Một nghiên cứu mới cho thấy, phải mất 16 năm nữa phụ nữ mới có thể bắt kịp nam giới trong công bố các bài báo khoa học. Riêng trong lĩnh vực vật lý, con số này là 258 năm.

Để đi đến kết luận trên, nhà nghiên cứu Luke Holman tại Đại học Melbourne (Australia) đã khảo sát trên gần 10 triệu bài báo học thuật được xuất bản trong 15 năm qua.

Theo ông, với tốc độ thay đổi hiện tại, trong nghiên cứu khoa học phụ nữ sẽ bắt kịp nam giới trong 16 năm, nhưng ước tính tổng thể này ẩn chứa nhiều sự khác biệt ở từng lĩnh vực nghiên cứu. Ví dụ, trong số 115 chuyên ngành được thống kê,các tác giả nữ đông hơn tác giả nam chỉ trong một số ít ngành như điều dưỡng và hộ sinh. Số lượng bài báo công bố ngang bằng nhau trong 23 chuyên ngành bao gồm tâm lý học, dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng.

Trong số 115 chuyên ngành, có 87 chuyên ngành nam giới đông hơn đáng kể so với phụ nữ. Một vài ngành trong số này, bao gồm nhân chủng học, vi sinh vật, di truyền học y tế, sẽ đạt mức ngang bằng giới tính trong thập kỷ tới. Nhưng một số ngành khác như vật lý, toán học, và khoa học máy tính, không những số lượng nam giới có khuynh hướng áp đảo - cao gấp 6 lần phụ nữ - mà tỷ lệ cải thiện cũng chậm nhất. Trong lĩnh vực vật lý, khoảng cách giới tính có thể mất tới 258 năm để bị san lấp hoàn toàn.

Holman đã tải xuống 9,15 triệu bài báo từ PubMed, một trong những kho lưu trữ lớn nhất về lĩnh vực y tế, khoa học đời sống, và nửa triệu bài viết khác từ ArXiv, kho lưu trữ các bài báo trong lĩnh vực toán học, vật lý, thiên văn…Sau đó, Holman viết một chương trình máy tính sử dụng cơ sở dữ liệu trực tuyến để tìm ra giới tính của mọi tác giả.

Nguồn: Peer Scientist

Sự phân biệt giới tính

Holman cảnh báo rằng, ngay cả khi đạt được sự cân bằng giới trong số lượng bài báo công bố, không nên coi đó là bằng chứng cho thấy sự phân biệt giới tính đã chấm dứt.
Ví dụ, nhóm của Holman phát hiện trong hầu hết các lĩnh vực, phụ nữ ít có khả năng trở thành tác giả đứng tên cuối (last author) trên một bài báo - vị trí thường ghi tên các nhà nghiên cứu cao cấp trong vai trò lãnh đạo. Điều này nói lên một xu hướng lớn hơn, nếu bạn càng đi sâu vào giới học viện, những người phụ nữ càng có ít tính đại diện hơn.

Phụ nữ có ít khả năng được đào tạo trong các phòng thí nghiệm tiên tiến, đặc biệt là những phòng thí nghiệm do nam giới điều hành. Họ được trả lương ít hơn. So với những nam giới có trình độ ngang bằng, nữ giới nhận được ít sự cố vấn hơn. Họ hiếm khi được mời tới các buổi nói chuyện. Phụ nữ cũng được coi là ít có năng lực và ít được tuyển dụng hơn. Trên hết, họ phải đấu tranh với định kiến về trí thông minh và sự nhạy bén của họ trong khoa học. Đôi khi họ cũng bị quấy rối và lạm dụng tình dục.

Đối với mỗi lý do kể trên, nhiều phụ nữ rời khỏi lĩnh vực STEM [khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học] từ sớm. Tuy nhiên, những người ở lại có ít bài báo công bố hơn so các đồng nghiệp nam. Và khi được xuất bản, các bài báo của họ cũng ít được trích dẫn.

Ngay cả trong các lĩnh vực có nhiều phụ nữ, bất bình đẳng giới vẫn tồn tại. Ví dụ, Holman thấy rằng trong nhiều ngành khác nhau, các tạp chí uy tín nhất cũng là những tạp chí có ít tác giả nữ nhất. Đối với một số tạp chí nổi tiếng như Nature và The New England Journal of Medicine, phụ nữ rất hiếm khilà tác giả đứng tên cuối của bài báo.

Một phần là do những tạp chí uy tín thường mời các nhà khoa học nam giới gấp đôi so với phụ nữ, cũng có thể do phụ nữ gửi tỷ lệ bài báo nghiên cứu thấp hơn tới các tạp chí hàng đầu do thiếu tự tin hoặc thiếu sự hỗ trợ. Ngoài ra, người bình duyệt hoặc chỉnh sửa bài báo có thể mang thành kiến không tốt với phụ nữ - dù tác động ngầm hay rõ ràng.

“Tôi đã có một khoảng thời gian khó khăn khi công bố đa số các bài báo, bao gồm cả những bài báo hiện nay có tầm ảnh hưởng lớn. Tôi không biết đó có phải là do tôi công bố với nhiều đồng nghiệp nữ hay không. Kate Clancy, nhà nghiên cứu tại Đại học Illinois (Mỹ), cho biết.

Một số biện pháp

Holman và cộng sự cho rằng, các tạp chí có thể giải quyết vấn đề trên bằng cách thuê thêm biên tập viên nữ hoặc mời thêm những người bình duyệt là phụ nữ. Họ cũng nên thực hiện chính sách phản biện kín hai chiều nghĩa là những người đánh giá bài báo sẽ không biết danh tính của tác giả và tác giả cũng không biết danh tính của người đánh giá. Ý tưởng là mọi người sẽ nhận được đánh giá công bằng và không thiên vị.“Đây là những gì có thể sửa đổi ngay bây giờ, và tôi thách thức các tạp chí lớn thực hiện điều này”, Kelly Ramirez, người đồng sáng lập tổ chức 500 Women Scientists, nói.

Holmanvà đồng nghiệp cũng đưa ra một số biện pháp khác để giảm chênh lệch về giới trong khoa học, đó là: (1) Những nỗ lực tuyển dụng và giữ chân phụ nữ trong lĩnh vực STEM phải được tiến hành trên phạm vi rộng, bao gồm việc xua tan niềm tin phổ biến cho rằng có sự khác biệt bẩm sinh về giới tính trong năng lực STEM; (2) Cải cách việc bình duyệt và xuất bản các bài báo; (3) Đảm bảo phụ nữ có quyền tiếp cận bình đẳng với các mạng lưới kết nối cộng đồng chuyên gia; (4) Nỗ lực tạo ra sự công bằng khi đánh giá thành tích của phụ nữ; (5) Đảm bảo nguồn lực bình đẳng cho phụ nữ tại nơi làm việc; (6) Hỗ trợ tốt hơn cho phụ nữ khi nghỉ thai sản, đồng thời có các điều khoản bổ sung giúp họ quay trở lại làm việc sau một thời gian gián đoạn sự nghiệp; (7) Phấn đấu có sự cân bằng giới tính trong số các diễn giả được mời tới hội thảo khoa học; (8) Không kỳ thị phụ nữ trong quá trình tuyển dụng.