Năm 1971, Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn biến Albert Einstein thành nhân vật tuyên truyền theo đúng nghĩa đen. Họ làm ra một áp-phích khắc họa hình ảnh nhà vật lý thiên tài: trong trường hợp cụ thể này, họ dùng tấm hình ám ảnh và nổi tiếng thế giới do Philippe Halsman chụp nhà khoa học lưu vong người Đức gốc Do Thái với đôi mắt u buồn không thể không thu hút sự chú ý của bạn. Tấm hình được đi kèm với khẩu hiệu khéo léo, “Hành trang không phải là thứ duy nhất mà người tị nạn mang tới đất nước mới. Einstein là một người tị nạn.”
Người ta không thể nghĩ ra ấn bản nhất thời nào phù hợp hơn cho thế giới hôm nay. Như tôi đã nhấn mạnh trong lời nói đầu dành cho ấn bản mới của nhật ký hành trình đến Viễn Đông, Palestine, và Tây Ban Nha, từ năm 1922 đến 1923 của Einstein mà tôi biên tập, “lại một lần nữa, những người tị nạn cơ cực nỗ lực tuyệt vọng để chạy trốn khỏi sự ngược đãi và xung đột bạo lực, chen chúc nhau trên những con tàu không đủ điều kiện ra khơi, đôi khi chìm, và – nếu họ sống sót – lại bị giam chân trong điều kiện sống tối thiểu ở những trại tị nạn.
Lại một lần nữa, những bậc cha mẹ điên cuồng tìm cách đưa con cái họ đến nơi an toàn, rồi chỉ để chịu đựng những chuyến đi đau khổ và đày đọa. Lại một lần nữa… những bức tường xi-măng, hàng rào dây thép gai và định kiến được dựng lên để ngăn cản những người ngoại quốc.” Và lại một lần nữa, bất chấp sự giàu có về văn hóa mà những người tị nạn và di cư mang theo đến quê hương mới, những nước tiếp nhận vẫn mô tả họ như một mối đe dọa.
Einstein được biết đến như một biểu tượng của chủ nghĩa nhân đạo trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên với việc ấn hành phiên bản mới nhật ký hành trình Viễn Đông của ông, thế giới đã bị sốc khi biết rằng con người mẫu mực về lòng vị tha và vô cùng mạnh mẽ trong đấu tranh bảo vệ dân quyền kể từ những năm 1930 cho mãi về sau không phải lúc nào cũng bao dung với đồng loại.
Nhật ký tiết lộ những ghi chép chắc hẳn sẽ khiến người đọc hiện đại choáng váng khi nó vén màn sự thật rằng ngay cả vị hiền nhân thông thái với cái nhìn thấu suốt cũng giữ những niềm tin mang tính định kiến và khuôn sáo về người dân ở những quốc gia khác.
Albert Einstein trong một lần đến thăm Nhà Trắng ở thủ đô Washington vào đầu những năm 1920. Nguồn: Universal History Archive/Getty Images
Nhưng sao lại có chuyện này được? Làm thế nào để người ta có thể hợp nhất hình ảnh cao quý đã được biết đến rộng rãi trong công chúng về Einstein với những suy nghĩ cá nhân đáng ghê sợ mà ở đó ông mô tả người Trung Quốc như những người “cần lao, dơ dáy, [và] trì độn” và “thường giống với những cái máy hơn là con người.”
Mặc dù Einstein thông cảm với những điều kiện sống khắc nghiệt mà nhiều người Trung Quốc phải vật lộn hằng ngày, từ nhật ký chúng ta còn biết rằng, “thật đáng sợ nếu những người Trung Quốc này sẽ thế chỗ tất cả các chủng tộc khác” và rằng, đây có lẽ là nhận xét gây tức giận nhất, ông không thể “hiểu phụ nữ Trung Quốc sở hữu sức hấp dẫn tai họa nào mà làm mê hoặc những người đàn ông tương xứng đến mức họ không thể tự bảo vệ mình khỏi lời chúc phúc kinh khủng về con cái.”
Einstein cũng không tha cho cả những người cùng sắc tộc với ông – trong trường hợp này là những người Do Thái chính thống cực đoan (ultra-orthodox Jews) ở Jerusalem - khỏi những nhận xét vô tình của mình. Ông đã mô tả những người đàn ông bên Bức tường Than khóc là “những người anh em cùng sắc tộc ngốc ngếch” và “một cảnh tượng thảm hại”.
Những nhận xét này từ hành trình kéo dài 6 tháng của Einstein đến Viễn Đông và Trung Đông không phải tự dưng mà có.
Năm 1918, ông được mẹ của một sinh viên sinh học xuất sắc người Đức nhờ khuyên can con trai bà không ra trận trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Einstein đã nhận lời và viết: “Liệu có phải vị trí của anh ở ngoài đó không thể được lấp bởi một người tầm thường thiếu trí tưởng tượng, loại người gọi 12 là một tá? Chẳng phải việc giữ mạng sống cho những người có giá trị còn quan trọng hơn hết thảy mấy cuộc ẩu đả lớn ngoài đó sao?
Và vào năm 1922, Einstein nói với bạn thân của mình, nhà vật lý Paul Ehrenfest, người có đứa con trai 4 tuổi được chẩn đoán mắc hội chứng Down, rằng ông đồng tình với quyết định đưa đứa trẻ vào viện chăm sóc sức khỏe hơn là tự mình chăm sóc con, bởi “những người có giá trị không nên hy sinh vì những việc làm không mang lại triển vọng gì, điều đó là không nên kể cả trong trường hợp này.”
Tất cả những thí dụ đó giúp tôi thấy rõ có những hạn chế rõ ràng trong chủ nghĩa nhân văn của Einstein, ít nhất ở vào giai đoạn này của đời ông. Mạch chung trong những phát ngôn này là tư tưởng tinh hoa trí thức rõ ràng (và cực đoan) của Einstein.
Mỗi lần ông nhận thấy đồng loại của mình khuyết thiếu về trí tuệ, tư tưởng nhân văn và lòng nhân ái của ông sẽ đột ngột biến mất và kết thúc bằng sự khó chịu. Trong số các nhận xét nghiệt ngã trong nhật ký hành trình viết năm 1922 của mình, cũng tư tưởng tinh hoa chủ nghĩa đó đã xuất hiện, lần này là dưới lăng kính sắc tộc. Khi ông nhìn thấy “sự trì độn” ở những người dân Trung Quốc xa lạ đối với ông, khi ông đưa ra những nhận xét về tình trạng bị cho là thấp kém về trí tuệ của người Nhật Bản và người Sinhale [dân tộc đông nhất ở Sri Lanka], khi ông nhìn nhận những người Do Thái chính thống cực đoan cầu nguyện tại Bức tường Phía Tây ở Jerusalem như những người “ngốc nghếch”, thì sự thiếu thông cảm với đồng loại của ông đã bị lộ ra.
Nhưng liệu chúng ta có nên giải thích các nhận xét của Einstein thuần túy như sản phẩm của xu hướng tư tưởng, tình cảm chung ở thời đại mà ông sống? Vào thời điểm Einstein ghi chép những ấn tượng từ chuyến đi của mình đến Viễn Đông, đầu những năm 1920, cái được gọi là các học thuyết “khoa học” về sự khác biệt sinh học giữa thành viên của nhiều chủng tộc khác nhau hết sức phổ biến. Và dù giờ đây không còn được tin dùng nữa, quan niệm ưu sinh ủng hộ việc “cải thiện vật liệu gien” khi đó đã lan rộng trong giới trí thức châu Âu và Mỹ vốn có những niềm tin chính trị khác nhau.
Chỉ một thập kỷ sau khi Einstein viết nhật ký hành trình này, người Do Thái ở châu Âu trở thành đối tượng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tàn bạo dưới thời của những đảng viên Quốc xã, những kẻ đã tham gia vào sự mở rộng lô-gic những tư tưởng không thể biện hộ này theo cách tồi tệ nhất.
Dù các nhà sử học nghiên cứu về người Do Thái ở Đức duy trì quan điểm cho rằng các trí thức Do Thái “chưa bao giờ chấp nhận một cách rõ rệt học thuyết ưu việt chủng tộc”, như cách nói của nhà sử học Donald L. Niewyk, nhưng thậm chí họ đã không miễn nhiễm với các quan điểm sinh học về các vấn đề chủng tộc và ưu sinh trong suốt thời kỳ này. Đặc biệt vào thời điểm khi các định nghĩa tôn giáo về bản sắc Do Thái trở nên lỗi thời, cả những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái nhiệt thành và những người Do Thái đã bị đồng hóa, trong khi tìm những cách mới để định nghĩa người Do Thái cũng như những nhóm khác, đã bám vào những tư tưởng mà giờ đây bị coi là rơi vào cái ô “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mang tính khoa học” (scientific racism).
Như nhật ký cho thấy, Einstein không phải là không có khả năng chịu ảnh hưởng của những quan điểm này. Ở Hongkong, cùng vào cái ngày ông công khai bày tỏ sự ghê sợ trước viễn cảnh người Trung Quốc sẽ lấn lướt các chủng tộc khác, ông ca ngợi “sự thật” là người Do Thái duy trì được sự “thuần chủng” qua cả thiên niên kỷ. Qua những nhận xét khinh suất của ông, chúng ta thấy rằng ông thật sự tin vào trật tự về năng lực sinh học và trí tuệ (thứ quan trọng bậc nhất đối với ông) giữa các thành viên của các cộng đồng và sắc tộc khác nhau.
Nhưng, bởi nhiều lý do, tôi không nghĩ chúng ta nên gạt bỏ những lời bình phẩm dễ làm mếch lòng của Einstein chỉ vì chúng đơn thuần là sản phẩm của xu hướng tư tưởng, tình cảm phổ biến thịnh hành lúc bấy giờ. Chúng ta đặt ra tiêu chuẩn cao hơn với Einstein, dù điều đó có công bằng hay không, vì ông là một biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn. Nếu coi ông như tấm gương ở một lĩnh vực nào, chúng ta nên hiểu quan điểm đầy đủ và phức tạp của ông về lĩnh vực đó.
Hơn nữa, như tôi đã thử chứng minh trong phân tích từ góc độ lịch sử về cuốn nhật ký, có những thái độ đương thời ngày đó có tính khoan dung hơn là những thái độ được Einstein thể hiện qua các nhận xét riêng tư và tức thời trong nhật ký hành trình của mình
Vào cùng thời điểm Einstein tán thành các thuyết ưu sinh và thuyết chủng tộc, đã có những người không dựa vào quan điểm thứ bậc như vậy về năng lực trí tuệ giữa các thành viên thuộc các nhóm sắc tộc khác nhau, như nhà xã hội học người Mỹ gốc Đức nổi tiếng Franz Boas và nhà hoạt động dân quyền xuất sắc người Mỹ gốc Phi W.E.B. Du Bois, những người vừa kiên quyết vừa mạnh mẽ phản đối cái gọi là “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mang tính khoa học”.
Đồng thời, tôi không tin rằng chúng ta có quyền lên án những định kiến và khuôn sáo cá nhân của nhà khoa học vĩ đại mà không thành thật và trung thực nhìn nhận những mặt tối của chính mình - sự lệch lạc khi chúng ta hấp tấp và tàn nhẫn đánh giá người nước ngoài và các dân tộc khác, cùng khao khát thầm kín nhằm loại bỏ họ và những cảnh ngộ khốn khổ của họ khỏi cuộc sống yên ổn của chúng ta.
Việc ngay cả Einstein, người sau này trở thành biểu tượng của chủ nghĩa nhân đạo, cũng không giỏi nhìn ra Kẻ Khác trong bản thân mình ở thời điểm một thập kỷ trước khi chính ông trở thành người tị nạn chạy trốn khỏi chính sách phân biệt chủng tộc của Đức Quốc xã, cho chúng ta cơ hội quý giá để nhìn nhận những mặt gai góc trong nhân tính của mình. Trong thế giới đầy thù hận và ngày càng thiếu khoan dung hôm nay, nhật ký hành trình đến Viễn Đông của Einstein thách thức tất cả chúng ta nhận ra mình trong Kẻ Khác và sự khác biệt ở Kẻ Khác trong bản thân mình.
Ze’ev Rosenkranz là người biên tập cuốn “Nhật ký hành trình của Albert Einstein - Viễn Đông, Palestine, và Tây Ban Nha, 1922 - 1923”. Ông là nhà biên tập lâu năm và phó giám đốc Dự án các bài viết của Einstein ở Viện Công nghệ California.