E (HEV) là một loại virus gây viêm gan cấp tính, thường lây lan qua đường tiêu hóa. HEV chủ yếu được tìm thấy ở các nước đang phát triển, nơi điều kiện vệ sinh kém và nguồn nước bị ô nhiễm.
Ước tính, mỗi năm trên thế giới có 20 triệu ca nhiễm viêm gan E, với hơn 3 triệu ca có triệu chứng và 56.600 ca tử vong. Viêm gan E thường tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ở phụ nữ mang thai, người được ghép tạng, những người mắc bệnh gan tiềm ẩn và bệnh nhân bị nhiễm HIV và suy giảm miễn dịch, căn bệnh này có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng hơn.
Hiện tại, các nhà khoa học trên thế giới đã xác định được tám kiểu gene HEV (HEV-1 đến HEV-8). Kiểu gene 1 và 2 chỉ lây nhiễm cho con người, kiểu gene 3, 4 và 7 lây nhiễm cho cả người và động vật, và kiểu gene 5, 6 và 8 chỉ lây nhiễm cho động vật. Ở Việt Nam, hiện chỉ có kiểu gene HEV 3 và 4 đang lưu hành, điều này cho thấy virus viêm gan E chủ yếu lây truyền từ động vật sang người.
Đường lây nhiễm chủ yếu của virus viêm gan E thường qua đường phân - miệng, tuy nhiên một số ít trường hợp có thể lây truyền qua đường truyền máu. Vào năm 2004, các nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện một bệnh nhân bị viêm gan E cấp tính sau khi được truyền máu dương tính với HEV.
Đó cũng là điều mà ThS. Lê Chí Cao (trường Đại học Y Dược Huế), hiện đang là nghiên cứu sinh tại Viện Y học nhiệt đới (trường ĐH Tuebingen, CHLB Đức) và các đồng nghiệp của anh băn khoăn khi tiến hành một nghiên cứu nhằm sàng lọc hơn 500 mẫu máu được hiến tại khoa Huyết học và Truyền máu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vào năm 2021. “Có 27% những người hiến máu từng tiếp xúc hoặc từng nhiễm HEV”, anh chia sẻ, “đó là tỷ lệ khá cao”.
Tuy nhiên, xét nghiệm không phát hiện thấy virus viêm gan E trong máu ở những người này vào thời điểm hiến máu. Đó là một tín hiệu đáng mừng, bởi điều này cho thấy nguy cơ lây truyền virus viêm gan E từ người hiến máu tại Việt Nam khá thấp. Dù vậy, xét về góc độ y tế công cộng, việc sàng lọc viêm gan E vào những đợt hiến máu, đặc biệt là ở những vùng lưu hành HEV, có thể giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng lây truyền qua đường này. Một số nước châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Iceland, Pháp và Anh đã đưa ra yêu cầu sàng lọc viêm gan E bắt buộc đối với những người hiến máu.
Phát hiện này cũng khơi gợi cho nhóm nghiên cứu những câu hỏi về các con đường lây truyền khác của virus viêm gan E. Trước đó, một số nghiên cứu giám sát virus viêm gan E do các nhóm nghiên cứu khác tiến hành tại Việt Nam đã phát hiện thấy 53% những người có nghề nghiệp phải tiếp xúc với lợn hoặc thịt lợn đã từng tiếp xúc hoặc từng nhiễm virus viêm gan E. Con số này cho thấy rủi ro phơi nhiễm lớn với virus viêm gan E của người dân Việt Nam.
Lợn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các loại gia súc ở Việt Nam, chiếm 67% (23 triệu) vào năm 2021 và 74% (25 triệu) vào năm 2022. Ngoài ra, khoảng 217 trang trại ở Việt Nam đã nuôi khoảng 7500 con lợn rừng vào năm 2021.
Nhận thấy tại Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu nào xem xét lợn rừng như một vật chủ của virus viêm gan E, ThS Lê Chí Cao và các đồng nghiệp đã quyết định tiến hành khảo sát tỷ lệ lưu hành của viêm gan E ở nhóm lợn rừng và đối chiếu với lợn nhà để so sánh. Đây sẽ là một hướng nghiên cứu tiềm năng, bởi kể từ khi các nhà nghiên cứu quốc tế xác định được các chủng virus viêm gan E ở lợn nhà tại Mỹ vào năm 1997, giới khoa học đã tiếp tục phát hiện được các chủng này trên toàn thế giới ở cả quần thể lợn nhà và lợn rừng.
“Bên cạnh đó, viêm gan E là nhóm nguy cơ có khả năng phát tán thành dịch nên việc công bố các điểm có sự lưu hành của viêm gan E ở động vật có thể hỗ trợ thêm cho các biện pháp dự phòng trong tương lai”, anh chia sẻ.
Rủi ro từ lợn rừng
Suốt hai tháng liền, từ tháng tư đến tháng sáu năm 2022, các nhà khoa học đã thu thập các mẫu tăm bông trực tràng, phân và gan của 415 lợn nhà và 102 lợn rừng tại các trang trại và lò mổ tại tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Hồ Chí Minh. Theo ThS. Lê Chí Cao, bước lấy mẫu đến động vật chính là khâu khó nhất trong nghiên cứu này. “Các địa điểm lấy mẫu cách xa nhau và các lò mổ hoạt động từ 2-3 sáng nên các nhân viên lấy mẫu cũng phải đi thu thập mẫu vào thời gian trên. Bên cạnh đó, việc lấy mẫu cần sự hỗ trợ và phối hợp thêm của chủ trang trại và bác sĩ thú y”, anh kể.
Nghiên cứu được thực hiện với sự hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và Đức trong khuôn khổ dự án PACE-UP. Tại Việt Nam, trường Đại học Y Dược Huế (HUMP) và Đại học Quốc gia HCM (VNU-HCM) đã phối hợp để thu thập mẫu động vật. Các kỹ thuật sinh học phân tử và phân tích gene được tiến hành tại Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện ĐH Tubingen, Đức.
Tổng cộng, có 54 mẫu (tương đương 10%) dương tính với RNA HEV, trong đó lợn rừng có tỷ lệ dương tính là 25%, lợn nhà là 7%. Ở tỉnh Thừa Thiên Huế, hai lò mổ có tỷ lệ dương tính với HEV cao nhất là 26% (8 con) và 13% (13 con). Tại TP.HCM, trang trại nuôi lợn rừng có tỷ lệ dương tính với HEV cao nhất là 43% (13 con), tiếp theo là một trang trại lợn rừng với tỷ lệ 22% (12 con). Trong công bố “
Characterization of zoonotic hepatitis E virus in domestic pigs and wild boar in Vietnam: Implications for public health” được đăng tải trên tạp chí
One Health, các nhà khoa học kết luận tỷ lệ dương tính với RNA HEV ở khu vực nghiên cứu tại TP.HCM là 20%, cao hơn so với khu vực tại tỉnh Thừa Thiên Huế (7%). Đáng chú ý, tăm bông trực tràng cho thấy tỷ lệ dương tính cao nhất (15%), tiếp theo là phân (8%) và gan (4%).
Các mẫu dương tính với RNA HEV cũng đã được giải trình tự bằng phương pháp Sanger và phân tích kiểu gene. HEV-3a là kiểu gene chiếm ưu thế ở mức 85%, tiếp theo là HEV-4b ở mức 9% và HEV-3f ở mức 6%. Nếu HEV-3a phân bố ở cả tỉnh Thừa Thiên Huế và TP.HCM, thì HEV- 3f chỉ được phát hiện ở tỉnh Thừa Thiên Huế và HEV-4b được phát hiện ở lợn rừng tại TP.HCM. Những phát hiện này đã hé lộ mức độ phổ biến của HEV ở lợn rừng - bên cạnh lợn nhà, nhấn mạnh vai trò của chúng như là ổ chứa bệnh truyền từ động vật sang người quan trọng.
Nghiên cứu đã hé lộ mức độ phổ biến của HEV ở lợn rừng - bên cạnh lợn nhà, nhấn mạnh vai trò của chúng như là ổ chứa bệnh truyền từ động vật sang người quan trọng. Ảnh: NVCC
Trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang phải đối diện với gánh nặng do viêm gan E gây ra, việc giám sát thường xuyên virus từ động vật là biện pháp thiết yếu. Nghiên cứu này đã giúp đánh giá mức độ phân bố và tính đa dạng di truyền của virus viêm gan E trong lợn nhà và lợn rừng ở khu vực miền Trung và miền Nam Việt Nam.
Kết quả của dự án đã mở ra cho ThS. Lê Chí Cao và các đồng nghiệp những hướng nghiên cứu trong tương lai. “Cần xác định liệu rằng những virus viêm gan E phát hiện từ động vật này có khả năng lây sang những người tiếp xúc không, đặc biệt là nhóm đối tượng thường xuyên tiếp xúc nghề nghiệp với động vật”, anh chia sẻ. Đồng thời, anh cũng mong muốn tiến hành khảo sát gánh nặng của viêm gan E trên những bệnh nhân viêm gan cấp và mạn tại Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang được xác định là vùng dịch tễ cao của virus viêm gan E.