Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí eLife vào tháng 4/2023, các nhà khoa học tại Đại học Tufts (Mỹ) đã sản xuất thành công mô mỡ trong phòng thí nghiệm với kết cấu và cấu tạo tương tự như chất béo tự nhiên có nguồn gốc từ thịt động vật.

.
.

Trong vài năm gần đây, một số công ty khởi nghiệp đã tạo ra thịt gà, thịt bò, thịt lợn và thịt cá nhân tạo nhưng về bản chất đó chỉ là các mô cơ và miếng thịt vẫn thiếu đi một thành phần quan trọng: chất béo.

Việc tạo ra đủ số lượng mô mỡ trong quá trình nuôi cấy là một thách thức lớn bởi vì khi mỡ phát triển thành một khối, các tế bào ở giữa sẽ bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng.Trong tự nhiên, mạch máu và mao mạch vận chuyển oxy cũng như chất dinh dưỡng đến khắp các mô.Trước đây, các nhà nghiên cứu chưa có cách nào tái tạo lại mạng lưới mạch máu đó trong những mô nuôi cấy ở quy mô lớn, vì vậy họ chỉ có thể phát triển mô mỡ với kích thước vài milimét.

Để khắc phục hạn chế này,nhóm nghiên cứu đã nuôi cấy tế bào mỡ của lợn trong một lớp phẳng, hai chiều, sau đó ghép chúng lại với nhau thành những khối ba chiều lớn hơn bằng một chất kết dính có thể ăn được như alginate và mTG.

“Đây là phương pháp sản xuất mô mỡ số lượng lớn tương đối đơn giản. Trong tương lai, quy trình này sẽ giúp món thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm trở nên ngon miệng và có hương vị giống như thật”, John Yuen Jr,thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.